Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 10/7 cho biết, Nga đã thực hiện 34 cuộc không kích vào đất nước của ông trong 24 giờ qua, nói thêm rằng ý tưởng Moscow đang “tạm dừng chiến dịch” chỉ là chuyện tưởng tượng.
Ông Zelenskyy nói các cuộc không kích của Nga vào Ukraine là không ngớt, sau khi các quan chức cho biết ít nhất 15 người đã thiệt mạng và hơn 20 người khác bị mắc kẹt sau khi tên lửa Uragan của Nga bắn trúng một khu chung cư 5 tầng ở thị trấn Chasiv Yar thuộc vùng Donetsk, Donbass, miền Đông đất nước.
Trong bài phát biểu video hàng đêm hôm 10/7 của mình, ông Zelenskyy cho biết, số người chết do vụ tấn công ở thị trấn Chasiv Yar có khả năng còn tăng lên. Chasiv Yar nằm ở phía đông nam của Kramatorsk, thành phố lớn được cho là mục tiêu tiếp theo của Nga tại Donetsk.
“Hai tòa nhà dân cư cao tầng đã bị phá hủy. Hàng chục người vẫn còn mắc kẹt dưới đống đổ nát. 6 người đã được cứu. Có 15 cái tên trong danh sách những người thiệt mạng và, thật không may, đây không phải là con số cuối cùng”, ông Zelenskyy nói, bác bỏ các tuyên bố rằng các cuộc không kích của Nga đã bị “tạm dừng”.
“34 cuộc không kích của hàng không Nga trong 24 giờ qua, trong một ngày qua, là câu trả lời cho tất cả những ai đã nghĩ đến cụm từ “tạm dừng chiến dịch” này", ông Zelenskyy nói và cho biết thêm, “Quân đội Ukraine đang vững vàng trên trận địa... Nhưng, tất nhiên, vẫn cần phải làm nhiều việc để những tổn thất của Nga lên đến mức họ thực sự phải tạm dừng chiến dịch”.
Nga tuyên bố họ đang tiến hành một "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm phi quân sự hóa Ukraine và phủ nhận việc cố tình tấn công dân thường.
Trong ngày 10/7, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, các lực lượng Nga đã tấn công 2 nhà kho chứa các khẩu lựu pháo M777 do Mỹ sản xuất, gần thị trấn Kostantinovka ở vùng Donetsk, theo Reuters.
Nga cũng cáo buộc quân đội Ukraine sử dụng đạn pháo 155 mm tiêu chuẩn NATO để tấn công tại Donetsk vào buổi sáng 10/7 làm 2 dân thường bị thương.
Ukraine lên kế hoạch phản công giành lại lãnh thổ ở miền Nam
Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk hôm 10/7 đã kêu gọi dân thường ở khu vực Kherson, miền Nam đất nước, hiện đang do Nga kiểm soát, khẩn cấp sơ tán vì các lực lượng vũ trang Ukraine đang chuẩn bị phản công ở đó.
Ukraine đã mất quyền kiểm soát phần lớn vùng Kherson bên bờ Biển Đen, bao gồm cả thủ phủ cùng tên, trong những tuần đầu tiên sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở đất nước Đông Âu hôm 24/2.
“Rõ ràng là sẽ có giao tranh, sẽ có pháo kích… và do đó chúng tôi kêu gọi người dân sơ tán khẩn cấp”, Phó Thủ tướng Vereshchuk nói trên truyền hình quốc gia.
Vùng Kherson bao gồm thành phố Kherson, nơi có dân số trước khi xung đột nổ ra là gần 300.000 người. Không rõ còn bao nhiêu người dân vẫn chưa rời đi, theo Reuters.
Bà Vereshchuk cho biết, bà không thể nói chính xác thời điểm diễn ra cuộc phản công.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov, trong cuộc phỏng vấn với báo The Times (Anh), cũng đề cập đến kế hoạch phản công này và những gì Ukraine cần để thực hiện kế hoạch đó.
Theo ông Reznikov, Ukraine đang tập trung một lực lượng thiện chiến được trang bị vũ khí phương Tây để giành lại lãnh thổ ở miền Nam của mình từ tay Nga.
Vị Bộ trưởng Quốc phòng cho biết, Tổng thống Zelenskyy đã ra lệnh cho quân đội Ukraine chiếm lại các khu vực ven biển vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước.
“Chúng tôi hiểu rằng, về mặt chính trị, điều đó rất cần thiết cho đất nước chúng tôi. Tổng thống đã ra lệnh cho Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine lập kế hoạch. Sau đó, Bộ Tổng tham mưu Ukraine đang làm việc của mình, và để đạt được mục tiêu này, chúng tôi cần những cái này, cái này…”, ông Reznikov nói.
“Đây là công việc của tôi. Tôi đang viết thư cho những người đồng cấp ở các nước đối tác, các tướng lĩnh, để nói về lý do tại sao chúng tôi cần loại vũ khí cụ thể nào đó và sau đó chúng tôi có được các quyết định chính trị”.
Ông Reznikov nói với The Times rằng cường độ của cuộc chiến đang làm cạn kiệt nhanh chóng các kho dự trữ từ thời Liên Xô của Ukraine. “Đó là một quá trình dài, nhưng chúng tôi đã có kết quả. Ukraine có một lực lượng vũ trang từ thời Liên Xô với những món vũ khí đã 30 năm tuổi. Chúng tôi đã thay đổi điều này trong 3 tháng”.
