Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi châu Âu đưa ra chiến lược phòng không trước khi xem xét mua sắm bất kỳ thiết bị nào. Lời kêu gọi dường như là nhằm chỉ trích sáng kiến “Lá chắn Bầu trời châu Âu” do Đức khởi xướng, trong đó có việc mua sắm hệ thống phòng không từ các công ty Israel và Mỹ. Nhà lãnh đạo Pháp luôn nhấn mạnh mục tiêu “tự chủ chiến lược” của châu Âu và khuyến khích EU giảm phụ thuộc vào Mỹ, nhất là về an ninh.
Thúc đẩy nền quốc phòng châu Âu
Tổng thống Macron hôm 19/6 cho biết, ông đã đạt được một số tiến bộ trong việc thuyết phục một số đồng minh EU của Pháp xem xét một chiến lược phòng thủ “nội địa” hơn, trái ngược với nỗ lực do Đức dẫn đầu nhằm mua chung các hệ thống phòng không do các đơn vị bên ngoài châu Âu sản xuất.
Đức đã khiến Pháp khó chịu hồi tháng 10 năm ngoái khi công bố kế hoạch cùng với 14 đồng minh NATO mua các hệ thống vũ khí, trong đó có các phần đến từ Mỹ và Israel, nhằm bảo vệ lãnh thổ của các đồng minh khỏi các cuộc tấn công tên lửa tiềm tàng trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.
Kể từ đó, khoảng 17 quốc gia, bao gồm các quốc gia vùng Baltic, Anh và một số cường quốc Đông Âu, vốn có truyền thống hướng về Mỹ để mua khí tài quân sự, đã đăng ký tham gia sáng kiến “Lá chắn Bầu trời châu Âu” (European Sky Shield) do Berlin khởi xướng.
Nhưng hôm 19/6, ông Macron cho biết Pháp, Bỉ, Síp, Estonia và Hungary đã ký một ý định thư về việc mua chung các hệ thống phòng không Mistral do MBDA chế tạo. MBDA là tập đoàn phát triển và sản xuất tên lửa đa quốc gia của châu Âu, được thành lập vào tháng 12/2001 trên cơ sở sáp nhập các nhà sản xuất tên lửa chính của Pháp, Anh và Italy.
“Khi chúng ta nói về phòng không, chúng ta sẽ sai lầm khi lao vào tăng cường năng lực. Trước hết, câu hỏi đặt ra là chiến lược”, ông Macron cho biết khi phát biểu tại một hội nghị quốc phòng với sự tham dự của đại diện từ khoảng 20 quốc gia bên lề Triển lãm Hàng không Paris – sự kiện lớn nhất thế giới tập trung vào ngành hàng không và vũ trụ.
Trong số các quốc gia tham gia hội nghị có Đức, Anh và Thụy Điển cũng như các nước láng giềng của Ukraine là Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania. Đại diện của NATO và EU cũng tham dự.
“Chúng ta cần biết mối đe dọa là gì… Và sau đó, chúng ta, những người châu Âu, có thể sản xuất được gì? Và sau đó chúng ta cần mua gì?”, ông Macron nói, đồng thời cảnh bảo chớ nên mua ngay “những gì có sẵn trên kệ”.
“Những gì diễn ra ở Ukraine cho chúng ta thấy rằng chúng ta chỉ có thể cung cấp cho Kiev những gì chúng ta có sẵn và có thể tự sản xuất. Những gì đến từ các quốc gia ngoài châu Âu thì khó quản lý hơn. Nó phụ thuộc vào thời gian giao hàng, ưu tiên và đôi khi là cả sự cho phép từ các nước thứ ba”, nhà lãnh đạo Pháp nói thêm.
Ông Macron cho rằng về lâu dài, EU cần có quyền tự chủ chiến lược của riêng mình thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ thông qua NATO. Chìa khóa cho điều đó sẽ là xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu và mua hàng trong EU.
Pháp là một trong những nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ông Macron đã bác bỏ những ám chỉ rằng ông đang thúc đẩy thiết lập một nền quốc phòng châu Âu do Pháp thống trị.
“Chính châu Âu đang bảo vệ châu Âu”
Lo sợ một giải pháp toàn châu Âu có thể mất nhiều thập kỷ, Berlin đã quyết định sử dụng các hệ thống sẵn có đã được chứng minh thực chiến cho sáng kiến Sky Shield, chẳng hạn như Patriot của Mỹ, Arrow-3 của Israel và hệ thống IRIS-T của Đức.
Đức sau đó đã để ngỏ cho Pháp gia nhập sáng kiến này bằng cách bổ sung hệ thống MAMBA do Pháp-Italy sản xuất vào danh sách các hệ thống phòng không có thể cung cấp cho các thành viên Sky Shield. Nhưng Pháp đã từ chối tham gia một sáng kiến mà họ tin rằng sẽ tạo ra những sự phụ thuộc mới, và vấn đề này đã trở thành một nguồn gây tranh cãi nữa giữa Berlin và Paris.
Một quan chức quốc phòng Pháp trước đó cho biết, cuộc thảo luận cần vượt ra ngoài lĩnh vực phòng không để xem xét phân tích mối đe dọa, sự kết hợp giữa khả năng phòng thủ, tấn công và chống máy bay không người lái cũng như “chiếc ô” hạt nhân.
Trong cuộc họp ở Paris hôm 19/6, diễn ra 3 ngày sau một cuộc họp của Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã bảo vệ sáng kiến của Đức.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức phủ nhận có bất kỳ sự cạnh tranh nào giữa các kế hoạch của Đức và Pháp.
“Sáng kiến Sky Shield không cạnh tranh với NATO hay EU. Mọi thứ được mua đều có thể được tích hợp vào cấu trúc hiện có. Điều này có nghĩa là chúng tôi không cạnh tranh với hội nghị quốc phòng này của Pháp”, vị phát ngôn viên nói.
“Pháp và Tây Ban Nha rõ ràng đã được mời tham gia sáng kiến do Đức dẫn đầu. Pháp đã tham gia vào các cuộc họp đầu tiên. Sáng kiến này được để mở cho các quốc gia khác có thể muốn tham gia”, ông nói thêm.
Ukraine đã mua một số hệ thống IRIS-T từ Đức khi nước này phải chật vật đối mặt với tình trạng thiếu hụt để có được càng nhiều đơn vị phòng không phương Tây càng tốt để bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng khỏi các cuộc không kích.
Hôm 19/6, Tổng thống Macron cũng cho biết hệ thống phòng không MAMBA do Pháp-Italy sản xuất hiện đã được triển khai ở Ukraine. “Chính châu Âu đang bảo vệ châu Âu”, ông nói.
Minh Đức (Theo Reuters, AP, Bloomberg)