Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. |
Tổng thư ký Ban Ki-moon kêu gọi một cuộc đối thoại với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố kế hoạch tái khởi động một nhà máy làm giàu uranium và một lò phản ứng 5 megawatt có thể sản xuất plutonium để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Ông Ban Ki-moon cho hay: “Cuộc khủng hoảng đã đi quá xa và Triều Tiên không cần phải đối đầu với cộng đồng quốc tế. Đe dọa hạt nhân không phải là một trò chơi”.
Triều Tiên còn cho hay việc tái khởi động lò phản ứng ở Yongbyonn sẽ được tiến hành “ngay lập tức” sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ ưu tiên theo đuổi chương trình hạt nhân song song với phát triển kinh tế.
Theo nhà khoa học hạt nhân Siegfried Hecker, người đã có chuyến khảo sát Yongbyon năm 2010, phải mất khoảng 6 tháng để khởi động lại hoạt động sản xuất plutonium. Khi ông Hecker tới thăm Yongbyon, hệ thống làm mát của lò phản ứng đã bị phá hủy.
Triều Tiên đã đóng cửa lò phản ứng năm 2007 để đổi lấy 50.000 tấn dầu thô sau cuộc đối thoại 6 bên với Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc.
Trong những ngày vừa qua, bán đảo Triều Tiên căng thẳng lên tới mức cực điểm khi Triều Tiên tuyên bố hành xử như thời chiến với Hàn Quốc. Nhiều nguyên nhân khiến Bình Nhưỡng giận dữ tuyên bố chiến tranh, trong đó có việc Kim Jong-unmuốn củng cố quyền lực, Bình Nhưỡng muốn làm phép thử với tân Tổng thốngHàn Quốc và cả cái vòng luẩn quẩn giữa thử hạt nhân và trừng phạt.
Năm 2006 và 2009, Triều Tiên cũng thử tên lửa. Sau đó, nước này bị trừng phạt. Tiếp đó, Bình Nhưỡng lại thử hạt nhân và bị trừng phạt. Động thái tiếp theo làTriều Tiên đe dọa và những cuộc khẩu chiến. Cuối năm 2012, đầu năm nay kịch bản lặp lại tương tự nhưng căng thẳng đẩy lên mức đỉnh điểm và chưa biết sẽ đi đến đâu.
Trong một diễn biến liên quan, phía Hàn Quốc cho hay, khu công nghiệp Kaesong nằm tại Triều Tiên, nơi có nhiều công nhân Hàn Quốc làm việc, đã đóng cửa vào sáng sớm ngày thứ 3, 2/4.
Một quan chức trong bộ phận thống nhất 2 miền của Hàn Quốc cho hay: “Chúng tôi đang đợi các nhà chức trách Triều Tiên mở cửa". Quan chức này từ chối đưa con số cụ thể về số lượng công nhân Hàn Quốc đang làm việc tại khu công nghiệp Kaesong.
Theo Infonet