Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ tiếp đón người đứng đầu Chính phủ Iraq trong tuần này và cùng tham gia các cuộc đàm phán trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên khắp Trung Đông do cuộc chiến ở Gaza vốn đã kéo dài hơn 6 tháng và cuộc tấn công trả đũa chưa từng có tiền lệ của Iran nhằm vào Israel vào cuối tuần qua.
Vào thời điểm Iran khai hỏa hàng loạt máy bay không người lái (UAV) và tên lửa vào Israel hôm 13/4, Thủ tướng Iraq Mohammed al-Sudani theo kế hoạch đã lên đường tới Washington DC trong chuyến thăm chính thức 7 ngày. Một tuyên bố từ văn phòng của ông Al-Sudani hôm 13/4 đã xác nhận việc ông khởi hành từ Baghdad.
Trong chuyến thăm đầu tiên tới Nhà Trắng với tư cách Thủ tướng Iraq, dự kiến, ông Al-Sudani sẽ gặp Tổng thống Biden tại Phòng Bầu dục vào ngày 15/4. Nhà lãnh đạo Iraq dự định sẽ nói chuyện với các doanh nghiệp Mỹ, cộng đồng người Iraq và các tổ chức tư vấn ở Washington DC trước khi tới Houston để bàn chuyện hợp tác với các công ty năng lượng của Mỹ.
Chuyến đi của ông Al-Sudani diễn ra khi những lo ngại về an ninh gia tăng mạnh mẽ ở một khu vực vốn đã tồn tại quá nhiều căng thẳng, làm nổi bật thêm câu hỏi về sự hiện diện quân sự kéo dài 2 thập kỷ của Mỹ ở Iraq. Theo các quan chức Mỹ, một khẩu đội Patriot của Mỹ ở Irbil, Iraq, đã hạ gục ít nhất một tên lửa đạn đạo do Iran khai hỏa về phía Israel hôm 13/4.
Ngoài ra, các lực lượng ủy nhiệm của Iran đã bắt đầu các cuộc tấn công chống lại các lợi ích của Mỹ trên toàn khu vực từ bên trong Iraq. Tất cả khiến cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Iraq vào ngày 15/4 càng trở thành tâm điểm chú ý.
Theo các quan chức Mỹ, các cuộc đàm phán sẽ bao gồm thảo luận về sự ổn định trong khu vực và việc triển khai quân đội Mỹ trong tương lai, đồng thời cũng sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế, thương mại và năng lượng vốn đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Iraq.
Ông Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đều dự kiến sẽ đề cập đến sự hiện diện của Quân đội Mỹ trong các cuộc gặp với ông Al-Sudani. Tuần trước, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết: “Đây không phải là trọng tâm chính của chuyến thăm… nhưng nó gần như chắc chắn sẽ được đề cập tới”.
Mỹ và Iraq bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức vào tháng 1 về việc chấm dứt sự hiện diện ở Iraq của một liên minh được thành lập để giúp Chính phủ Iraq chống khủng bố, với khoảng 2.000 lính Mỹ vẫn ở lại nước này theo thỏa thuận với Baghdad. Các quan chức Iraq đã nhiều lần kêu gọi các lực lượng đó rời đi.
Hai bên có mối quan hệ mong manh một phần do ảnh hưởng đáng kể của Iran ở Iraq, nơi liên minh các nhóm được Iran hậu thuẫn đã đưa ông Al-Sudani lên nắm quyền vào tháng 10/2022.
Ông Al-Sudani bắt đầu nhiệm kỳ của mình với những lời hứa sẽ tập trung vào phát triển kinh tế và chống tham nhũng, nhưng chính phủ của ông đã phải đối mặt với những khó khăn kinh tế, bao gồm sự chênh lệch về tỉ giá hối đoái chính thức và thị trường giữa đồng dinar của Iraq và đồng USD.
Các vấn đề về tiền tệ một phần xuất phát từ việc Mỹ thắt chặt nguồn cung USD cho Iraq, như một phần của cuộc trấn áp hoạt động rửa tiền và buôn lậu tiền sang Iran. Mỹ đã không cho phép hơn 20 ngân hàng Iraq giao dịch bằng USD như một phần của chiến dịch.
Chính phủ của ông Al-Sudani gần đây đã gia hạn hợp đồng mua khí đốt tự nhiên từ Iran thêm 5 năm nữa với Iraq, điều này có thể khiến người Mỹ không hài lòng.
Thủ tướng Iraq sẽ trở lại đất nước và gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sau chuyến đi tới Washington DC, điều này cuối cùng có thể dẫn đến giải pháp cho tranh chấp kéo dài về xuất khẩu dầu từ khu vực người Kurd ở Iraq sang Thổ Nhĩ Kỳ. Washington đã tìm cách khôi phục dòng dầu.
Minh Đức (Theo AP, Xinhua, Wilson Center)