"Kế ly gián" Moscow - Ankara?
Moscow và Ankara vẫn hợp tác với nhau, trái ngược với tuyên bố trước đó của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói liên minh do Mỹ dẫn đầu đã lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi Nga, theo Sputnik.
Theo các nhà quan sát, nỗ lực của phương Tây nhằm đẩy lùi sự gắn kết chiến lược giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã không thành công.
"Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống đã đưa ra một phản ứng toàn diện cho những tuyên bố vô căn cứ này", Aziz Babuscu, thành viên của đảng Công lý và Phát triển (AKP), nói với Sputnik Thổ Nhĩ Kỳ. "Về phần tôi, tôi sẽ nói rằng những tuyên bố như vậy là thiếu lịch sự ngoại giao cơ bản và là một đánh giá rất nông cạn về tình hình”.
Trước đó, ông Macron phát biểu trong cuộc phỏng vấn với BFM TV rằng: "Với cuộc tấn công này, chúng tôi đã tách Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi vấn đề Syria ... Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án vụ tấn công hóa học và hỗ trợ các hoạt động mà chúng tôi tiến hành".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ca ngợi cuộc tấn công như một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Damascus.
Tuy nhiên, Ankara đã bác bỏ tuyên bố của ông Macron hôm 16/4. Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh, mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Moscow ngày càng mạnh mẽ và lưu ý rằng Ankara "mong đợi các tuyên bố của ông Macron sau này sẽ phù hợp với vai trò của một tổng thống hơn”.
Về phần mình, nhà quan sát chính trị Thổ Nhĩ Kỳ Ceyhun Bozkurt nhấn mạnh mục tiêu chính của cuộc tấn công Mỹ-Anh-Pháp là làm ly gián mối quan hệ và hợp tác Nga-Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ hợp tác ba bên Nga-Thổ-Iran.
"Phương Tây đang lo ngại sự phát triển trong quan hệ hợp tác Nga-Thổ và có ý định ngăn chặn sự gắn bó hơn nữa của hai nước. Lời tuyên bố của Macron hoàn toàn ứng với mục đích này", Bozkurt bình luận.
Theo các nhà quan sát chính trị, ly gián Moscow và Ankara không phải một nhiệm vụ dễ dàng đối với phương Tây. Với kinh nghiệm từ sau cuộc khủng hoảng Nga-Thổ trong vụ bắn rơi Su-24 vào năm 2015, giới phân tích nhấn mạnh rằng hai nước đã luôn cẩn trọng trước sự phá hoại từ bên ngoài.
Thêm vào đó, sau vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov, Ankara và Moscow đã chứng tỏ quyết tâm không ngừng nghỉ trong việc tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố.
Bozkurt chỉ ra rằng: "Trong vài năm qua, các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã tiến hành điện đàm cũng như gặp mặt thường xuyên. Điều này càng làm giảm khả năng quan hệ tan vỡ”.
Washington muốn duy trì sự hỗn loạn Trung Đông
Theo Bozkurt, Mỹ muốn duy trì sự hỗn loạn ở Syria. Sự hỗn loạn này là để chứng tỏ sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Sau cuộc tấn công vào tuần trước, Mỹ, Pháp và Anh có thể sẽ cố gắng tăng cường hậu thuẫn cho lực lượng người Kurd để duy trì và củng cố vị thế ở Manbij và phía Đông sông Euphrates.
Nhà phân tích nhấn mạnh cuộc xung đột chính trị tiềm ẩn giữa Moscow và Ankara có thể làm tiêu vong mọi hiệu quả mà hai quốc gia đạt được trong khu vực. "Vì vậy, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác để đảm bảo lợi ích quốc gia và an ninh của mình", chuyên gia Bozkurt giải thích.
"Chia rẽ Syria sẽ gây thiệt hại cho lợi ích của tất cả các nước trong khu vực", ông cho hay. "Tôi tin rằng ngay cả trong trường hợp có sự hiểu lầm nhỏ giữa các bên, điều này sẽ không làm hỏng bức tranh tổng thể về sự tương tác và sự hợp tác của họ".
Về phần mình, bình luận về giả thuyết của ông Macron về những mâu thuẫn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, người phát ngôn của Kremlin, ông Dmitry Peskov, nói : "Cuộc tấn công này không hề chia rẽ hai nước. Không thể phủ nhận Moscow và Ankara khác nhau về một số vấn đề, nhưng điều này không ngăn cản chúng ta tiếp tục thảo luận để tháo gỡ vướng mắc”.
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Emmanuel Macron đặt mình vào những tuyên bố ngược dòng sau cuôc tấn công Syria.
Phát biểu với kênh truyền hình BFM của Pháp vào ngày 15/4, Macron thông báo rằng ông đã "thuyết phục" Tổng thống Mỹ Donald Trump giữ quân ở lại Syria lâu dài.
"Cách đây mười ngày, Tổng thống Trump nói Mỹ sẽ rút quân khỏi Syria," Macron nói. "Tôi cam đoan với bạn, chúng tôi đã thuyết phục ông ấy rằng nước Mỹ cần phải ở lại đây rất lâu nữa”.
Đáp lại, phát ngôn viên Nhà Trắng, bà Sarah Sanders khẳng định chắc nịch: "Tổng thống đã nói rất rõ về việc ông muốn các lực lượng Mỹ trở về nhà càng sớm càng tốt".
Washington cũng bác bỏ phát biểu của ông Macron, nói rằng Mỹ đang có kế hoạch thu hồi quân trong thời gian sớm.