Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã mô tả các tín hiệu từ các cuộc đàm phán hòa bình với Nga là tích cực, nhưng ông bày tỏ thận trọng về lời hứa của Moscow về việc cắt giảm mạnh hành động quân sự ở một số khu vực của đất nước, Al Jazeera cho biết.
“Chúng tôi có thể nói rằng những tín hiệu mà chúng tôi nhận được từ các cuộc đàm phán là tích cực nhưng chúng không át được tiếng nổ của đạn pháo Nga”, ông Zelensky cho biết, và nhấn mạnh rằng Ukraine chỉ có thể tin tưởng vào một kết quả cụ thể từ các cuộc đàm phán.
Ông cho rằng nguy cơ quân đội Nga tiếp tục các cuộc tấn công ở Ukraine là vẫn còn. "Vì vậy, chúng tôi sẽ không giảm nỗ lực phòng thủ của mình", Tổng thống Ukraine tuyên bố.
Nga: “Giảm leo thang không phải là ngừng bắn”
Sau tuyên bố rằng Nga sẽ giảm các hoạt động quân sự xung quanh Kiev và Chernihiv, Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky đã làm rõ rằng điều này không dẫn đến việc ngừng bắn.
“Đây không phải là một lệnh ngừng bắn mà đây là nguyện vọng của chúng tôi, dần dần đạt tới mức giảm leo thang xung đột ít nhất là trên các mặt trận này”, ông Medinsky nói với hãng thông tấn TASS.
Liên quan đến vòng đàm phán Nga – Ukraine vừa kết thúc ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), ông Medinsky cho biết, hai bên đã có một "cuộc thảo luận có ý nghĩa" bên bàn đàm phán và các đề xuất của Ukraine sẽ được chuyển tới Tổng thống Nga Putin.
Các cuộc đàm phán giữa hai bên "vẫn còn một chặng đường dài phía trước", vị trưởng phái đoàn đàm phán Nga bổ sung.
Phát biểu với báo chí sau cuộc hội đàm Nga – Ukraine ở Istanbul hôm 29/3, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin tuyên bố, Moscow đã giảm "đáng kể" hoạt động quân sự của mình gần Kiev và Chernihiv.
Ông giải thích rằng, quyết định này được đưa ra dựa trên thực tế rằng “các cuộc đàm phán về việc chuẩn bị một thỏa thuận về tính trung lập và phi hạt nhân hóa của Ukraine, cũng như về việc cung cấp các đảm bảo an ninh cho Ukraine” đang bước vào “giai đoạn thực tế”.
Việc cắt giảm hoạt động của các lực lượng Nga là sẵn sàng "để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và tạo điều kiện cần thiết cho sự phát triển hơn nữa của các cuộc đàm phán và đạt được mục tiêu cuối cùng là đồng ý và ký kết thỏa thuận", Thứ trưởng Fomin tuyên bố.
Các thông tin chi tiết khác sẽ được Bộ Tổng tham mưu Nga công bố khi phái đoàn Nga trở về Moscow từ Istanbul.
Tổng thống Mỹ tuyên bố áp dụng tư thế “chờ và xem”
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đặt câu hỏi về mức độ nghiêm túc của những tuyên bố của Nga về tiến triển tại vòng đàm phán Ukraine-Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3.
“Tôi chưa thấy bất cứ điều gì chứng tỏ điều này đang tiến triển một cách hiệu quả bởi vì chúng tôi chưa thấy các dấu hiệu thể hiện sự nghiêm túc thực sự”, ông Blinken cho biết trong chuyến côn du chính thức của mình tới Maroc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố áp dụng tư thế “chờ và xem” sau khi Nga tuyên bố sẽ giảm quy mô cuộc tấn công vào 2 thành phố của Ukraine.
"Chúng ta sẽ thấy. Tôi không muốn nghe bất cứ điều gì về nó cho đến khi tôi thấy hành động của họ. Chúng ta sẽ xem liệu họ có làm theo những gì họ đề xuất hay không", ông Biden nói với các phóng viên tại Nhà Trắng cùng với Thủ tướng Singapore Lee Hsien Loong.
"Hãy xem những gì họ đề nghị".
