Sự hiện diện của Tổng thống Putin tại APEC được cho là bởi diễn đàn này phù hợp với chính sách chuyển hướng châu Á của Điện Kremlin. Ông đánh giá sao về quan điểm này?
Từ năm 2014 đến nay, đây là lần đầu tiên ông Putin tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC. Điều này cho thấy sự quan tâm của Nga đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây cũng chính là một phần chính sách trọng tâm của Nga từ 2014 đến nay.
Sở dĩ có điều này bởi lẽ một phần Nga gặp khó khăn vì bị Mỹ và phương Tây bao vây, trừng phạt. Và vì sự căng thẳng trong quan hệ với NATO và Mỹ buộc Nga phải chuyển hướng sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khi đó các nền kinh tế thành viên APEC đa phần là đối tác có tiềm năng về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, những tiềm năng có thể giúp Nga khắc phục được khó khăn hiện nay về kinh tế, thương mại. Do vậy, việc ông Putin dự APEC phản ánh chính sách của Nga cũng như mong muốn của bản thân Tổng thống.
Bản thân APEC là diễn đàn thúc đẩy xu thế tự do thương mại, đầu tư, thúc đẩy kết nối. Điều này phù hợp với lợi ích chiến lược, lợi ích quốc gia của Nga trong bối cảnh hiện nay. Thêm nữa, vị trí địa lý của khu vực châu Á ngày càng quan trọng, sự chuyển dịch quyền lực tập trung cho khu vực này ngày càng tăng. Nơi đây tập trung nhiều cường quốc lớn.
Nga tham gia vào các hoạt động này chính là tham gia vào sân chơi phạm vi toàn cầu, giúp khẳng định vị thế nước Nga. Có lẽ vì vậy mà ông Putin đã tới tham dự sự kiện thay vì cử các quan chức cấp thấp hơn đi như trước đây.
Ngoài ra, việc Tổng thống Putin tham dự APEC cho thấy, quan hệ Việt Nam và Nga rất tốt đẹp. Đích thân Chủ tịch nước thăm Nga và mời Tổng thống Putin tham dự sự kiện. Điều này cho thấy lối ứng xử của Việt Nam cũng như vị thế của Việt Nam đang tăng trên trường quốc tế.
Vậy ông có thể phân tích chính sách châu Á của Nga trong giai đoạn vừa qua và những dự đoán về chính sách này trong tương lai gần?
Trong một thời gian dài, kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, châu Á không phải là trọng tâm của Nga vì lúc đó Nga tập trung xử lý quan hệ với phương Tây, đối phó với Mỹ. Sau những giai đoạn khó khăn, đặc biệt là từ khi ông Putin lên cầm quyền, kinh tế Nga dần phục hồi và họ dần lấy lại vị thế cường quốc của mình ở quy mô toàn cầu mà trước đây Liên Xô từng có, Nga dần quan tâm hơn tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đấy là về bên trong nội bộ của họ.
Về khách quan bên ngoài, châu Á-Thái Bình Dương trỗi dậy nên vùng đất này chính là cục nam châm có sức hút khiến nước Nga quan tâm hơn.
Tuy nhiên, chỉ đến sau khi Nga bị Mỹ và phương Tây bao vây, Nga buộc phải xoay sang phía bên này. Nga phải xoay trục. Một trong những xoay trục đó là lần đầu tiên năm 2014, Nga mở cửa khu vực Viễn Đông thu hút đầu tư. Đây là vùng trước đây Nga không mở cửa vì e ngại người dân châu Á tràn vào.
Thêm nữa, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc gần đây rất tốt đẹp. Khi Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau, Nga cũng nhận ra rằng còn các quốc gia khác trong khu vực châu Á cũng có đủ tiềm năng nên Nga muốn quan hệ mở rộng với toàn khu vực.
Ông Putin đến dự APEC cho thấy việc Nga muốn đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ với các nước trong cả khu vực châu Á và Việt Nam là đối tác quan trọng trong đó.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng và thực tế của việc hợp tác thương mại giữa Nga với Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng?
Về phía Nga, tiềm năng là rất lớn vì Nga có nhiều thế mạnh như thị trường rộng lớn, giàu có về tài nguyên, đặc biệt là dầu lửa, khoáng sản. Nga cũng có thế mạnh truyền thống mà không phải ai cũng thay thế được như ngành công nghiệp khai khoáng, một số ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng hạt nhân hay công nghệ vũ trụ, tên lửa...
Về phía các nước ASEAN, với sự tăng trưởng mạnh, các nước trong khu vực này cũng có nhu cầu cần đến các sản phẩm hay kỹ thuật của Nga.
Tuy nhiên, hai bên cũng có những rào cản. Các nước Đông Nam Á và châu Á mãi gần đây mới nổi lên và thực sự chưa phải là ưu tiên quan trọng. Nga vẫn quan tâm tới châu Âu hơn. Thêm nữa, tiềm lực tài chính của Nga vẫn còn hạn chế. Việt Nam, Nga luôn là đối tác tin cậy, trong số các doanh nghiệp nước ngoài tham dự APEC ở Việt Nam, có khá nhiều doanh nghiệp Nga. Họ thấy ở Việt Nam, cũng như các nước trong khu vực có tiềm năng hợp tác.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Xem thêm >> Ảnh: Nga tái hiện cuộc duyệt binh oai hùng năm 1941 tại Quảng trường Đỏ