Theo Reuters ngày 28/11, cựu Thủ tướng Pháp là người đã đưa ra những cải cách cứng rắn như nâng tuổi hưu, giảm áp lực bảo hiểm y tế và bỏ giới hạn 35 giờ làm việc một tuần.
“Bây giờ, nhiệm vụ quan trọng nhất của tôi là phải thuyết phục được người dân Pháp rằng, dự án của tôi là điều duy nhất có thể vực nước Pháp đứng dậy. Nước Pháp cần cải cách triệt để trong các vấn đề việc làm, tăng trưởng hay kể cả trong cuộc chiến chống lại những kẻ điên (những thành phần của nhóm Hồi giáo cựu đoan) đang nhằm vào an ninh của chúng ta”, ông Fillon phát biểu sau khi chiến thắng.
“Tôi sẽ đưa ra một thử thách mới dành cho nước Pháp: Nói sự thật và thay đổi hoàn toàn phương thức hoạt động trước đây”, cựu Thủ tướng Pháp nhấn mạnh.
Theo truyền thông Pháp, tại cuộc bầu cử sơ bộ, ông Fillon đã giành chiến thắng với 66,5% trước đối thủ của mình là Thị trưởng thành phố Bordeaux Alain Juppé.
Reuters đưa ra bình luận: “Cuộc tổng tuyển cử năm 2017 sẽ là một thử thách mới dành cho quốc gia với nền kinh tế lớn thứ hai EU. Nơi mà tỷ lệ thất nghiệp cao và bất ổn an ninh trước sự tấn công của nhóm Hồi giáo cực đoan đang là những vấn đề mà người dân lo ngại.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, ứng viên 62 tuổi là ứng viên sáng giá nhất cho ngôi vị Tổng thống vào năm sau, khi hai đối là bà Marine Le Pen của phe cực hữu và một ứng viên khác của phe cánh tả thất thế.
Đặc biệt khả năng thắng cử của cựu Thủ tướng Pháp là rất lớn khi toàn bộ phe cánh trung – hữu đều nhất trí ủng hộ ông Fillon. Ngay cả hai “đối thủ” của ông là ông Sarkozy và ông Juppé đều đã kêu gọi các cử tri đoàn kết và hãy bầu cho ông Fillon.
“Đây là thời điểm mà gia đình chính trị này phải đoàn kết xung quanh ông Francois Fillon để đảm bảo rằng nước Pháp có thể có một bước tiến mới trong tương lai”, ông Sarkozy chia sẻ sau khi nhận thất bại dưới tay ông Fillon.
Ngược lại với phe cánh tả, họ đang bị chia rẽ nội bộ khi có rất nhiều ứng viên không đồng nhất quan điểm và đều muốn đứng ra tranh cử.
Florian Philippot, thành viên đảng Front National khẳng định: “Đối với chúng tôi, ông ấy là một ứng cử viên sáng giá cho “ghế” Tổng thống Pháp năm nay. Các dự án của ông ấy hoàn toàn khác biệt với chúng tôi”.
Dưới sự lãnh đạo của bà Le Pen, đảng Front National đã thay đổi hoàn toàn hướng đi từ một đảng đi đầu về lĩnh vực tự do kinh tế và giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ sang một đảng ủng hộ tuổi hưu thấp hơn và một chính sách cộng đồng cởi mở hơn.
Song dù thành công trong cuộc bầu cử sơ bộ, nhưng theo chuyên gia chính trị Ingrid Melander của Reuters, con đường chạy đua vào Điện Elysée của cựu Thủ tướng Pháp vẫn sẽ gặp nhiều trở ngại.
“Gần đây, khi Chính phủ Pháp thông qua một dự thảo mới về luật lao động, “mềm” hơn rất nhiều so với những gì ông Fillon đặt ra, dự luật này đã gây làn sóng biểu tình lớn tại quốc gia này. Người dân Pháp vẫn chưa sẵn sàng đón nhận sự thay đổi, đồng nghĩa với việc phe cánh tả và đảng Front National vẫn còn hy vọng chiến thắng vào tháng 4 năm sau”, ông Malander bày tỏ quan ngại.
Cũng theo hãng tin Reuters, trong chiến dịch tranh cử của mình, cựu Thủ tướng Pháp đề đạt, sẽ cắt giảm 100 tỷ Euro cho các khoản chi công trong vòng 5 năm tới nếu như đắc cử. Ông Fillon cũng chủ trương sẽ cắt giảm thuế đối với người giàu và nâng tuổi hưu từ 60 lên 65, tăng thuế VAT đối với tất cả các mặt hàng.
Trong một diễn biến liên quan, tính tới thời điểm này Tổng thống đương nhiệm Francois Hollande vẫn chưa có thông tin gì về việc liệu ông có tiếp tục tranh cử vào năm 2017 hay không. Những người thân cận của ông Hollande cho hay ông vẫn sẽ tham gia dù cho tỷ lệ ủng hộ ông đang ở mức thấp kỷ lục. Dự kiến ông Hollande sẽ chính thức ra tuyên bố vào tháng 1 tới đây.
Theo kết quả thăm dò vào ngày Chủ Nhật (27/11), hiện tỷ lệ ủng hộ của dân chúng đối với Tổng thống đương nhiệm Hollande và Thủ tướng Manuel Valls đều ở mức thấp lỷ lục. Dự báo cả hai ông sẽ không có quá 9% số người ủng hộ, sẽ trượt ở ngay vòng bỏ phiếu đầu tiên nếu tham gia tranh cử Tổng thống vào năm tới.
Phương Anh