Các hãng tin và nhà báo ở Kiev đang đưa tin về một số tiếng nổ lớn ở thủ đô Ukraine, Al Jazeera cho biết.
Al Jazeera dẫn nguồn Kiev Independent, một hãng thông tấn địa phương, cho biết "những tiếng nổ lớn" đã được nghe thấy trong thành phố vào sáng sớm ngày 15/3, trong khi một nhà báo nước ngoài ở đó nói rằng anh ta thức giấc vì "một vài vụ nổ lớn ở trung tâm Kiev".
Theo Times of Israel, có những hình ảnh và video được đăng tải trên mạng xã hội được cho là cho thấy hậu quả của các cuộc tấn công tên lửa vào Kiev, sau khi một số tiếng nổ lớn được nghe thấy tại trung tâm thủ đô.
Times of Israel chia sẻ 2 video trên Twitter. Một video cho thấy ít nhất một tòa nhà lớn gần như hoàn toàn chìm trong biển lửa. Một video khác cũng cho thấy thiệt hại đối với tòa nhà xung quanh.
Vẫn chưa biết liệu có trường hợp bị thương hay tử vong nào hay không, Times of Israel cho biết.
Lầu Năm Góc: Nga bắn hơn 900 tên lửa vào Ukraine
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết, Nga đã bắn hơn 900 tên lửa vào các mục tiêu ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột vũ trang này bùng nổ hôm 24/2.
Nga đã không cố gắng để đảm bảo ưu thế trên không, vị quan chức này nhận định, đồng thời lưu ý rằng Ukraine vẫn có đủ vũ khí để tiếp tục cản trở bước tiến của quân Nga.
“Hầu như tất cả các bước tiến của quân Nga vẫn bị đình trệ”, vị quan chức này cho biết.
Tổng thống Zelensky: Nga bất ngờ về sức kháng cự của Ukraine
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong một bài phát biểu video vào cuối ngày 14/3 rằng Nga "không ngờ sự phản kháng như vậy" ở Ukraine.
"Chúng tôi đang làm việc với các đối tác của mình về các biện pháp trừng phạt mới chống lại nhà nước Nga", ông Zelensky cho biết.
Ngoài ra, Tổng thống Zelensky xác nhận rằng các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga sẽ được nối lại vào ngày 15/3, DW cho biết.
Tổng thống Ukraine sẽ phát biểu trước lưỡng viện của Quốc hội Mỹ vào sáng ngày 16/3 với thông tin cập nhật về tình hình chiến sự, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer thông báo trong một bức thư gửi các thành viên ngày 14/3, theo Politico.
Politico cho biết, đây sẽ là một thử nghiệm lớn đối với Chính quyền Tổng thống Joe Biden. Ông Zelensky chắc chắn sẽ nhắc lại các yêu cầu của ông đối với việc chuyển giao các tiêm kích MiG của Ba Lan cho Ukraine, đề xuất lập vùng cấm bay đối với Ukraine, các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga và những trợ giúp khác mà Tổng thống Biden cho đến nay vẫn từ chối.
Al Jazeera cho biết, Chính quyền Tổng thống Biden tuần trước đã từ chối lời đề nghị chuyển giao các máy bay phản lực như vậy của Ba Lan và nhiều lần khẳng định sẽ không thiết lập vùng cấm bay vì điều đó có thể gây nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Washington và Moscow.
Đức tìm cách đảm bảo an ninh khi viện trợ vũ khí cho Ukraine
Chính phủ Đức cho biết họ sẽ không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Người phát ngôn của Chính phủ Đức Wolfgang Buechner nói với các phóng viên rằng "để tránh rủi ro an ninh", Đức sẽ không tiết lộ thêm bất kỳ thông tin nào về loại vũ khí được cung cấp cho Ukraine hoặc bằng cách nào.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức Arne Collatz cho biết thêm rằng mục tiêu của Nga là cắt các tuyến đường tiếp tế cho Ukraine và làm cho Ukraine gặp khó khăn hơn trong phòng thủ, do đó, Đức sẽ không tạo điều kiện cho điều này xảy ra.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã lên tiếng cảnh báo rằng những đoàn xe chở vũ khí như vậy có thể trở thành mục tiêu hợp pháp cho quân đội Nga tấn công.
Anh tổ chức hội nghị Lực lượng Viễn chinh Hỗn hợp
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 15/3 sẽ tiếp các nhà lãnh đạo từ một số quốc gia châu Âu thuộc Lực lượng Viễn chinh Hỗn hợp (Joint Expeditionary Force), DW cho biết.
Ngoài Vương quốc Anh, lực lượng này bao gồm Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Iceland, Latvia, Litva, Hà Lan và Thụy Điển.
Lãnh đạo của các quốc gia thành viên sẽ gặp nhau tại London, nơi họ dự kiến sẽ thảo luận về các biện pháp sẽ được thực hiện để chống lại Nga.
New Zealand công bố “Chính sách đặc biệt về Ukraine”
Chính phủ New Zealand cho biết, họ sẽ đưa ra một chính sách mới cho phép khoảng 4.000 thành viên gia đình của người New Zealand gốc Ukraine chuyển đến đất nước này trong thời gian ngắn hạn.
Công dân và cư dân New Zealand gốc Ukraina sẽ có thể bảo lãnh một thành viên gia đình người Ukraine và gia đình trực hệ của họ, Bộ trưởng Di trú Kris Faafoi cho biết trong một tuyên bố.
Những người được chấp nhận sẽ được cấp thị thực làm việc 2 năm và con cái của họ sẽ có thể đến trường ở New Zealand.
“Chính sách Đặc biệt về Ukraine năm 2022 sẽ có hiệu lực trong một năm và cho phép khoảng 1.600 công dân và cư dân gốc Ukraine sinh ra ở New Zealand bảo lãnh cha mẹ, ông bà và anh chị em trưởng thành hoặc con cái trưởng thành và gia đình trực hệ của họ”, ông Faafoi cho biết. “Đây là chính sách thị thực đặc biệt lớn nhất mà chúng tôi đã thiết lập trong nhiều thập kỷ”.
Giá dầu lao dốc
Giá dầu thô giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu giờ tại châu Á ngày 15/3, với giá dầu WTI giảm xuống dưới mốc 100 USD/thùng.
Giá dầu thô Brent đã giảm xuống còn 100,54 USD, nhưng vẫn ở mức ba con số.
Giá dầu đã biến động mạnh trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, trong bối cảnh lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung do tác động của các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Giá cả 2 loại dầu thô tiêu chuẩn đều từng vượt mốc trên 120 USD/thùng, gần mức cao nhất trong 14 năm.
Việc nhu cầu được dự báo giảm ở Trung Quốc, khi chính phủ nước này phong tỏa thành phố Thâm Quyến trong nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19, được cho là góp phần làm giá dầu giảm.
Các cuộc đàm phán tiếp tục giữa Nga và Ukraine cũng dẫn đến sự lạc quan thận trọng của một số nhà đầu tư.
Chính phủ Brazil cũng cho biết vào cuối ngày 14/3 rằng, sau khi đàm phán với Mỹ, họ sẵn sàng tăng sản lượng dầu của mình để bù đắp cho phần nào thiếu hụt nguồn cung liên quan đến Nga.
Minh Đức (Theo DW, Al Jazeera, Times of Israel, TRT World, Politico)