Tổng thống Ukraine gọi chiến sự Donbass là “địa ngục”
Hôm 2/8, Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng chiến sự ở Donbass là địa ngục. Ông cho biết, lực lượng Ukraine bị Nga áp đảo về vũ khí và số lượng binh sĩ. Nhà lãnh đạo Ukraine cho hay: "Chúng tôi vẫn chưa thể phá vỡ lợi thế của Nga về pháo binh và nhân lực. Điều này được cảm nhận rất rõ trong giao tranh, đặc biệt là ở Donbass, Peski, Avdeevka và các hướng khác. Đây đúng là địa ngục".
Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine cũng thừa nhận thành công của quân đội Nga trong cuộc tấn công vào Peski. Điều này được nêu trong bản tin của cơ quan trên. Hiện, quân đội Nga đang tiến hành các hoạt động tấn công theo các hướng Mineralnoe - Avdeevka, Rota - Vershina, Vladimirovka - Yakovlevka, Klinovo - Zaitsevo và Pokrovskoye - Bakhmut.
Trước tình thế này, Tổng thống Zelensky tiếp tục kêu gọi Mỹ và đồng minh cung cấp thêm cho Ukraine các vũ khí như hệ thống phóng phản lực HIMARS. Trong bài phát biểu 5 phút trước người dân Ukraine, Tổng thống Zelensky cảm ơn Tổng thống Mỹ Biden và NATO vì đã gửi cho họ pháo phản lực.
Ông khẳng định, các vũ khí đó có "hiệu quả cao", đồng thời thề sẽ gây "thêm tổn thất đau đớn" cho quân Nga. Cho tới nay, Mỹ đã gửi 16 hệ thống phảo phản lực cơ động cao HIMARS cho Ukraine. Nga tuyên bố đã phá hủy 4 hệ thống trong số đó, tuy nhiên cả Ukraine và Lầu Năm Góc đều phủ nhận thông tin này.
Nga tố Mỹ can dự trực tiếp xung đột Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga hôm 2/8 nói, Thiếu tướng Vadym Skibitsky, lãnh đạo Cơ quan Tình báo quân đội Ukraine, đã thừa nhận Mỹ điều phối các cuộc tấn công bằng Tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) nhắm vào các mục tiêu Nga. "Tất cả đã cho thấy một điều không thể chối cãi rằng Mỹ liên quan trực tiếp tới xung đột ở Ukraine, trái với tuyên bố của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc", tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga có đoạn.
Trong cuộc phỏng vấn được Telegraph đăng ngày 1/8, Thiếu tướng Skibitsky xác nhận, các quan chức tình báo của nước này và Mỹ "tham vấn ở mức độ nhất định trước mỗi lần khai hỏa" pháo HIMARS. "Điều này cho phép Mỹ dừng bất cứ cuộc tập kích tiềm năng nào nếu họ không hài lòng với mục tiêu đã định", tướng Skibitsky nói, đồng thời khẳng định các quan chức Mỹ không trực tiếp cung cấp thông tin nhắm mục tiêu, do đó họ không trực tiếp tham gia chiến sự.
Dù vậy, Moscow cho rằng, chính quyền Tổng thống Joe Biden phải chịu trách nhiệm về các cuộc tập kích bằng pháo HIMARS vào những mục tiêu dân sự ở khu vực do Nga kiểm soát tại miền Đông Ukraine. "Chính quyền ông Biden phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho tất cả những cuộc tập kích của Kiev vào các khu dân cư, cơ sở hạ tầng dân sự tại Donbass và các khu vực khác, khiến hàng loạt dân thường thiệt mạng", Bộ Quốc phòng Nga cho hay. Nhà Trắng chưa bình luận về thông tin này.
Tổng thống Biden từng nói rằng ông muốn Ukraine đánh bại Nga và đã cung cấp hàng tỷ USD vũ khí cho Kiev. Tuy nhiên, giới chức Mỹ tránh chuyển giao cho Ukraine các vũ khí tầm xa hơn, do không muốn châm ngòi một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Moscow.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong quan hệ giữa Moscow và phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, khiến nhiều người lo ngại thế giới đứng bên bờ vực chiến tranh hạt nhân.
Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Nga ngày 2/8 cảnh báo, ý tưởng của Mỹ nhằm chỉ định Nga là quốc gia tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nếu phe cứng rắn trong Quốc hội Mỹ hành động theo cách của họ và thúc đẩy Washington chỉ định Nga là nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố thì điều này có thể dẫn đến sự đổ vỡ hoàn toàn trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.
Phát biểu với báo chí, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: “Nếu Washington quyết định ngừng hoàn toàn bất cứ tương tác nào với Moscow, chúng tôi có thể sống chung với điều đó”. Bà Zakharova cũng khẳng định, “trong trường hợp Mỹ chỉ định Nga là nhà tài trợ chính cho chủ nghĩa khủng bố thì điều này sẽ khiến mâu thuẫn trong quan hệ giữa hai nước không thể hóa giải” và lời kêu gọi đưa Nga vào danh sách tài trợ chủ nghĩa khủng bố là dấu hiệu cho thấy “sự yếu đuối” của Mỹ, vì "Washington không thể bẻ gãy ý chí của bất cứ quốc gia nào đang theo đuổi những chính sách khiến họ không hài lòng”.
