Tổng thống Trump dùng mạng xã hội như một 'siêu vũ khí'?

Tổng thống Trump dùng mạng xã hội như một 'siêu vũ khí'?

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Thứ 6, 14/07/2017 11:33

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục gặp rắc rối liên quan đến việc sử dụng tài khoản cá nhân Twitter khi một nhóm người nộp đơn kiện ông. Dù có ý cho rằng TT Trump dùng mạng xã hội như "siêu vũ khí"

Thuật dùng mạng xã hội của Tổng thống Mỹ

Nêu lý do đâm đơn kiện ông Trump, 1 trong 7 nguyên đơn có tên là Rebecca Buckwalter ở Washington cho biết, tháng trước cô đã phản hồi một dòng ông Trump viết, ông đã không có cơ hội vào Nhà Trắng nếu dựa vào “tin giả” như CNN, NBC, ABC, CBS, Washington Post và New York Times.

Khi đó cô đã bình luận  “công bằng mà nói, ông không thể chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng mà Nga đã thắng”. Sau đó, tài khoản của ông Trump nhanh chóng chặn Buckwalter.

Viện Knight First Amendment tại đại học Columbia đại diện cho các nguyên đơn cho rằng, họ bị mất quyền đọc các bình luận của những người phản biện bị chặn.

Các nguyên đơn trong vụ kiện dân sự cho rằng tài khoản Twitter của ông Trump là một diễn đàn công cộng. Đơn kiện dẫn bình luận gần đây của Tòa án Tối cao Mỹ, các mạng xã hội như Facebook và Twitter “có lẽ là các cơ chế mạnh mẽ nhất giúp công dân lên tiếng”.

Tuy nhiên, chính quyền của ông Trump có nhiều lý do để thắng thế trong vụ kiện, bởi tài khoản ông Trump dùng là cá nhân chứ không như tài khoản @POTUS được lập cho các nhiệm kỳ Tổng thống, nên quyết định chặn tài khoản nào nằm ở quyền của người sử dụng.

Dẫu vậy, đơn kiện này góp phần làm dày thêm những rắc rối liên quan đến chuyện sử dụng tài khoản cá nhân của ông Trump mà như nhiều người nhận định là “chưa từng có trong Nhà Trắng”.

Từ khi ông Trump chạy đua vào Nhà Trắng cho đến nay, đội ngũ giúp việc của ông đã rất nhiều lần phải xử lý khủng hoảng vì những phát ngôn trên Twitter của Tổng thống. Khi là dòng chế giễu hoa hậu, lúc là cuộc khẩu chiến ngoa ngôn với bà Hillary Clinton và nhiều chỉ trích với người tiền nhiệm Obama.    

 

Hồ sơ - Tổng thống Trump dùng mạng xã hội như một 'siêu vũ khí'?

Mọi thông điệp từ vấn đề đối nội đến đối ngoại đều được ông Trump truyền tải qua mạng xã hội.

Gần đây nhất, hôm 29/6 ông Trump đã lên Twitter để bêu xấu ngoại hình và tính khí của Mika Brzezinski và Joe Scarborough, 2 người dẫn chương trình Morning Joe của MSNBC, một nhánh thuộc đài NBC, sau khi hai nữ MC giễu cợt Tổng thống trong chương trình của họ.

“Tôi nghe nói chương trình có rating tệ hại Morning Joe đã nói xấu tôi (đừng xem nó nữa). Rồi Mika Khùng IQ thấp, cùng với Joe Điên đã đến Mar-a-Lago trong 3 đêm vào dịp năm mới, năn nỉ được nhập hội cùng tôi.

Cô ta bị chảy máu vì bơm căng mặt. Tôi nói không!", Tổng thống Trump viết trên Twitter. Nghị sĩ và quan chức Mỹ đã nhanh chóng phê phán những chỉ trích của ông là "không ra dáng Tổng thống".

Trước đó, ngay sau khi Saudi Arabia và các nước đồng minh tuyên bố cắt đứt quan hệ với Qatar, Tổng thống Trump viết trên Twitter ông ủng hộ hành động của các nước Ả-Rập. Tuy nhiên, Qatar lại là nơi đặt căn cứ quân sự lớn của Mỹ, Al Udeid. Ngay sau đó, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis phải ra mặt làm dịu tình hình.