Vũ khí phương Tây tạo ra sự khác biệt lớn trên chiến trường
Viết trên Twitter hôm 10/7, Bộ trưởng Reznikov ca ngợi các hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do phương Tây tài trợ, nói rằng chúng đã tạo ra sự khác biệt "rất lớn" trên chiến trường.
“HIMARS đã tạo ra sự khác biệt lớn trên chiến trường”, ông Reznikov nhấn mạnh, cho biết thêm rằng càng thêm nhiều các hệ thống vũ khí và đạn dược như vậy đến tay người Ukraine sẽ hỗ trợ đắc lực hơn cho cuộc đấu tranh giành tự do của họ.
Trước đó, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Biden sẽ cấp gói viện trợ vũ khí trị giá 400 triệu USD cho Ukraine, trong đó bao gồm thêm 4 hệ thống HIMARS, nâng tổng số hệ thống này được gửi tới Ukraine lên 12 chiếc.
Tình báo Anh: Nga nhắm mục tiêu kiểm soát đường nối Donetsk với Kharkiv
Pháo binh Nga "tiếp tục tấn công khu vực Slovyansk ở Donbass từ xung quanh Izyum về phía Bắc và gần Lysychansk về phía Đông", Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong bản cập nhật tình báo hôm 10/7.
Theo bản cập nhật, các cuộc pháo kích từ Izyum tiếp tục tập trung dọc theo trục của con đường chính E40. "Việc kiểm soát đường E40, nối Donetsk với Kharkiv, có thể là một mục tiêu quan trọng đối với Nga khi các lực lượng của họ cố gắng tiến qua vùng Donetsk".
Bản cập nhật cũng tuyên bố rằng các lực lượng Nga có thể đã chiếm thêm được một phần nhỏ quanh thị trấn Popasna cũng thuộc Donetsk.
Ukraine “vô cùng thất vọng” trước quyết định trả lại turbine của Canada
Bộ Năng lượng và Bộ Ngoại giao Ukraine hôm 10/7 cho biết, họ “vô cùng thất vọng” trước quyết định của Canada về việc trả lại một turbine của Siemens đã hoàn thành việc sửa chữa để dùng cho đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 tới Đức.
Tuyên bố được công bố trên trang web của Bộ Năng lượng Ukraine kêu gọi chính phủ Canada đảo ngược quyết định của mình, và nói rằng việc trả lại turbine sẽ giúp điều chỉnh các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow "theo ý muốn của Nga".
Canada tuyên bố sẽ miễn trừ trừng phạt đối với việc trả lại các turbine Nga đã được sửa chữa cần thiết cho đường ống Nord Stream 1 để bơm thêm khí đốt từ Nga sang Đức, Bộ Tài nguyên Canada cho biết trong một tuyên bố.
Trong khi đó, Siemens cho biết, quyết định của Canada cho phép chuyển một turbine từ xưởng sửa chữa của họ ở Canada tới Đức là bước đầu tiên cần thiết để đưa nó trở lại đường ống của Nga mà công ty đang vận hành và họ đang hướng tới mục tiêu đưa turbine này đến đúng chỗ càng sớm càng tốt.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảm thấy nhẹ nhõm khi Canada dọn đường cho việc chuyển giao turbine Siemens cho đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1. Ông nói: “Chúng tôi hoan nghênh quyết định của những người bạn và đồng minh Canada của chúng tôi”.
Cựu Thủ tướng Đức không muốn từ bỏ cơ hội hội đàm với ông Putin
Bất chấp xung đột Nga-Ukraine vẫn đang diễn ra, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder bày tỏ không sẵn lòng cắt đứt quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Tôi sẽ không từ bỏ cơ hội nói chuyện với Tổng thống Putin", ông Schröder nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung (ấn bản phát hành ngày 11/7).
Ông Schröder cũng tuyên bố rằng, ông tin tưởng vào một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
"Tại sao các vị lại tập trung vào việc bàn giao vũ khí?", ông Schröder nói. "Tôi không tin vào một giải pháp quân sự. Cách duy nhất để kết thúc chiến sự là thông qua đàm phán ngoại giao. Đau khổ của những người lính và người dân Ukraine chỉ có thể được giảm bớt thông qua một giải pháp ngoại giao".
Ông Schröder đã đến Moscow vào đầu tháng 3 và hội đàm với ông Putin về cuộc chiến ở Ukraine. "Theo những gì tôi hiểu, ông ấy quan tâm đến một giải pháp thương lượng. Giải pháp như vậy trông như thế nào chỉ có thể được làm rõ trong một cuộc đàm phán", ông nói và cho biết thêm rằng tất cả các bên nên đóng góp "để ngăn chặn xung đột tiếp tục leo thang".
Cựu Thủ tướng Đức Schröder đã bị chỉ trích trong nhiều tháng vì các hoạt động của ông cho các công ty năng lượng Nga bất chấp cuộc xung đột đang diễn tiến ở Ukraine. Hồi tháng 5, ông quyết định từ bỏ vị trí của mình tại công ty dầu khí Rosneft của Nga. Ngay sau đó, ông Schröder cũng từ chối đề cử vào vai trò giám sát trong hội đồng quản trị của Gazprom.
Minh Đức (Theo DW, Al Jazeera, Reuters)