Thông điệp mạnh mẽ
Theo giới phân tích, bài phát biểu phô diễn những loại vũ khí mới nhất của Tổng thống Putin hôm 1/3 nhằm mục đích cho thấy sức mạnh của Nga đủ để ngăn cản những động thái khiêu khích của phương Tây.
Trong Thông điệp Liên bang, ông Putin nói rằng các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga đã có thêm 80 tên lửa đạn đạo liên lục địa mới, 102 tên lửa đạn đạo và ba tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Borei. Ngoài ra, ông Putin đã chỉ ra rằng hơn 300 thiết bị quân sự mới đã được lực lượng Nga tiếp nhận từ năm 2012.
Theo lãnh đạo Nga, việc phát triển vũ khí mới không gây bất kỳ mối đe dọa cho nước ngoài và là một biện pháp cần thiết trước việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên khắp thế giới, đặc biệt là gần biên giới Nga.
Amin Khatit, một chuyên gia quân sự Lebanon cho hay, câu nói của ông Putin không nên được hiểu là lời gây chiến với phương Tây.
"Putin không muốn có một cuộc chiến tranh với phương Tây, nhưng ông muốn thể hiện sức mạnh, có khả năng ngăn chặn phương Tây thực hiện những ý định điên rồ trong các lĩnh vực quân sự và chính trị", Khatit nêu quan điểm.
Khatit nhắc nhở rằng các nhà chính trị phương Tây nên thấu hiểu bài phát biểu của ông chủ Điện Kremlin rằng, việc chống lại Nga cả trên biên giới lẫn trên thế giới (kể cả ở Syria), sẽ không có lợi cho tất cả, vì Nga có quyền lực hủy diệt bất kỳ ai.
"Hôm 1/3, Putin đã bảo đảm một 'chiếc ô hạt nhân' che chở Syria, Iran và các đồng minh khác ở Trung Đông trước Mỹ”, Riad Eid, một chuyên gia về địa chính trị của Lebanon, nói.
Eid giải thích rằng những câu nói kiên quyết trong bài phát biểu của ông Putin cho thấy sự sẵn sàng của Nga để chấm dứt quyền bá chủ của Mỹ trong các vấn đề quốc tế.
Trong khi John Russell, giáo sư nghiên cứu về Nga tại Đại học Bradford cho hay, các quy tắc của trò chơi đã thay đổi.
“Putin cùng với các quốc gia trọng điểm khác trên thế giới (bao gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập…) đã bác bỏ con đường phát triển dân chủ-tự do do phương Tây dẫn đầu", Russel nói.
Giới phân tích đều đồng tình rằng, bài phát biểu Thông điệp Liên bang của Tổng thống Putin không gây xúc phạm bất kỳ quốc gia nào. Thay vào đó, nó đã tạo ra một công cụ hợp lý gây áp lực lên các cường quốc phương Tây.
Trong một câu nhận xét ngắn cách đây vài năm, học giả người Mỹ và là chuyên gia về Nga Stephen F Cohen đã làm sáng tỏ một vấn đề trong quan hệ Nga-Mỹ: "Chiến tranh Lạnh đã kết thúc tại Moscow, nhưng ở Washington thì không".
Đây cũng được coi là quan điểm để Tổng thống Nga Vladimir Putin trình bày bản Thông điệp Liên bang hôm 1/3, theo Sputnik.
Trong bài phát biểu được cho là quan trọng nhất của Tổng thống Nga, một thông điệp đã gửi tới thế giới - đặc biệt là Washington – trong đó nhấn mạnh: Moscow có khả năng và sẵn sàng đáp ứng bất kỳ mối đe dọa nào mà Mỹ và đồng minh đang tìm cách áp đặt.
Trong bài thuyết trình video ấn tượng, Tổng thống Nga tiếp tục giới thiệu loại tên lửa hạt nhân mới của đất nước, được phát triển với mục tiêu phá vỡ các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến mà Washington hiện có.
Khác với những gì truyền thông phương Tây mô tả, một số học giả cho rằng, bài phát biểu không phải là sự thách thức, gây hấn của Nga dành cho Mỹ mà điều này xuất phát từ tất cả những áp lực quân sự do Mỹ và các đồng minh chống lại liên bang Nga gây ra.