Ông Zelensky sẽ tham gia buổi khánh thành Hội đồng NATO - Ukraine vào ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius. Hội đồng này được thiết lập với mục tiêu củng cố quan hệ giữa chính quyền Kyiv và liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương với 31 thành viên này.
Ông cũng sẽ gặp riêng với Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm đưa ra yêu cầu viện trợ vũ khí và đạn dược từ Mỹ và các quốc gia NATO khác để tiếp tục chiến đấu trong cuộc chiến được châm ngòi bởi cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine từ tháng 2 năm 2022.
Theo các quan chức, Chính phủ các nước Mỹ, Anh, Pháp và Đức được kỳ vọng sẽ đưa ra đảm bảo cung cấp hỗ trợ an ninh dài hạn cho chính quyền Kyiv dưới dạng các gói cung cấp vũ khí tân tiến, chương trình huấn luyện và các viện trợ quân sự khác, và các quyết định này sẽ sớm được đưa ra sau khi hội nghị Thượng đỉnh kết thúc.
Các quốc gia khác có thể tham gia khuôn khổ này và mang lại các cam kết song phương riêng của từng nước.
Trong một buổi kêu gọi tại Vilnius vào thứ Ba, Zelensky thể hiện sự thất vọng về việc NATO không đưa ra thời điểm cho phép Ukraine gia nhập liên minh cụ thể, một việc mà trước đó ông đã nhận xét là “ngớ ngẩn”.
Ông đã phát biểu trước hàng ngàn người tại Vilnius, trong đó nhiều người vẫy cờ Ukraine, và hàng loạt lính bắn tỉa túc trực trên các mái nhà xung quanh.
“NATO sẽ khiến Ukraine an toàn hơn, và Ukraine sẽ khiến NATO mạnh mẽ hơn”.
Trước các đồng minh thuộc NATO vào tối thứ Ba, ông sử dụng từ ngữ mềm mỏng hơn.
Trong một bài đăng trên Twitter, ông viết: “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là phòng thủ, và tôi biết ơn các đối tác của chúng tôi vì đã sẵn sàng đưa ra các bước tiến mới”.
“Càng nhiều vũ khí cho các chiến binh của chúng tôi, khả năng bảo vệ sự sống của toàn Ukraine càng cao! Chúng tôi sẽ mang lại nhiều công cụ phòng thủ hơn nữa về Ukraine”.
NATO ra điều kiện gia nhập liên minh với Ukraine
NATO đã khẳng định Ukraine không thể gia nhập tổ chức này khi cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn đang tiếp diễn. Các lãnh đạo thuộc liên minh này trong thứ Ba đã tái khẳng định một tuyên bố vào năm 2008 về việc Ukraine sẽ gia nhập NATO nhưng cũng đã làm rõ quyết định này sẽ không được ngay lập tức đưa ra sau khi cuộc chiến kết thúc.
Trong một bản tuyên bố, các lãnh đạo đã viết: “Chúng tôi sẽ đưa ra lời mời Ukraine gia nhập liên minh một khi các nước đồng minh nhất trí và các điều kiện được thỏa mãn”.
Tuyên bố này cho biết NATO sẽ cần phải đánh giá khả năng lực lượng Ukraine có thể tác chiến cùng với binh lính NATO, cũng như các cải cách trên phương diện an ninh và dân chủ.
Lập trường của NATO thể hiện rõ sự khác biệt về quan điểm của các nước thành viên về yêu cầu gia nhập liên minh của chính quyền Kyiv.
Các nước thành viên NATO tại Đông Âu hậu thuẫn yêu cầu gia nhập NATO nhanh chóng và dứt khoát của chính quyền Kyiv, tin rằng việc đưa Ukraine vào khối an ninh NATO là cách đơn giản nhất để ngăn ngừa Nga khỏi tấn công trong tương lai.
Các quốc gia khác như Mỹ và Đức đã có thái độ thận trọng hơn, lo ngại đưa ra những bước đi có thể sẽ kéo các quốc gia này vào xung đột trực diện với Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định khả năng Ukraine gia nhập NATO là một mối đe dọa với Nga. NATO đã liên tục khẳng định liên minh này là một liên minh phòng thủ và không có ý định tấn công Nga.
Mặc dù không đạt được mục tiêu tại hội nghị thượng đỉnh, Ukraine đã nhận được nhiều cam kết viện trợ vũ khí từ các thành viên NATO.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cho biết chính quyền Paris sẽ cung cấp các tên lửa hành trình tầm xa. Chính phủ Đức tuyên bố sẽ cung cấp gói viện trợ với trị giá 700 triệu Euro (tương đương 770 triệu USD), bao gồm hai bệ phóng tên lửa phòng không Patriot cùng với nhiều xe tăng và các phương tiện chiến đấu khác.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)