Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 31/3 tuyên bố, ông đã ký sắc lệnh quy định người mua nước ngoài phải thanh toán bằng đồng rúp cho khí đốt của Nga từ ngày 1/4 và các hợp đồng sẽ bị tạm dừng nếu các khoản thanh toán này không được thực hiện, Reuters đưa tin.
"Để mua khí đốt tự nhiên của Nga, trước tiên khách hàng phải mở tài khoản đồng rúp trong các ngân hàng của Nga. Từ các tài khoản này, các khoản thanh toán sẽ được thực hiện cho khí đốt được giao bắt đầu từ ngày mai (1/4)", ông Putin cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình.
"Nếu các khoản thanh toán như vậy không được thực hiện, chúng tôi sẽ coi đây là do lỗi từ phía bên mua, với tất cả các hậu quả sau đó. Không ai bán cho chúng tôi bất cứ thứ gì miễn phí và chúng tôi cũng sẽ không làm từ thiện – (Điều đó) nghĩa là, các hợp đồng hiện có sẽ bị dừng lại", ông Putin bổ sung.
Nga đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt của châu Âu, vì vậy, theo Reuters, năng lượng là đòn bẩy mạnh mẽ nhất mà ông Putin sử dụng khi ông cố gắng đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với cuộc xung đột quân sự mà Moscow tiến hành ở Ukraine.
Quyết định của ông Putin trong việc thực thi các khoản thanh toán bằng đồng rúp đã thúc đẩy đồng tiền của Nga, vốn đã giảm xuống mức thấp lịch sử sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Các công ty và chính phủ phương Tây đã bác bỏ động thái này, coi đó là một sự vi phạm các hợp đồng hiện có, được quy định bằng đồng Euro hoặc USD. Bộ trưởng Kinh tế Pháp cho biết, Pháp và Đức đang chuẩn bị kịch bản cho trường hợp dòng chảy khí đốt của Nga có thể bị ngừng lại. Nếu điều này thực sự xảy ra, nó có thể khiến châu Âu rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn diện.
Sắc lệnh mà ông Putin đã đặt bút ký đề ra một cơ chế để bên mua chuyển ngoại tệ vào một tài khoản đặc biệt tại một ngân hàng của Nga, từ đó ngoại tệ sẽ được chuyển đổi sang đồng rúp cho khách mua nước ngoài để thanh toán tiền khí đốt cho Nga.
Ông Putin cho biết, việc chuyển đổi này nhằm củng cố chủ quyền của Nga và nó sẽ tuân theo các nghĩa vụ của nước này đối với tất cả các hợp đồng.
Minh Đức (Theo Reuters)