Cậu bé nghèo yêu võ thuật
Tony Jaa sinh ngày 5/2/1976 tại một làng quê nghèo trong rừng thuộc tỉnh Surin, Thái Lan (giáp biên giới Campuchia).
Tuổi thơ của anh gắn liền với sông nước và những chú voi, chính điều này đã giúp anh rèn luyện sức khỏe, niềm đam mê võ thuật và gợi nên cảm hứng cho những tác phẩm nghệ thuật trong tương lai.
Cũng như bao đứa trẻ khác, Jaa rất thích xem phim. Tuy nhiên, gia đình không có đủ điều kiện để mua ti vi, anh thường đi xem chiếu bóng ở sân đất chung của làng vào buổi tối. Đa phần các phim được chiếu lúc bấy giờ đều là phim võ thuật Hong Kong của Lý Tiểu Long và Thành Long.
Ước mơ về tương lai trở thành ngôi sao võ thuật như các huyền thoại Lý Tiểu Long, Thành Long cũng được nhen nhóm từ đây. “Chúng làm tôi mê mẩn. Các nhân vật đều rất anh hùng, đánh võ đẹp, làm tôi khao khát được như họ”, Jaa chia sẻ.
Lên 10 tuổi, Jaa bắt đầu tập tành quyền Muay cơ bản. Ban đầu, do gia cảnh khó khăn nên bố Jaa đã phản đối anh học võ mà hi vọng anh tập trung học hành và phụ giúp gia đình. Jaa đành lôi cái chết ra dọa bố để được tham gia lớp học võ.
Năm lên 15 tuổi, Jaa bắt đầu học quyền Thái và lân la tìm đến võ sư Phanna Rithikrai – người chuyên đóng thế các cảnh hành động trong phim điện ảnh Thái Lan. May mắn, anh được thầy yêu quý và không tiếc công sức truyền dạy hết các môn võ Muay cổ truyền của người Thái.
Niềm đam mê võ thuật ngày một lớn, Jaa muốn bỏ học văn hóa để chuyên tậm học võ nhưng bị thầy phản đối, anh đành học song song hai thứ cùng một lúc.
Năm 17 tuổi, Jaa trúng tuyển vào Học viện thể dục nghệ thuật. Tại đây, anh vừa đi học, vừa đi làm thêm tại trường quay của sư phụ Rithikrai và tham gia làm diễn viên thế thân để kiếm tiền trang trải học phí và tiếp cận với nghệ thuật.
Không ngừng rèn luyện bản thân, Jaa còn giành thời gian luyện Taekwondo, Aikido, Capoeira, Wu Shu, Karbi Krabong, múa kiếm và thậm chí là học diễn xuất.
“Những năm bé, thời gian của tôi chỉ dành cho việc luyện tập và thiền 8 tiếng mỗi ngày. Tôi tập tới mức di chuyển được chính xác như các bậc thầy”, Jaa tâm sự trên tạp chí Time.
Biết bản thân không có lợi thế ngoại hình, Jaa bèn nghĩ cách để giới thiệu bản thân một cách độc đáo và ấn tượng nhất là quay một đoạn phim biểu diễn những thế võ do mình sáng tạo.
Nghĩ là làm, vét sạch tất cả số tiền dành dụm được trong suốt thời gian đi làm thêm, Jaa mua phim nhựa, thuê máy về quay.
Nhưng mọi hi vọng bỗng chốc sụp đổ khi phim bị hỏng. Không bỏ cuộc, anh cầu cứu cha mẹ và rất may họ cho anh 50 ngàn bath đủ để thực hiện một đoạn phim dài 15 phút.
Trời không phụ lòng người, video tự quay của Jaa cùng với một số màn trình diễn tuyệt vời khi đóng thế trong các bộ phim như Mortal Kombat 2 đã giúp đạo diễn Pranchya Pinakaew chú ý đến anh.
Thành danh châu Á
Năm 2004, một đạo diễn vô danh (đối với nền điện ảnh thế giới) và một diễn viên chính cũng “tiểu tốt” không kém, đã một sớm một chiều khiến dân ghiền điện ảnh phải kinh ngạc thích thú. Tại Bercy (Paris), ngày 12 tháng 3 năm 2004, Ong-bak (Truy tìm tượng Phật) được trình chiếu đặc biệt cho giới thượng lưu điện ảnh và báo chí với sự góp mặt của Tony Jaa, Luc Besson…
Sau khi phim kết thúc, khán giả đã đồng loạt đứng lên vỗ tay liên hồi tán thưởng những pha hành động nghẹt thở rất thật, nghĩa là không có cascadeur thế thân, không có dây cáp an toàn, không có xảo thuật. Giới báo chí Pháp, điện ảnh cũng như võ thuật, đưa Tony Jaa lên trang bìa và trích lời ca ngợi của Thành Long, Lý Liên Kiệt… “Một con rồng châu Á” mới đã xuất hiện. Nhiều nhà phê bình đã so sánh Tony Jaa với Lý Tiểu Long: dáng người tầm thước, hơi mảnh mai, bề ngoài trông chẳng ra gì như lời nhận xét của đạo diễn L. Besson (chính ông đã lăng-xê Lý Tiểu Long tại Pháp với các phim Ðường Sơn Ðại Huynh, Mãnh Long Quá Giang, Tử vong du hý…). Thế nhưng, cũng như con rồng nhỏ họ Lý, Tony Jaa (tên thật là Panom Yeerum) có sức cuốn hút kỳ lạ, với thân thủ có tốc độ tia chớp và một sự dẻo dai lạ thường. Thêm vào đó, cũng như Lý Tiểu Long, một cảm nhận “Võ sản” vừa tinh tế nhạy bén, vừa sâu xa thâm trầm. Ðiều này, không phải diễn viên kiêm cao thủ nào cũng có được.
