Tổng thống Pháp Macron không được như ý trong đàm phán liên minh

Tổng thống Pháp Macron không được như ý trong đàm phán liên minh

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 5, 30/06/2022 16:03

Đại diện phe đối lập thậm chí còn chê rằng hai bên “không nói cùng một thứ ngôn ngữ”.

Nỗ lực của Tổng thống Emmanuel Macron để đạt được một thỏa thuận liên minh trong quốc hội Pháp vào tuần tới dường như ngày càng khó xảy ra, Bloomberg đưa tin.

Kết quả cuộc bầu cử lập pháp vừa qua có nghĩa là đảng Chung sức (Ensemble) của Tổng thống Macron sẽ phải xây dựng các liên minh để thông qua luật, một tình huống chưa từng thấy ở Pháp kể từ năm 1958.

Trong khi ông Macron đang bận rộn tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha, ở quê nhà, các cuộc đàm phán thành lập liên minh vẫn đang diễn ra.

Tại cung điện Matignon ở Paris, nơi Thủ tướng Élisabeth Borne đã gặp gỡ đại diện của các đảng từ khắp các khu vực chính trị, các cuộc đàm phán cho đến nay chỉ thu được rất ít kết quả.

Như thường lệ, cuộc đàm phán giữa chính phủ của ông Macron và các thành viên của liên minh cánh tả Bình dân Xã hội và Sinh thái Mới (NUPES) do ông Jean-Luc Mélenchon dẫn dắt đã diễn ra rất khó khăn.

Đại diện NUPES cho biết vào cuối ngày 28/6 rằng, 2 bên bất đồng về hầu hết các điểm trong chương trình nghị sự ủng hộ doanh nghiệp của ông Macron, bao gồm cả cái gọi là “cách tốt nhất để đưa ra luật để giúp mọi người đối phó với cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí” và các kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thế giới - Tổng thống Pháp Macron không được như ý trong đàm phán liên minh

Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Globe Echo

Bà Borne cũng không đưa ra bất kỳ đề xuất hoặc nhượng bộ cụ thể nào có thể khuyến khích NUPES tham gia liên minh.

“Chúng tôi thậm chí không nói cùng một thứ ngôn ngữ”, một thành viên NUPES cho biết.

Bà Thủ tướng Pháp cho rằng, việc thúc đẩy người Pháp nghỉ hưu muộn hơn, ở tuổi 65 thay vì 62, không phải là một nỗi ám ảnh. Bình luận của bà Borne ám chỉ những điều chỉnh trong kế hoạch cải cách lương hưu của ông Macron là khả thi.

Nhưng vì không đạt được thế đa số tuyệt đối trong quốc hội khóa tới và vấp phải sự phản đối rộng rãi của công chúng, chương trình cải cách này của Tổng thống Macron khó có thể được thông qua, nếu không muốn nói là không thể.

Trong những ngày tới, bà Borne sẽ gặp gỡ đại diện của các đảng cánh hữu như đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen.

Làm quen với phong cách chính trị mới

Theo kết quả đầy đủ của cuộc bầu cử thứ 2 Quốc hội khóa XVI nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp, do Bộ Nội vụ Pháp công bố rạng sáng 20/6, đảng Emsemble của Tổng thống Macron giành được 245 ghế và vẫn là đảng lớn nhất trong quốc hội Pháp khóa tới, nhưng đã mất thế đa số tuyệt đối cho phép họ tự mình quyết định các chính sách quan trọng tại quốc hội.

Theo quy định, một liên minh cần ít nhất 289 ghế để giành được thế đa số tuyệt đối tại quốc hội Pháp với 577 thành viên.

Liên minh NUPES của nhà lãnh đạo cánh tả Mélenchon, đứng thứ 2 với 135 ghế, trở thành nhóm đối lập lớn nhất tại quốc hội Pháp khóa tới.

Lần này, đảng cực hữu RN của bà Le Pen đã giành được số ghế gần gấp 10 lần so với 8 ghế vào năm 2017.

Thế giới - Tổng thống Pháp Macron không được như ý trong đàm phán liên minh (Hình 2).

Theo thứ tự, ông Emmanuel Macron, ông Jean-Luc Mélenchon và bà Marine Le Pen, xuất hiện trong một cuộc tranh luận trước cuộc bầu cử Tổng thống Pháp tháng 4/2022. Ảnh:Politico

Sự phân mảnh trong chính trị sau cuộc bầu cử có nghĩa là ông Macron và các đồng minh có thể cần đàm phán trên cơ sở từng dự luật một với các đảng đối lập để tìm ra các ưu tiên chính trị phù hợp.

Pháp không quen với hình thức chính phủ liên minh. Ở Đức, Hà Lan hoặc các nước Bắc Âu, thường mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng đàm phán các vấn đề và đưa ra các thỏa thuận chính sách chi tiết.

Theo bình luận trên trang the Economist, ông Macron sẽ cần phải làm quen và chấp nhận một phong cách chính trị mới: không thể tự mình quyết mọi thứ, mà cần cởi mở và tương tác nhiều hơn.

Sự thay đổi sẽ không đến một cách tự nhiên, nhưng nếu Tổng thống Pháp thất bại trong việc này, nhiệm kỳ thứ hai của ông cũng sẽ thất bại.

Minh Đức (Theo Bloomberg, Economist)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.