Chiến lược ...hạ thấp đối thủ

Các Tổng thống và chính trị gia Mỹ trước đây phải dựa vào những cuộc họp trực tiếp, hoặc phương tiện truyền thông để đưa thông điệp của mình đến với công chúng, nhưng với ông Trump, điều này lại tỏ ra không cần thiết. Bởi mọi thông điệp ông đều truyền tải qua mạng xã hội. Ngoài việc bày tỏ về các vấn đề đối nội hay đối ngoại, ông Trump còn sử dụng tài khoản Twitter của mình với một chiến lược nhằm hạ thấp các đối thủ.

Chẳng hạn hồi tháng Một, ông đã phản ứng mạnh với quyết định của đảng Cộng hòa trong việc giảm bớt vai trò của ủy ban Kiểm tra tư cách các dân biểu, phản ứng của ông đã buộc đảng Cộng hòa rút lại quan điểm đó.

Trong khi nhiều nhà phê bình chính trị và xã hội cho rằng bình luận của ông Trump "thô lỗ và hung hăng", các chuyên gia tâm lý lại nhận định, các dòng trạng thái với phong cách đặc biệt này chính là phương cách giúp nhiều người biết, quan tâm tới người đứng đầu Nhà Trắng.

Để thành công trong việc lôi kéo sự ủng hộ của đám đông, các tweet (dòng trạng thái) của Tổng thống Trump có chiến lược rất chi tiết. Nội dung những trạng thái của ông thường đề cập đến những vấn đề cụ thể, các tình huống mà người đọc cảm thấy bị xúc phạm, khó chịu hoặc tình trạng "đau buồn" của ông hiện tại.

Ngoài ra, ông còn sử dụng một số từ rất nhiều lần, đôi khi viết hoa để nhấn mạnh vấn đề, hoặc những từ ngữ thiên về cảm xúc.

Theo phân tích của các nhà tâm lý học tại đại học New York, những dòng tweet có ngôn ngữ mang yếu tố cảm xúc như vậy sẽ có nhiều khả năng được chia sẻ bởi những người dùng khác có cùng quan điểm chính trị dù họ thuộc trường phái tự do, hay bảo thủ.

Điều này có thể thấy rõ qua con số người theo dõi tài khoản của ông Trump, đặc biệt trong thời gian tranh cử. Chỉ tính riêng hai tháng tranh cử, ông đã thu hút được thêm được 6 triệu người theo dõi, nhằm cập nhật các quan điểm và động thái của ông.

Con số này cao hơn số người theo dõi tài khoản của kênh truyền hình mang quan điểm bảo thủ Fox News hay báo Washington Post vốn chỉ thu hút thêm khoảng 500.000-600.000 người quan tâm trong cùng thời gian. Hiện tài khoản của ông Trump có trên 33 triệu lượt người theo dõi.

Sự không chắc chắn của dòng trạng thái hay các phát ngôn không phù hợp trên mạng xã hội của ông Trump chính là điều thu hút mọi người. Họ luôn tự hỏi, đây đơn giản chỉ nhằm thử phản ứng hay là các chính sách đã được quyết định.

Theo tờ JoongAng của Hàn Quốc, bộ Ngoại giao nước này thậm chí đã từng chỉ định một viên chức có trách nhiệm theo sát các bình luận của ông Trump trên Twitter để nắm bắt kịp thời các quan điểm và chính sách đối ngoại của ông.

Chiến lược dùng mạng xã hội của ông Trump buộc báo chí phải liên tục theo dõi. Mặc dù báo giới ra sức chỉ trích và mỉa mai cách làm này của Tổng thống Mỹ, song có một điều mà người ta không thể không thừa nhận là sự thành công của người đứng đầu Nhà Trắng khi sử dụng phương thức ngoại giao Twitter.

Xem thêm >> Triều Tiên dọa biến Mỹ thành ‘tro tàn’, đâu là giải pháp?

Đào Vũ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.