Tổng thống Nga Vladimir Putin đang ở Bắc Kinh dự Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường (BRF) lần thứ 3, nơi nhà lãnh đạo Nga dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 18/10.
Đây là chuyến đi đầu tiên của ông Putin tới một cường quốc thế giới kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2/2022, và là chuyến công du nước ngoài thứ hai của Tổng thống Nga kể từ khi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giữ ông. Trung Quốc không phải là thành viên của ICC.
Chuyến thăm Trung Quốc của ông Putin diễn ra vào thời điểm cuộc xung đột ở Ukraine vẫn dai dẳng trong khi cả thế giới đang hướng sự chú ý tới Trung Đông nơi cuộc chiến giữa Israel và Hamas đang diễn ra khốc liệt.
Bên cạnh các vấn đề quốc tế nổi bật, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận các chi tiết quan hệ song phương, từ kim ngạch thương mại, đầu tư, cơ sở hạ tầng, đến hợp tác năng lượng và sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán.
Trong cuộc phỏng vấn với China Media Group trước thềm chuyến công du 2 ngày tới Trung Quốc, Tổng thống Nga cho biết, Nga và Trung Quốc đang phát triển mối quan hệ song phương trên hết là vì lợi ích của nhân dân hai nước, chứ không phải chạy theo chủ nghĩa cơ hội chính trị ngắn hạn.
“Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc… không bị gò ép để phù hợp với môi trường toàn cầu hiện tại, cũng không phải là kết quả của chủ nghĩa cơ hội chính trị ngắn hạn. Quan hệ Nga-Trung đã được định hình trong 20 năm một cách thận trọng và được phân chia theo từng giai đoạn. Ở mỗi bước đi, cả Nga và Trung Quốc đều hành động vì lợi ích quốc gia của chính mình”, nhà lãnh đạo Nga nói.
Theo ông Putin, Moscow và Bắc Kinh luôn tính đến quan điểm và lợi ích của nhau. “Chúng tôi luôn cố gắng đạt được thỏa hiệp, ngay cả trong những vấn đề phức tạp kế thừa từ xa xưa. Quan hệ của chúng tôi luôn được thúc đẩy bởi thiện chí”, Tổng thống Nga nhấn mạnh.
Về phần mình, Bắc Kinh đã bác bỏ những lời chỉ trích của phương Tây về mối quan hệ hợp tác ngày càng tăng của họ với Moscow trong bối cảnh xung đột ở Ukraine. Họ khẳng định mối quan hệ này không coi thường các chuẩn mực quốc tế và Trung Quốc có quyền hợp tác với bất kỳ quốc gia nào họ chọn.
Thương mại - Đầu tư
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2022 tăng 29,3% so với năm trước, đạt 190,27 tỷ USD – con số kỷ lục của hai bên trong suốt thời gian hợp tác.
Nga chủ yếu xuất khẩu tài nguyên năng lượng, kim loại, gỗ, nông sản và hải sản sang Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc xuất khẩu sang Nga ô tô và xe tải, thiết bị điện tử tiêu dùng, máy xúc, bộ vi xử lý, quần áo, giày dép và hàng tiêu dùng.
Theo Trung Quốc, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9/2023, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 29,5% với tổng trị giá 176,4 tỷ USD.
Tổng thống Nga Putin là vị khách đầu tiên bước vào phòng thiết yến do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì, ngày 17/10/2023. Nguồn: Sputnik
Về đầu tư, theo Bộ Phát triển Kinh tế Nga, tính đến tháng 9/2023, Moscow và Bắc Kinh đã cùng nhau thực hiện 79 dự án quy mô lớn, với tổng vốn đầu tư khoảng 170 tỷ USD.
Theo Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Vladivostok, đầu tư của Trung Quốc vào vùng Viễn Đông Nga đã vượt quá 13 tỷ USD vào năm 2022.
Theo Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga-Châu Á, các lĩnh vực đầu tư chính của Trung Quốc vào Nga hiện đang thay thế các công ty phương Tây rời bỏ thị trường Nga vì các lệnh trừng phạt.