Lầu Năm Góc: Nga tái bố trí chứ không rút quân
Lầu Năm Góc cho biết, Nga đã bắt đầu di chuyển một số lượng nhỏ quân khỏi các vị trí xung quanh Kiev, đồng thời cho biết thêm rằng đây là hoạt động tái bố trí quân hơn là rút lui hoặc rút khỏi cuộc chiến.
“Có phải đã có một số đơn vị Nga di chuyển khỏi Kiev trong ngày qua hay lâu hơn không? Câu trả lời là có, chúng tôi nghĩ vậy. Nhưng chỉ là số lượng nhỏ”, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói trong một cuộc họp báo.
“Nhưng chúng tôi tin rằng đây là một cuộc tái bố trí quân, không phải là một cuộc rút quân thực sự, và tất cả chúng ta nên chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn nhằm vào các khu vực khác của Ukraine. Nó không có nghĩa là mối đe dọa đối với Kiev đã kết thúc”.
Anh kêu gọi “rút hoàn toàn” quân đội Nga khỏi Ukraine
Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson đã kêu gọi rút toàn bộ lực lượng Nga khỏi Ukraine, phát ngôn viên của ông Johnson cho biết.
Khi được hỏi về tuyên bố của Nga trong việc giảm quy mô lực lượng vũ trang của họ xung quanh các thành phố Kiev và Chernihiv, người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết: "Chúng tôi sẽ đánh giá Tổng thống Nga Vladimir Putin và chế độ của ông ấy bằng hành động chứ không phải bằng lời nói của ông ấy".
"Đã có sự giảm bớt về các cuộc bắn phá của Nga xung quanh Kiev, phần lớn là do các lực lượng Ukraine đã đẩy lùi thành công các cuộc tấn công của Nga ở phía Tây Bắc thành phố", vị phát ngôn viên cho biết.
"Nhưng giao tranh vẫn tiếp diễn. Có những đợt oanh tạc dữ dội ở Mariupol và các khu vực khác. Vì vậy, chúng tôi không muốn thấy bất cứ điều gì khác ngoài việc lực lượng Nga rút hoàn toàn khỏi lãnh thổ Ukraine".
Mỹ, EU tổ chức đối thoại cấp cao về Nga
Các nhà ngoại giao Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ tổ chức một “cuộc đối thoại cấp cao về Nga” tại Washington, DC vào ngày 30/3, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
"Phiên làm việc này sẽ tập trung vào các mục tiêu chiến lược của Mỹ và EU và phối hợp chính sách nhằm mục đích chấm dứt cuộc chiến do Điện Kremlin lựa chọn ở Ukraine", một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Al Jazeera.
Vòng đối thoại diễn ra một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có các cuộc hội kiến với các quan chức hàng đầu của châu Âu tại Bỉ và Ba Lan. Bà Victoria Nuland, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ về các vấn đề chính trị, sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ, Bộ Ngoại giao nước này cho biết.
Ba Lan thông qua luật cấm nhập khẩu than từ Nga
Người phát ngôn Chính phủ Ba Lan Piotr Muller cho biết, Nội các đã thông qua dự thảo luật cho phép cấm nhập khẩu than từ Nga.
"Chúng tôi không muốn những hoạt động nhập khẩu này tiếp tục được thực hiện, mặc dù chúng tôi nhận thấy rằng có một rủi ro liên quan đến việc Liên minh châu Âu đã không chấp thuận các hành động như vậy cho đến nay", ông Muller nói với các phóng viên ở Warsaw.
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, Warsaw đã kêu gọi Liên minh châu Âu đưa nhiên liệu hóa thạch của Nga vào các lệnh trừng phạt mà khối này áp đặt lên Moscow, Reuters cho biết.
EU đã lựa chọn chiến lược giảm dần sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, trong khi Đức tuần trước tuyên bố ngừng mua dầu của Nga vào cuối năm nay và cắt nguồn cung cấp khí đốt của Nga vào năm 2024.
