Trưa ngày 7/5 (giờ Moscow), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ tư - củng cố vị trí là lãnh đạo phục vụ đất nước lâu nhất sau khi ông thắng cuộc bầu cử hồi tháng 3 năm nay.
Khoảng 5.000 khách mời đã tham dự buổi lễ nhậm chức của nhà lãnh đạo 65 tuổi tại Điện Kremlin. Trong số các khách mời có cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder - người đang phụ trách một chi nhánh của công ty dầu khí Gazprom của Nga - ngồi cùng hàng ghế với Thủ tướng Dmitry Medvedev. Một người bạn nổi tiếng khác của ông Putin, ngôi sao Hollywood Steven Seagal cũng có mặt.
Trong bài phát biểu ngắn gọn, Tổng thống Putin cảm ơn người Nga đã ủng hộ ông và hứa sẽ nỗ lực hết mình để giúp nước Nga trở nên thịnh vượng.
"Tôi hiểu trách nhiệm vĩ đại của mình. Tôi tin rằng mình đã dành phần lớn cuộc đời để phục vụ nước Nga", ông nói.
Tổng thống Putin khẳng định chỉ có một xã hội tự do mới có thể tạo ra các điều kiện cho những đột phá về công nghệ và kinh tế cần thiết cho sự phát triển của nước Nga. Ông so sánh nước Nga đã trở lại sau những thách thức, khó khăn giốn như "phượng hoàng hồi sinh".
Mặc dù nhiệm kỳ mới của Tổng thống Putin khởi đầu vào giai đoạn quan hệ với các nước phương Tây đang xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, tờ AP vẫn ca ngợi "hình ảnh của ông Putin rất phổ biến ở trong nước và được biết đến như biểu tượng của nước Nga trên toàn thế giới".
Nhà phân tích chính trị độc lập Dmitry Oreshkin đánh giá, đây sẽ là nhiệm kỳ khó khăn nhất của ông Putin với tư cách tổng thống vì các nhiệm kỳ trước đó, ông đã phát huy tốt khả năng của mình trong những hoàn cảnh thuận lợi.
Nhiều người nghĩ rằng nước Nga giờ đây có thể đứng ngang hàng và đối đầu trực tiếp với Mỹ, tuy nhiên Oreshkin cho rằng, nước Nga đã mạnh mẽ hơn nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.
Tăng trưởng kinh tế của nước Nga trong thập kỷ qua vẫn giậm chân ở con số hơn 1% mỗi năm. Để có thể giải quyết những vấn đề trì trệ kinh tế, cùng áp lực trừng phạt từ bên ngoài, Tổng thống Putin có thể sẽ phải đưa trở lại cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin, người được cho là nhân vật thương thuyết được với phương Tây.
"Vấn đề chính của Tổng thống Putin là kinh tế. Ông sẽ không thể có được những ủng hộ về chính sách đối ngoại nếu không giải quyết được vấn đề trong nước", nhà phân tích Oreshkin nhấn mạnh.
Trong khi nhà phân tích chính trị Alexander Chesnakov, cựu thành viên chính quyền Kremlin, tỏ ra lạc quan hơn.
"Tôi không nghĩ rằng sự xáo trộn trong vài tháng qua - vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal và các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ khiến cho nhiệm kỳ mới của ông Putin lao đao.
"Trước thời điểm này, ông Putin đã thấu hiểu được những việc cần phải làm. Những sự kiện đó có thể đã tác động đến sự ủng hộ của ông ấy, nhưng tỷ lệ người dân tin vào Putin vẫn rât cao", Chesnakov nêu quan điểm.