Tháng trước, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào (Wang Wentao) cho biết hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc-Nga đã ngày càng sâu sắc và trở nên “vững chắc” hơn dưới “sự chỉ đạo chiến lược” của hai nhà lãnh đạo.
Hợp tác năng lượng
Kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine bùng phát, Nga với tư cách nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới đã củng cố mối quan hệ năng lượng với Trung Quốc – nước tiêu thụ dầu mỏ số 2 thế giới sau Mỹ.
Tính đến cuối năm 2022, Nga đứng thứ hai về nguồn cung dầu cho Trung Quốc, với 86,25 triệu tấn (Ả Rập Xê-út đứng đầu với 87,49 triệu tấn).
Năm 2023, Nga tăng cường xuất khẩu dầu sang gã khổng lồ châu Á, với 60,6 triệu tấn đã được cung cấp cho Trung Quốc chỉ trong nửa đầu năm, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nga cung cấp dầu cho Trung Quốc thông qua 3 tuyến đường chính: một nhánh của đường ống dẫn dầu Đông Siberia-Thái Bình Dương (ESPO), các tàu chở dầu đi qua Kazakhstan và từ cảng Kozmino ở Viễn Đông.
Cho đến gần đây, Trung Quốc đã nhận 7 triệu tấn dầu của Nga qua Kazakhstan mỗi năm. Rosneft và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã ký một thỏa thuận vào tháng 2/2022 để tăng mức vận chuyển lên 10 triệu tấn dầu mỗi năm trong 10 năm. Hợp đồng này trị giá 80 tỷ USD.
Ngoài dầu, khí đốt Nga đang chảy thẳng đến Trung Quốc qua đường ống Power of Siberia (Sức mạnh Siberia) ở biên giới phía Bắc của nước này với Nga. Đi vào hoạt động từ tháng 12/2019, Power of Siberia dự kiến sẽ đạt công suất tối đa 38 tỷ m3 mỗi năm vào năm 2024. Hợp đồng này trị giá 400 tỷ USD.
Gazprom đã cung cấp 10,39 tỷ m3 khí đốt cho Trung Quốc qua đường ống này vào năm 2021, 15,5 tỷ m3 vào năm 2022 và 22 tỷ m3 vào năm 2023.
Dự án đường ống Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2), đi qua lãnh thổ Mông Cổ đến Khu tự trị Tân Cương ở phía Tây Trung Quốc, dự kiến vận chuyển 50 tỷ m3 mỗi năm tới phục vụ thị trường tỷ dân. Dự án đã vượt qua giai đoạn nghiên cứu khả thi vào tháng 1/2022, với thỏa thuận khung được Gazprom và CNPC ký kết vào tháng 11/2014. Hợp đồng cung cấp khí đốt vẫn chưa được ký kết.
Dự án thứ ba liên quan đến việc cung cấp khí đốt từ thềm đảo Sakhalin dọc theo đường ống Power of Siberia 3 hiện đang được xây dựng đến các thành phố Dalnerechensk và Hulin (tuyến Viễn Đông). Gazprom và CNPC đã ký thỏa thuận vào tháng 2/2022 để cung cấp 10 tỷ m3 khí đốt mỗi năm trong 30 năm tới qua tuyến đường này.
Khối lượng khí đốt đường ống Nga cung cấp cho Trung Quốc sẽ đạt 48 tỷ m3 mỗi năm khi các dự án Power of Siberia và Power of Siberia 3 đạt công suất tối đa.
Hợp tác Nga-Trung cũng bùng nổ trong lĩnh vực than đá, khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và năng lượng hạt nhân. Nga đã xuất khẩu 6,5 triệu tấn LNG sang Trung Quốc vào năm 2022 (tăng 44% so với năm 2021), nguồn cung tăng 2,4 lần về mặt giá trị, vượt 6,74 tỷ USD. Nguồn cung LNG Nga cho Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7/2023 tăng 62,7% so với cùng kỳ lên 4,46 triệu tấn.
Chương trình chiến lược phát triển hợp tác trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân đến năm 2030 đã được ký kết giữa hai bên vào tháng 3/2023.