Phần lớn nhập khẩu than của Ba Lan đến từ Nga, chiếm khoảng 20% lượng sử dụng trong nước. Khoảng 9,4 triệu tấn than của Nga đã được nhập khẩu vào Ba Lan vào năm 2020 và chủ yếu được sử dụng để sưởi ấm cho các hộ gia đình cá nhân. Quốc gia này cũng nhập khẩu khoảng 50% lượng khí đốt và hơn 60% lượng dầu từ Nga cho công nghiệp lọc dầu.
Ông Muller cho biết, Thủ tướng Mateusz Morawiecki sẽ công bố kế hoạch chi tiết để loại bỏ nguồn cung cấp năng lượng của Nga vào cuối tuần này.
Pháp gặp khó trong việc hỗ trợ nhân đạo ở Mariupol
Các điều kiện để thực hiện một hoạt động nhân đạo mà Pháp tìm cách giúp đỡ thường dân ở thành phố cảng Mariupol bị bao vây đã không được đáp ứng "ở giai đoạn này", Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, theo DW.
Nhà lãnh đạo Pháp đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm 29/3.
Ông Macron đã vạch ra kế hoạch cho hoạt động nhân đạo này cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp và chuyển nó đến ông Putin. Ông Putin đã nói rằng "ông ấy sẽ suy nghĩ về nó" trước khi trả lời, một quan chức Điện Elysee cho biết.
Mariupol là một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất kể từ khi chiến dịch của Nga ở Ukraine bắt đầu. Nhà chức trách địa phương cho biết, thành phố hiện đang "bên bờ vực của thảm họa nhân đạo".
Tổng thống Nga cũng nói với ông Macron rằng trước tiên "những người theo chủ nghĩa dân tộc" Ukraine ở Mariupol bị bao vây phải hạ vũ khí.
"Để giải quyết tình hình nhân đạo khó khăn ở thành phố này (Mariupol), trước tiên các chiến binh dân tộc chủ nghĩa Ukraine phải ngừng kháng cự và hạ vũ khí", Điện Kremlin cho biết trong một tuyên bố.
Tổng thống hai nước cũng thảo luận về việc Nga yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp cho khí đốt từ Nga sang EU, tuyên bố cho biết thêm.
Hà Lan, Bỉ, Ireland trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga
Trong ngày 29/3, mặt trận ngoại giao giữa Nga và các nước châu Âu nóng lên với những động thái “ăn miếng trả miếng”.
Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Wopke Hoekstra cho biết Hà Lan đã trục xuất 17 “sĩ quan tình báo” của Nga, những người được cho là hoạt động “dưới lớp vỏ bọc của các nhà ngoại giao”.
“Các sĩ quan tình báo này là mối đe dọa đối với an ninh của [Hà Lan],” Ngoại trưởng Hoekstra viết trên Twitter.
"Kinh nghiệm cho thấy Nga không bỏ qua các biện pháp như vậy. Chúng tôi không thể suy đoán về điều đó, nhưng Bộ Ngoại giao đã chuẩn bị cho các kịch bản khác nhau có thể xảy ra trong tương lai gần", ông Hoekstra cho biết trong một tuyên bố.
Ngay sau thông báo của Hà Lan, Ngoại trưởng Bỉ Sophie Wilmes cho biết, Bỉ cũng sẽ trục xuất 21 nhà ngoại giao Nga vì các hành động liên quan đến gián điệp hoặc lạm dụng ảnh hưởng một cách trái pháp luật.
Bộ trưởng Ngoại giao Ireland Simon Coveney sau đó cho biết, Ireland đang trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga có các hoạt động không "phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về hành vi ngoại giao".
Nga trục xuất 10 nhà ngoại giao của các nước Baltic
Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Moscow đã trục xuất 10 nhà ngoại giao từ Estonia, Latvia và Lithuania để đáp trả việc các nước Baltic trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga gần đây.
Các nước Baltic cho biết họ đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga vì những người này đã thực hiện các hoạt động "không phù hợp với địa vị ngoại giao của họ". Động thái này cũng nhằm thể hiện sự đoàn kết với Ukraine, các nước này cho biết.
Moscow hiện đã triệu tập đại sứ của Estonia, Latvia và Lithuania để đệ trình một "phản đối mạnh mẽ về các hành động khiêu khích và phi lý".
Minh Đức (Theo DW, Reuters, Al Jazeera, TRT World)