Cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông Biden "để thảo luận về một loạt chủ đề, bao gồm các cam kết ngoại giao sắp tới với Nga", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Emily Horne tiết lộ với CNN.
Cuộc điện đàm theo đề nghị của Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Biden nhận lời vì "ông tin rằng khi nói đến Nga, không có gì thay thế cho cuộc đối thoại trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo với nhau", một quan chức cấp cao chính quyền ông Biden cho hay.
"Chính quyền Biden vẫn duy trì các hoạt động ngoại giao sâu rộng với đồng minh và đối tác châu Âu, tham vấn và phối hợp về cách tiếp cận chung để đối phó với động thái tăng cường quân sự của Nga ở biên giới với Ukraina", bà Horne cho biết thêm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trao đổi với các nhà lãnh đạo trên khắp châu Âu, và các quan chức chính quyền đã trao đổi ở các cơ chế đa phương với NATO, EU, Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu thông qua rất nhiều cuộc tham vấn, trong đó có các đồng minh ở sườn đông, khuôn khổ Bucharest Nine cũng như Ukraina.
Bucharest Nine là 9 quốc gia Châu Âu tạo thành sườn phía đông của NATO gồm: Ba Lan, Romania, Cộng hòa Czech, Estonia, Hungary, Bulgaria, Latvia, Lithuania và Slovakia.
Cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông Biden dự kiến diễn ra lúc 15h30, giờ ET (3h30 ngày 31/12, giờ Việt Nam). Đây là cuộc tiếp xúc trực tiếp thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo trong tháng 12.
Trước đó, ngày 7/12, Tổng thống Biden và người đồng cấp Nga đã có cuộc hội đàm trực tuyến kéo dài hai tiếng, trong đó điểm nhấn quan trọng nhất là căng thẳng gần đây liên quan đến vấn đề Ukraine.
Giới chức phương Tây cáo buộc Nga điều khoảng 70.000 - 100.000 quân tới biên giới với Ukraine, bày tỏ lo ngại nước này có thể phát động một cuộc chiến tổng lực. Song Nga bác bỏ cáo buộc và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự của họ ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.
Minh Hoa (t/h theo VnExpress, Lao Động)