Một số nhà lập pháp của Mỹ, trong đó có Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã ủng hộ ý tưởng đưa Nga vào danh sách đen. Trước đó, Mỹ đã đưa Iran, Triều Tiên, Syria và Cuba vào danh sách này. Tuần trước, Thượng viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện động thái như vậy. Động thái này cũng nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Trước đó, hôm 29/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng kêu gọi Mỹ đưa Nga vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố và cáo buộc Nga liên quan đến việc hàng chục tù binh Ukraine bị thiệt mạng tại một nhà tù gần Yelenovka ở vùng Donetsk - cơ sở giam giữ do Moscow quản lý. Theo nhà lãnh đạo Ukraine, đây là một tội ác chiến tranh có chủ đích, một vụ sát hại hàng loạt có chủ đích đối với các tù binh chiến tranh Ukraine… vì vậy ông kêu gọi đặc biệt đối với Mỹ, cần phải đưa ra quyết định (đưa Nga vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố - PV) trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken được cho là phản đối lời kêu gọi từ một số nhà lập pháp Mỹ và từ Tổng thống Ukraine Zelensky về việc chỉ định Nga là quốc gia tài trợ cho khủng bố. Nhà Trắng cho rằng, động thái như vậy sẽ khiến các biện pháp trừng phạt chống Nga có thể phản tác dụng.
Cựu Tổng thống Donald Trump tiếc nuối vì Ukraine đã không nhượng bộ Nga
Theo Tạp chí Newseek, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có phát biểu trên khi xuất hiện trong chương trình phát thanh The Clay Travis & Buck Sexton Show. Khi được yêu cầu bình luận về việc vợ chồng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham gia chụp ảnh cho Tạp chí Vogue hồi tháng 7, một động thái gây tranh cãi khi chiến sự vẫn tiếp diễn ở quốc gia Đông Âu, ông Trump đáp: “Có lẽ đó không phải là điều tuyệt vời nhất để làm”.
Cựu lãnh đạo Nhà Trắng cũng lặp lại quan điểm lâu nay của ông rằng xung đột Nga - Ukraine "sẽ không bao giờ xảy ra" nếu ông còn đương chức. “Ông ấy (Tổng thống Nga Vladimir Putin) sẽ không làm điều đó khi có tôi. Tối thiểu họ (Ukraine) đã đạt thỏa thuận rồi. Họ có thể đã từ bỏ Crimea. Họ có thể đã làm thứ gì đó với NATO, kiểu như 'Được rồi, chúng tôi sẽ không gia nhập NATO', và họ đáng lẽ đã có đất nước yên bình, vì tôi tin ông Putin muốn đạt thỏa thuận", ông Trump bày tỏ.
Theo Cựu Tổng thống Mỹ, việc ông Putin điều hàng trăm nghìn binh sĩ cùng lượng lớn khí tài đến dọc biên giới Nga - Ukraine trước khi chiến sự bùng phát ngày 24/2 là một chiến thuật “đàm phán tuyệt vời”.
Trước đó, tháng 2/2022, ông Trump đã gọi chiến thuật của ông Putin công nhận 2 nước cộng hòa tự phong ở miền Đông Ukraine rồi triển khai quân tới đó trên danh nghĩa gìn giữ hòa bình là “thiên tài” và “khôn ngoan”.
Bộ Ngoại giao Ukraine chưa lên tiếng phản hồi yêu cầu bình luận về những phát biểu mới của cựu Tổng thống Mỹ.
Nga tuyên bố loại bỏ thêm 250 lính đánh thuê nước ngoài ở Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga hôm 2/8 cho biết, Lực lượng Hàng không Vũ trụ nước này đã tấn công một điểm triển khai tạm thời của “quân đoàn quốc tế” nằm gần thành phố Mykolaiv của Ukraine. Vụ tấn công được thực hiện bằng vũ khí chính xác cao, đã khiến 250 lính đánh thuê nước ngoài thiệt mạng và 20 thiết bị quân sự bị phá hủy. Phía Nga cũng tuyên bố loại bỏ tới 500 chiến binh dân tộc chủ nghĩa ở khu vực Kharkov bằng các cuộc tấn công chính xác cao.
Tuần trước, quân đội Nga thông báo hơn 40 lính đánh thuê nước ngoài, hầu hết là công dân Ba Lan, đã bị loại bỏ trong một cuộc tấn công bằng tên lửa vào một điểm triển khai tạm thời gần Konstantinovka ở Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk (DPR).
Quân đoàn quốc tế được thành lập hồi cuối tháng 2 theo yêu cầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, và có tên chính thức là Quân đoàn Phòng thủ Lãnh thổ Quốc tế của Ukraine. Vào tháng 4, quân đội Nga ước tính quân số của quân đoàn này là gần 7.000 người. Tuy nhiên, bản báo cáo cập nhật do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp hồi đầu tháng cho thấy chỉ còn khoảng 2.700 lính đánh thuê nước ngoài ở lại Ukraine. Nhiều người trong số họ đã bị loại bỏ còn những người khác chạy ra nước ngoài.
Moscow từng nhiều lần cảnh báo rằng, Nga sẽ không coi những người lính đánh thuê nước ngoài ở Ukraine là binh sĩ chính quy theo Công ước Geneva, và rằng “nếu bị bắt sống, họ sẽ bị xét xử và phải đối mặt với án tù tối đa”.
TÚ ANH (T/h)