Hãng tin Reuters cho hay, tuần trước, chính quyền Đức đã không cho phép cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tuần hành ở những thành phố khác nhau. Tại những sự kiện này, nhiều bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng dân cư trước cuộc trưng cầu dân ý cho phép tăng quyền cho Tổng thống Erdogan.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Nihat Zeybekci vẫn được phát biểu tại một số sự kiện lớn tại Leverkusen và Cologne khi người biểu tình tập trung bên ngoài.
Tới hôm 5/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã lên tiếng cáo buộc những hành động trên của Đức là “phát xít” như thời Đức quốc xã.
Những chính trị gia người Đức đã phản ứng giận dữ với bình luận của người đứng đầu nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas cho rằng ông Erdogan đã có những phát ngôn “vô lý, đáng xấu hổ và kỳ dị” nhằm cố ý gây kích động Berlin.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng nếu Berlin cấm ông Erdogan tới thăm Đức hay cắt đứt quan hệ ngoại giao thì có thể đẩy Ankara “rơi thẳng vòng tay của Tổng thống Nga Vladimir Putin, điều mà không ai mong muốn”.
Phó lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc (CDU) của bà Merkel cho rằng ông Erdogan hành động “như một đứa trẻ bướng bỉnh mỗi khi không hài lòng với việc gì đó”.
Căng thẳng này khiến cho quan hệ giữa hai nước đồng minh thuộc khối NATO càng căng thẳng hơn khi vụ bắt giữ một nhà báo gốc Đức ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa lắng dịu. Vụ việc cũng đòi hỏi Thủ tướng Đức Angela Merkel phải có những đáp trả cứng rắn hơn với hành động và phát ngôn của ông Erdogan.
Một cuộc khảo sát ý kiến do tờ báo Bild am Sonntag thực hiện cho thấy 81% người Đức tin rằng chính phủ của bà Merkel quá dễ dãi với Ankara. Giải thích về điều này, Reuters cho rằng có thể Đức đang phải phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ thông qua một hiệp định được ký kết vào năm ngoái, trong đó Ankara giúp Berlin hạn chế dòng người nhập cư tràn vào các nước châu Âu.
Xem thêm: Trung Quốc sẽ làm gì sau lời đe dọa ‘máu chảy thành sông’ của IS?
Danh Tuyên