Trung Quốc là nước nhập khẩu than lớn nhất thế giới. Nga và Trung Quốc ký lộ trình phát triển hợp tác than vào tháng 10/2014. Theo Thứ trưởng Năng lượng Nga Sergey Mochalnikov, xuất khẩu than của Nga sang Trung Quốc đã tăng 2,6 lần trong 6 năm qua lên 67 triệu tấn mỗi năm, với ít nhất 85 triệu tấn than Nga dự kiến sẽ được cung cấp cho Trung Quốc vào cuối năm 2023.
Nông nghiệp - Vận tải
Trung Quốc là khách hàng lớn của Nga về nhập khẩu thực phẩm và nguyên liệu nông nghiệp. Theo Cơ quan Hải quan Liên bang Nga, xuất khẩu mặt hàng này của Nga sang Trung Quốc đạt tổng cộng 3,5 tỷ USD vào năm 2021. Trung Quốc có truyền thống mua rất nhiều cá và hải sản (hơn 30% tổng khối lượng thực phẩm nhập khẩu). Xuất khẩu dầu thực vật, mật ong, sô-cô-la, bia và kem của Nga đã tăng lên trong 5 năm qua. Năm 2015, Trung Quốc mở cửa thị trường ngũ cốc cho các nhà sản xuất Nga.
Công ty Uralkali của Nga đã ký thỏa thuận cung cấp khoảng 3,5 triệu tấn kali clorua cho Trung Quốc từ năm 2023 đến năm 2025 vào ngày 15/6/2023.
Dự án giao thông lớn nhất giữa hai quốc gia láng giềng là Hành lang giao thông quốc tế Châu Âu-Tây Trung Quốc. Tuyến cao tốc này trải dài khoảng 8.500 km, trong đó 2.200 km ở Nga, 2.800 km ở Kazakhstan và 3.500 km ở Trung Quốc. Việc xây dựng bắt đầu từ năm 2008 và dự kiến hoàn thành vào năm 2024. Khối lượng vận chuyển hàng hóa dự kiến là 33 triệu tấn mỗi năm. Một số cơ sở đã đi vào hoạt động. Khoản đầu tư của các công ty Trung Quốc ước tính khoảng 150 tỷ rúp (1,53 tỷ USD).
Cây cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Amur, được gọi là Hắc Long Giang (Heilongjiang) ở Trung Quốc, nối thành phố Blagoveshchensk của Nga và thành phố kết nghĩa Hắc Hà, đã thông xe vào tháng 6/2022. Thỏa thuận nhượng quyền xây dựng đã được ký kết vào tháng 6/2016. Dự án trị giá 369 triệu USD.
Moscow hy vọng khi hoạt động hết công suất, cây cầu sẽ chứng kiến sự lưu thông của khoảng 4 triệu tấn hàng hóa và 2 triệu hành khách mỗi năm.
Thanh toán bằng đồng nội tệ
Bank of China là ngân hàng thương mại đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu hoạt động thanh toán bằng đồng nhân dân tệ và đồng rúp vào tháng 3/2003.
Vào tháng 3/2017, một trung tâm thanh toán và thanh toán bù trừ bằng đồng nhân dân tệ đã được khai trương tại Moscow. Có một số văn phòng đại diện của các ngân hàng Nga ở Trung Quốc, cũng như chi nhánh của Ngân hàng VTB ở Thượng Hải. Có khoảng 60 ngân hàng thương mại Nga có tài khoản đại lý tại các ngân hàng Trung Quốc.
Kể từ tháng 10/2017, một hệ thống thanh toán bằng đồng nhân dân tệ và đồng rúp của Nga đã hoạt động trong khuôn khổ Hệ thống Thương mại Ngoại hối Trung Quốc (CFETS).
Vào ngày 5/6/2019, một thỏa thuận liên chính phủ về việc chuyển đổi sang thanh toán bằng đồng tiền quốc gia của nhau đã đạt được giữa Nga và Trung Quốc.
Vào tháng 3/2023, Tổng thống Putin tuyên bố rằng Nga và Trung Quốc đã tiến hành 2/3 giao dịch thương mại của họ bằng đồng rúp và nhân dân tệ.
Minh Đức (Theo TASS, Reuters, Euronews)