Trong những phát biểu mới nhất, Tổng thống Donald Trump lại để mở khả năng đàm phán với Triều Tiên và hoan nghênh cuộc gặp quan chức hai miền liên Triều.
Tín hiệu không đồng nhất mà Washington phát ra đang khiến giới quan sát cảm thấy khó hiểu về chính sách cụ thể của Tổng thống Trump đối với Bình Nhưỡng, theo SCMP.
Tháng trước, nguồn tin tờ Telegraph cho hay, chính quyền Donald Trump đang cân nhắc một cuộc tấn công chớp nhoáng phá hủy cơ sở hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Tờ Wall Street Journal cũng dẫn nguồn tin xác nhận tương tự.
Nhưng trong tuyên bố chính thức, Tổng thống Trump lại thể hiện quan điểm trái ngược khi nói đàm phán với Triều Tiên sẽ là cách thức giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
Tuần trước, nhà lãnh đạo Mỹ nói đàm phán là “điều tốt”, đồng thời ông cho biết, “hoàn toàn sẵn sàng” nói chuyện với lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên ở “thời điểm thích hợp”.
Có ý kiến phân tích có vẻ như ông Trump vẫn đang loay hoay trong việc lựa chọn giải pháp để xử lý mối đe dọa đến từ Triều Tiên và cố gắng giấu giếm hạn chế của mình ẩn sau những tuyên bố cứng rắn, nhằm kéo dài thời gian.
Nhưng theo chuyên gia Denny Roy, thành viên cao cấp tại trung tâm Đông-Tây (Mỹ), nếu nhìn vào bức tranh tổng thể lớn hơn, Mỹ đang có đường đi nước bước khá bài bản để mang đến một chiến lược đáng sợ.
Bất chấp rủi ro
Trở lại với những năm 1990 và thậm chí trước đó, bản chất chính sách Mỹ đối với Triều Tiên có thể được giải thích bởi ba nguyên tắc cơ bản.
Thứ nhất, mối quan tâm cấp bách nhất của Mỹ là ngăn Triều Tiên có khả năng đạt được năng lực hạt nhân.
Thứ hai, Washington sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng nếu nước này chấp nhận phi hạt nhân hóa trên bàn nghị sự. Đây là những gì Nhà Trắng cho là điều kiện tiên quyết.
Thứ ba, Mỹ sẽ cố gắng thuyết phục Bình Nhưỡng ngồi xuống bàn đàm phán bằng điều kiện tiên quyết trên thông qua áp lực và sự cô lập. Nó không chỉ bao gồm biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao khắc nghiệt, mà còn là đe dọa hành động quân sự.
Trong nhiều năm, thông điệp của Washington gửi đến Triều Tiên là sẽ có “quà” nếu ứng xử tốt và bị trừng phạt nếu có hành vi xấu.
Hành động và tuyên bố của chính quyền Trump, bao gồm cả các dòng trạng thái trên Twitter của nhà lãnh đạo Mỹ được cho là tương ứng với cách thức này.
Tổng thống Trump một mặt gọi ông Kim Jong-un là nhân vật “nguy hiểm”, nhưng mặt khác ông vui vẻ nói muốn gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên để “ăn trưa với hamburger”.
Chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên không phải mâu thuẫn. Trên thực tế, nó đang đi theo kiểu “cây gậy và củ cà rốt” truyền thống, mà hình thức chính xác ở đây là mang đến cách tiếp cận cả tích cực lẫn tiêu cực.
Về mặt tích cực, nó có liên quan đến sự nhượng bộ của Washington dành cho chính quyền Kim Jong-un.
Mỹ đã đồng ý đình chỉ cuộc tập trận chung thường niên với đồng minh Hàn Quốc trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Đông, dọn đường cho Bình Nhưỡng tham gia sự kiện thể thao mang tính chất bước ngoặt, có thể làm bàn đạp cho các đàm phán quan trọng sau này.
Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ tái khẳng định lập trường đàm phán không thể bắt đầu, trừ khi Triều Tiên đồng ý đưa kết cục của vũ khí hạt nhân lên bàn nghị sự.
Dù những tuyên bố của Tổng thống Trump về vấn đề Triều Tiên đầy mâu thuẫn, khiến công chúng khó nắm bắt.
Trên thực tế, chuyên gia Denny Roy cho rằng chính sách của nhà lãnh đạo Mỹ đang thực hiện hết sức bài bản và mạch lạc, theo kiểu “mềm mỏng” khi đối phương thiện chí và “cứng rắn” khi ương ngạnh.