Tổng thống Trump "đứng trên pháp luật" khi tự ý tấn công Syria?

Tổng thống Trump "đứng trên pháp luật" khi tự ý tấn công Syria?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 4, 11/04/2018 14:39

Tổng thống Trump đang bị chỉ trích là "đứng trên pháp luật" khi quyết định tấn công Syria mà không được Quốc hội Mỹ hoặc Hội đồng Bảo an LHQ thông qua.

Tổng thống Trump 'đứng trên pháp luật'  khi tự ý tấn công Syria?

Tổng thống Trump sẽ đối mặt với các yêu cầu giải trình về cơ sở pháp lý khi đơn phương tấn công Syria.

Trong khi thế giới đang tập trung vào những dấu hiệu cho thấy một cuộc tấn công mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Syria, tính hợp pháp của cuộc tấn công này đang là câu hỏi được đặt ra.

Theo The Daily Beast, Tổng thống Assad của Syria không phải là nhân vật khủng bố nằm trong khuôn khổ cho phép triển khai quân đội do Quốc hội Mỹ thông qua sau ngày 9/11.

Ông không phải là một phần của al-Qaeda, cũng không phải thành viên của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Do đó, một cuộc tấn công của chính quyền Trump nhằm làm tổn hại đến một quốc gia có chủ quyền như Syria là điều bất hợp pháp.

Các cố vấn của Tổng thống Trump đưa ra lời biện hộ cho cuộc tấn công của Tổng thống Trump rằng vì ông có thẩm quyền Tổng tư lệnh. Tuy nhiên, theo một thành viên của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, điều này rất đáng lo ngại.

"Nếu Trump tấn công Syria mà không có sự chấp thuận của chúng tôi, điều gì sẽ ngăn ông ấy ném bom Triều Tiên hay Iran?", Thượng nghị sĩ Tim Kaine nói với The Daily Beast hôm 10/4.

Bà Mary Ellen O'Connell, chuyên gia về luật pháp quốc tế tại đại học Notre Dame, nói rằng cáo buộc tấn công hóa học ở Syria khiến ít nhất 70 người chết nếu là sự thật thì đây có thể coi là một hành vi tội phạm chiến tranh.

Nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ có thể phản ứng một cách hợp pháp, trong khi không có một nghị quyết đồng thuận đầy đủ từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do Nga chắc chắn sẽ phủ quyết.

"Lực lượng quân đội Mỹ chống lại Syria sẽ vi phạm luật pháp quốc tế không khác gì việc sử dụng vũ khí hóa học. Tổng thống Trump muốn thực thi pháp luật bằng cách phá luật”, bà O'Connell lưu ý.

Giống như hồi  tháng 4  năm ngoái khi Tổng thống Trump ra lệnh cho 59 tên lửa Tomahawk tấn công vào sân bay Syria để phản ứng cáo buộc tấn công hóa học ở Khan Sheikhoun, nhà lãnh đạo Mỹ đã phải đứng trước các câu hỏi về tính hợp pháp ngay sau đó.

Chính quyền Trump hiện vẫn chưa trả lời các câu hỏi từ Bộ Tư pháp trong khoảng thời gian tấn công Syria vào năm ngoái, về "cơ sở pháp lý” cho hành động quân sự này.

Khi được hỏi về tính hợp pháp của vụ tấn công Syria tháng 4 năm ngoái, cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson nói rằng Tổng thống Trump đã ra lệnh "theo quyền hạn trong Điều II của Hiến pháp Mỹ với vai trò Tổng tư lệnh”.

Trong đó, ông Tillerson giải thích rằng ông Trump “có thể ra lệnh cho quân đội ở nước ngoài để bảo vệ các lợi ích quan trọng của Mỹ".

Cuộc tấn công bằng Tomahawk là một sự trả đũa cho vụ tấn công hóa học mà bị gán cho chính quyền Assad đứng đằng sau, cựu Ngoại trưởng Mỹ phân tích.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây thực chất là một quyết định giả danh và lợi dụng lỗ hổng pháp luật.

Tổng thống Trump 'đứng trên pháp luật'  khi tự ý tấn công Syria? (Hình 2).

Tấn công Syria sẽ khiến Mỹ đối đầu thực sự với Nga.

Quyết định tấn công của Mỹ là bất hợp pháp. Bởi, ngay cả vụ tấn công hóa học là có thật thì đây là vấn đề riêng của Syria và Washington không được phép làm điều này, do Syria và Mỹ không trong tình trạng chiến tranh – điều vốn phải được Nhà Trắng hoặc Quốc hội chính thức tuyên bố.

Allison Murphy, cố vấn cho dự án Bảo vệ Dân chủ - dự án lưỡng đảng tập hợp các luật sư dưới thời Barack Obama, nói rằng nếu chấp nhận lời giải thích của ông Tillerson, điều này sẽ mở ra quyền lực vô hạn không thể bị chặn lại của tổng thống.

"Trong chế độ dân chủ của chúng ta, quyền lực của Tổng tư lệnh bị hạn chế bởi Hiến pháp, Quốc hội và luật pháp", ông Murphy nói. "Nếu chúng ta thừa nhận rằng Tổng thống Trump có quyền quyết định đơn phương tấn công Assad, nó không khác gì thừa nhận ông có quyền hạn tương tự để tấn công Triều Tiên, hoặc Iran, hay Pháp".

Theo The Daily Beast, Quốc hội Mỹ vẫn thường nhắm mắt làm ngơ trước quyền lực vượt quá khuôn khổ như vậy của một Tổng thống vì nhiều lý do chính trị khác nhau.

Quốc hội Mỹ từng không lên tiếng khi chính quyền Bill Clinton tấn công các lực lượng Serbia tại Kosovo vào năm 1999 và khi chính quyền Barack Obama tấn công Muammar Gaddafi ở Libya vào năm 2011.

Tuy nhiên, cả hai đều là những chiến dịch quân sự kéo dài, thay vì một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình đơn lẻ như của Tổng thống Trump vào năm 2017.

Hiện chưa rõ Tổng thống Trump sẽ tiến hành tấn công Syria một lần nữa với quy mô lớn hơn hay không.

Đại diện của Hội đồng Bảo an LHQ, bộ Tư pháp và bộ Ngoại giao đã từ chối bình luận về tính hợp pháp trong quyết định của Tổng thống Trump.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Eric Pahon, cũng từ chối nói về vấn đề pháp lý trong quyết định sắp tới nhưng cho biết rằng: "Tổng thống và đội cố vấn an ninh quốc gia của ông đang hợp tác chặt chẽ với đồng minh và các đối tác để xác định phản ứng thích hợp".

Các nhà lập pháp Mỹ đang lên tiếng yêu cầu Tổng thống Trump cần phải thông qua những quyết định quân sự tầm vóc dưới sự cho phép của Quốc hội, thay vì tự ý phát động theo ý định riêng của mình.

"Tổng thống Trump cần đưa ra một chiến lược về Syria và để Quốc hội thông qua nếu ông muốn bắt đầu hành động quân sự.

Ông ấy là một Tổng thống, chứ không phải là một vị vua, và Quốc hội cần phải từ bỏ việc để lại những lỗ hổng pháp lý cho phép các cuộc chiến tranh có thể diễn ra vô tổ chức”, Thượng nghị sĩ Tim Kaine khẳng định.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.