Sau Ong-bak là The Protector (2005). Kịch bản của The Protector tương tự, kể về hành trình một võ sĩ Thái có khuôn mặt hiền khô đáng mến và tay đấm sắt, sang Australia tìm chú voi yêu quý. Trong dự án thu về 25 triệu USD, Tony Jaa chứng minh sự thay đổi vượt bậc.
Cách diễn xuất của Tony Jaa học hỏi đúng công thức của Thành Long. Anh luôn tự diễn mọi cảnh mạo hiểm, không cần dây cáp, không sử dụng người đóng thế và hạn chế hết mức công nghệ vi tính, dành nhiều đất kịch bản cho những pha biểu diễn võ chân thực. Những chiến dịch quảng bá phim của Tony Jaa đều nhấn mạnh đến yếu tố này. Tuy nhiên, khác với Thành Long hay Lý Liên Kiệt, Jaa gây ấn tượng với khán giả ở những chuyển động biến hóa rất võ, làm người xem cảm thấy mình đang thưởng thức võ Muay chân thực. Ngoài ra, những câu chuyện phim của Tony Jaa cũng mang đậm bản sắc văn hóa Thái.
Cũng chính vì hạn chế công nghệ và tăng tính thật của các pha võ, những phim của Tony Jaa được chuẩn bị trong thời gian rất lâu. “Ở phim Ong-bak, tôi từng tập luyện với huấn luyện viên trong một năm. Dự án mất ba năm tiền kỳ. Còn với The Protector, chúng tôi muốn khán giả xem xong phải đặt câu hỏi: Tại sao chúng tôi lại làm được thế. Và chúng tôi đã làm được điều đó".
Sau khi tham gia phần hai của Ong-bak (2008), tài tử nghỉ ngơi, về quê nhà đi tu một thời gian, rồi tái xuất với dự án The Protector 2 (2013). Với bốn tác phẩm, Tony Jaa được người hâm mộ phim võ châu Á và châu Âu biết tiếng. Viết về điện ảnh Thái Lan trong cuốn The Asian Influence on Hollywood Action Films, tác giả Barna William Donovan dành một chương nói về các phim của Tony Jaa, trong đó khẳng định: “Phim của anh không chỉ giúp anh thiết lập lượng fan trên thế giới mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp phim Thái”.
Tỏa sáng ở Hollywood
Không ngủ quên trên chiến thắng, Jaa tiếp tục hoạt động và tiến tới thị trường Hollywood, đưa tên tuổi của mình ra “thị trường” quốc tế.
Với tài năng và danh tiếng của mình, Jaa nhận được rất nhiều lời mời tham gia phim điện ảnh Hollywood nhưng đa phần đều là những vai nhỏ nên anh từ chối. Chỉ đến khi đạo diễn đạo diễn James Wan ngỏ lời mời tham gia Fast & Furious 7, anh mới gật đầu đồng ý.
“Với Fast & Furious 7 thì không thể từ chối được. Được tham gia phim là niềm tự hào của tôi. Người Thái rất mê Fast & Furious, tôi cũng mê Fast & Furious”, Jaa chia sẻ.
Mặc dù đứng đầu ở châu Á nhưng khi bước chân tới Hollywood, Tony Jaa vẫn không tránh khỏi lo lắng và không ngừng rèn luyện để có thể phô diễn được tài năng của mình.
Trong Fast & Furious 7, anh vào vai Kiệt, một ác nhân làm tay sai của phe phản diện, tìm mọi cách cản trở kế hoạch của nhóm Vin Diesel, đối đầu chính với nam tài tử Paul Walker.
Jaa có 8 tuần ghi hình ở Atlanta, anh hoàn thành tốt mọi cảnh phân cảnh của mình và được các đồng nghiệp khen ngợi, chào đón nồng nhiệt.
Khi bộ phim chính thức công chiếu, diễn xuất tốt với những màn trình diễn võ thuật đẹp mắt, các pha hành động mạo hiểm đến nghẹt thở đối kháng với Paul Walker giúp Jaa tiếp tục nâng tầm tên tuổi của mình và chứng minh tài năng của mình trên trường quốc tế.
Ngôi sao của vợ con
Tony Jaa chính thức nên duyên vợ chồng với người bạn gái lâu năm Piyarat Chotiwattananont vào ngày 29/12/2011. Lễ cưới được tổ chức vào ngày 3/5/2012 tại Trung tâm Hội nghị Hải quân Hoàng gia Thái Lan. Cặp đôi có một cô con gái xinh đẹp.
Khác hẳn với việc đối xử xa lạ với gia đình, Jaa lại là một người đàn ông nổi tiếng yêu vợ thương con – Đây được coi là điểm cộng giúp ngôi sao võ thuật vớt vát lại chút hình tượng “vong ơn bội nghĩa” của mình.
Bất chấp công việc bận rộn nhưng hễ có thời gian rảnh rỗi anh lại trở về bên cạnh với vợ con.
Jaa thường xuyên chia sẻ những khoảnh khắc bên vợ và con gái trên trang cá nhân của mình cùng với những lời nói đầy yêu thương khiến mọi người ngưỡng mộ.
Video: Tony Jaa trong phim Ong-bak (Truy tìm tượng Phật).
Quốc Tiệp