"Trên thực tế, có lẽ sẽ khó diễn ra cuộc gặp trực tiếp giữa hai tổng thống, nhưng tất nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào họ", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói với hãng tin RIA Novosti hôm 19/9.
Ông Guterres nói thêm rằng Liên Hợp Quốc sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, và điều quan trọng là cần tạo điều kiện để đạt được hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc cũng như luật pháp quốc tế. Tuy vậy, việc tổ chức cuộc gặp mặt như vậy còn phụ thuộc vào mong muốn của Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky.
Theo Tổng thư ký Guterres, cơ hội ký kết một thỏa thuận hòa bình giữa Kiev và Moscow ở thời điểm hiện tại là rất thấp. Lý do chủ yếu bởi cả hai bên đều kiên định với các mục tiêu do họ đặt ra trong cuộc xung đột. Trong khi Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cho đến khi đạt được tất cả mục tiêu, thì Tổng thống Zelensky khẳng định sẽ "giải phóng" toàn bộ các vùng lãnh thổ của Ukraine đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Tổng thống Zelensky cho biết chưa sẵn sàng đàm phán với Tổng thống Putin và chỉ cân nhắc phương án ngoại giao sau khi lực lượng Nga rút khỏi các vùng lãnh thổ mà họ đã triển khai từ những tháng đầu tiên của chiến dịch quân sự.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga đã sẵn sàng đàm phán và muốn giải quyết tình hình ở Ukraine thông qua con đường ngoại giao dựa trên các điều kiện do Moscow đưa ra. Đồng thời, ông Peskov lưu ý rằng các điều kiện của Moscow vẫn được giữ nguyên. Theo Tổng thống Putin, mục tiêu cuối cùng của chiến dịch quân sự mà Nga triển khai tại Ukraine là "giải phóng Donbass và tạo ra các điều kiện đảm bảo an ninh cho Nga".
Mới đây, ngày 18/9, Cố vấn của Tổng thống Ukraine Mykhailo Podoliak nói rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Zelensky và Tổng thống Putin có thể diễn ra nếu Nga rút quân hoàn toàn khỏi Ukraine. Ông nhấn mạnh, chủ đề của cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine sẽ tập trung vào việc "thảo luận về tình hình sau chiến tranh, bao gồm việc bồi thường thiệt hại và dẫn độ tội phạm". Trước đó, Tổng thống Zelensky cảnh báo Ukraine sẽ không tạo điều kiện cho xuất khẩu khí ammoniac của Nga nếu Moscow không thả tù binh của Ukraine.
Đầu tháng này, Tổng thống Putin trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz lưu ý rằng Nga đã tạo điều kiện để Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) tiếp xúc với tù binh chiến tranh Ukraine nhưng Kiev đã không làm điều tương tự.
Cách đây không lâu, Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian để ký một thỏa thuận Nga-Ukraine về việc nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc cho các thị trường quốc tế qua Biển Đen. Theo thỏa thuận này, hàng trăm tàu đã khởi hành từ các cảng của Ukraine, mang theo gần 2,4 triệu tấn nông sản nước này đến với các thị trường ngoài nước, qua đó giảm nhẹ cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Minh Hoa (t/h theo Dân Trí, Vietnam+)