Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 4/7 đã bắt đầu cải tổ nội các nhằm giành lại thế chủ động sau khi mất thế đa số tuyệt đối trong quốc hội và đám phán liên minh không thuận lợi.
Việc cải tổ đã trở nên cần thiết đối với ông Macron sau khi một số Bộ trưởng bị đánh bại trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng trước, buộc họ phải từ chức, phù hợp với truyền thống chính trị của Pháp.
Một số ghế trong nội các cũng đã bị bỏ trống kể từ khi Tổng thống Macron tái đắc cử hồi tháng 4.
Nhưng phạm vi của “cuộc đại tu” có thể lớn hơn, với việc ông Macron đang tìm cách cân bằng quyền lực trong liên minh của chính mình và gửi tín hiệu đến các cử tri rằng ông đã nghe thấy lời kêu gọi của họ về một sự thay đổi.
Theo đó, ông Olivier Véran, người từng là Bộ trưởng Y tế trong đại dịch Covid-19, sẽ đảm nhận công việc phát ngôn viên của chính phủ.
Ông đã giành được danh tiếng là người bình tĩnh và đĩnh đạc khi bảo vệ chính sách Covid của chính phủ tại quốc hội và trên các phương tiện truyền thông.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã nói với đài phát thanh France Inter rằng ông sẽ tiếp tục giữ vai trò hiện tại của mình.
Điều đó không có gì ngạc nhiên vì ông Le Maire là một trong những Bộ trưởng nổi bật nhất của ông Macron.
Việc các vị trí chủ chốt như Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính vẫn không thay đổi trong cuộc cải tổ hôm 4/7 cho thấy ông Macron không thực hiện thay đổi chính sách nào dù đã nhiều lần bị phe đối lập chỉ trích là không biết lắng nghe công chúng sau cuộc bầu cử lập pháp khiến liên minh Ensemble (Chung sức) theo đường lối trung dung của ông bị mất quyền kiểm soát quốc hội.
“Chúng tôi sẽ có nhiều việc cần phải làm để khôi phục niềm tin (của công chúng)”, ông Veran, trong vai trò là người phát ngôn mới của chính phủ, thừa nhận khi tiếp quản công việc, đề cập đến những bình luận không hài lòng của cử tri trong chiến dịch bầu cử lập pháp hồi tháng 6.
Bị mất thế đa số tuyệt đối trong quốc hội khóa tới, Tổng thống Macron đã không công bố bất kỳ thỏa thuận liên minh nào với các đảng khác để xây dựng thế đa số khả thi trong quốc hội cũng như không săn lùng bất kỳ tên tuổi lớn nào từ phe đối lập trong cuộc cải tổ nội các mới nhất này.
Ông và chính phủ của mình sẽ cần đàm phán để tìm kiếm sự ủng hộ từ phe đối lập đối với từng dự luật, cho mỗi cuộc cải cách.
Những thách thức của ông sẽ bắt đầu sớm nhất là trong tuần này với việc dự thảo dự luật chi phí sinh hoạt sẽ được chính phủ thông qua và trình quốc hội, và bài phát biểu về chính sách của bà Elisabeth Borne, người vẫn giữ vai trò Thủ tướng.
Bà Bourne có thể kêu gọi một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sau bài phát biểu. Phe đối lập cánh tả cho biết họ sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu bà không thực hiện bước đi này.
Minh Đức (Theo TRT World, France24)