Tổng thư ký NATO hôm 11/7 cho biết Ukraine có thể tin tưởng vào liên minh này "cả hiện tại và về lâu dài".
Tuyên bố trên được ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký sắp mãn nhiệm, đưa ra vào cuối Hội nghị Thượng đỉnh NATO kéo dài 3 ngày giữa các nhà lãnh đạo của 32 quốc gia thành viên ở Washington, D.C.
"Hôm nay, chúng tôi gửi một thông điệp mạnh mẽ về sự đoàn kết… và Ukraine có thể tin tưởng vào NATO cả hiện tại và về lâu dài", ông Stoltenberg cho biết khi phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 11/7, ngày cuối cùng của hội nghị.
Ông Zelensky và ông Stolenberg tại cuộc họp báo vào cuối Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Washington, D.C., ngày 11/7/2024. Ảnh: AP/Stars and Stripes
"Các đồng minh đã nhất trí rằng khi Ukraine tiếp tục những cải cách cần thiết, chúng tôi sẽ hỗ trợ họ trên con đường trở thành thành viên không thể đảo ngược được", vị quan chức dân sự hàng đầu NATO nói.
Khi được hỏi về cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới ở Mỹ, ông Stoltenberg cho hay: "Tôi chỉ nói rằng tôi kỳ vọng rằng Mỹ sẽ vẫn là một đồng minh mạnh mẽ và trung thành của NATO, bởi vì điều đó nằm trong lợi ích an ninh của Mỹ".
"Thực tế là NATO cũng làm cho Mỹ mạnh hơn và an toàn hơn", Tổng thư ký NATO bổ sung.
Trong các cuộc bầu cử gần đây ở châu Âu, ông Stoltenberg cho biết có những câu hỏi liệu các chính phủ mới và các đảng chính trị mới có ủng hộ NATO hay không.
"Thực tế là NATO đã tỏ ra vô cùng kiên cường, bởi vì mỗi khi họ có một đảng mới, một chính phủ mới, họ nhận ra rằng mọi đồng minh của NATO đều an toàn hơn khi ở trong NATO so với ở bên ngoài NATO", Tổng thư ký NATO cho biết.
Về phần mình, phát biểu trong cuộc họp báo hôm 11/7, bên cạnh ông Stoltenberg, Tổng thống Ukraine đã thúc giục các nhà lãnh đạo NATO để cho Kiev tùy ý sử dụng vũ khí do họ viện trợ.
"Nếu chúng ta muốn giành chiến thắng, nếu chúng ta muốn chiếm ưu thế, nếu chúng ta muốn cứu đất nước của mình và bảo vệ nó, chúng ta cần dỡ bỏ mọi giới hạn", ông Zelensky nói.
Bình luận của ông Zelensky được đưa ra một ngày sau khi NATO công bố gói viện trợ lớn để hỗ trợ Ukraine phòng thủ, bao gồm việc chuyển giao các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất được chờ đợi từ lâu và cung cấp hỗ trợ quân sự trị giá 43 tỷ USD trong năm tới.
Bên cạnh đó, Mỹ hôm 11/7 tuyên bố sẽ gửi thiết bị quân sự trị giá 225 triệu USD tới Ukraine. Đây là một phần của gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD đã được phê duyệt hồi tháng 4.
Gói viện trợ mới nhất này bao gồm một khẩu đội tên lửa Patriot, hệ thống phòng không và đạn dược, cũng như đạn pháo và tên lửa.
Minh Đức (Theo Anadolu, RFE/RL)