1. Chiến thắng ngoạn mục của tỷ phú "ngoại đạo" Donald Trump
Tháng 6/2015, tỷ phú Trump thông báo tại đại bản doanh Trump Tower của mình rằng ông sẽ ra tranh cử tổng thống Mỹ vào năm tới. Nhiều người khi đó đã coi tuyên bố này chỉ là một câu chuyện cười không hơn không kém.
Chỉ một năm sau, Donald Trump đã chứng minh mọi sự cười cợt với ông đều là sai lầm. Bằng một chiến dịch tranh cử độc đáo, Donald Trump vốn được coi là "kẻ ngoại đạo" đã đơn thương độc mã tiến vào chính trường Mỹ bằng cách vượt qua 16 đối thủ từ đảng Cộng hòa để trở thành ứng viên tranh cử cuối cùng.
Tháng 11/2016 ông chiến thắng với số phiếu đại cử tri cách biệt 304 phiếu trước đối thủ của mình là cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton - người chỉ giành được 224 phiếu, chính thức trở thành Tổng thống mới của nước Mỹ.
Donald Trump được coi là vị tổng thống gây tranh cãi nhất trong nhiều năm trở lại đây khi đi ngược lại mọi tư tưởng của giới chính trị truyền thống nước Mỹ. Liệu ông có giúp Mỹ "vĩ đại thêm một lần nữa" hay không sẽ là điều được cả thế giới chờ đợi trong 4 năm tới.
2. Brexit - nước Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu
Những bất ổn bên trong nội bộ Liên minh châu Âu đã gây nhức nhối từ nhiều năm qua. Tất cả bắt đầu bùng nổ khi cuộc khủng hoảng tị nạn trở thành giọt nước tràn ly.
Trước sức ép của dư luận, cuộc trưng cầu dân ý rời EU của nước Anh diễn ra vào tháng 6/2016. Sự lạc quan của Thủ tướng David Cameron đã không níu giữ được người Anh ở lại. 52% số người bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu, gây ra những biến động tài chính và chính trị khó lường trong tương lai.
Thủ tướng David Cameron từ chức ngay sau cuộc bỏ phiếu, để lại những công việc còn lại cho người thay thế Theresa May. Theo lịch trình dự kiến, Thủ tướng Theresa May sẽ bắt đầu tiến trình rời đi vào mùa xuân năm 2019.
Sau phát súng khai mào từ nước Anh, phong trào dân túy ở khắp các nước Đức, Pháp, Áo, Hà Lan, nhanh chóng nổ ra. Nhân vật đang gây chấn động châu Âu hiện tại phải kể đến Chủ tịch đảng Mặt trận quốc gia Pháp Marine Le Pen - người đang là ứng viên tranh cử tổng thống Pháp trong năm tới. Marine Le Pen là người kiên quyết sẽ đưa Pháp rời khỏi Liên minh châu Âu một khi bà thắng cử.
Ở Ý, sự thất bại của Thủ tướng Matteo Renzi trong cuộc trưng cầu hồi đầu tháng 12 đã báo trước cho sự suy sụp của phe cánh tả ở quốc gia này. Sự nổi lên của Phong trào 5 Sao và Liên đoàn phương Bắc đang được dự đoán sẽ là các nhóm nắm quyền lực trong cuộc bầu cử tiếp theo. Sự thống nhất của châu Âu hàng thập kỷ đang đứng trước nguy cơ tan rã.
3. Hồ sơ Panama
Ngày 10/5, Liên đoàn Phóng điều tra quốc tế (ICIJ) đã công khai nội dung tập tài liệu khổng lồ với tên gọi “Hồ sơ Panama”. Với 11,5 triệu tài liệu từ dữ liệu của công ty luật Mossack Fonseca của Panama, tổ chức này đã phanh phui mọi hoạt động tài chính của nhiều nhân vật giàu có và quyền lực trên thế giới, trong đó không ít các chính khách nổi tiếng.
Phần lớn các giao dịch có trong hồ sơ là hợp pháp tuy nhiên nó cũng nằm mập mờ trong ranh giới giữa việc rửa tiền, trốn thuế hoặc có dính líu đến những phi vụ mờ ám.
Danh sách 140 chính trị gia và quan chức trên thế giới có những cái tên nổi bật như Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, Muammar Gaddafi của Libya và Tổng thống Syria Bashar al-Assad. 29 tỷ phú trong danh sách 500 người giàu có nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Forbes cũng có mặt.
4. Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ
Vào ngày 15-16/7, một nhóm tướng lĩnh trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đưa xe tăng, trực thăng tiến vào Istanbul tiến hành đảo chính nhằm lật đổ chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Erdogan.
Tổng thống Erdogan khi đó đang đi nghỉ tại Marmaris, ông rời đi trước khi khách sạn của mình bị một nhóm vũ trang tấn công.
Ông Erdogan đã bay đến Istanbul để chỉ đạo vụ việc sau khi quân đội tiến hành chiếm đóng các trụ sở đầu não ở thủ đô Ankara. Cuộc đảo chính sau đó đã thất bại khi chính phủ đương nhiệm vẫn kiểm soát được tình hình.
Ít nhất 264 người đã bị giết chết, trong số đó 173 thường dân, 67 nhân viên an ninh chính phủ, 24 người đảo chính và hơn 1.390 người bị thương
Một cuộc bắt giữ và điều tra những người có dính líu tới cuộc đảo chính đã được tiến hành. Theo bộ trưởng bộ Tư pháp Bekir Bozdag cho đến nay có khoảng 32.000 người đã bị bắt giữ và sa thải. Ankara cáo buộc đứng sau cuộc binh biến là sự giật dây của phong trào tôn giáo Gulen.
5. Phán quyết Tòa Trọng tài về Biển Đông
Ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye, Hà Lan đã ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông.
Dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), tòa ra tuyên bố bác bỏ "quyền lịch sử" mà Trung Quốc sử dụng để làm cơ sở đưa ra các yêu sách chủ quyền "đường lưỡi bò" nước này vẽ ra ở Biển Đông.
Đây là kết quả cuối cùng được sự đồng tình của dư luận quốc tế cũng như các nước Đông Nam Á có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh. Các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ đã lên tiếng ủng hộ và yêu cầu Trung Quốc tuân thủ và thực thi kết luận cuối cùng của tòa án.
6. Khủng bố đẫm máu trong ngày Quốc khánh Pháp
Chỉ trong vòng 2 năm qua, nước Pháp phải hứng chịu 3 vụ khủng bố kinh hoàng, hầu hết đều có dính líu đến tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Sau vụ tấn công toà soạn Charlie Hebdo và cửa hàng Do Thái ở Paris hồi tháng 1/2015; vụ khủng bố Paris vào tháng 11/2015 khiến 130 người thiệt mạng, nước Pháp tiếp tục chìm trong sự đổ máu ngay trong ngày Quốc khánh.
Đêm 14/7, một tên khủng bố lái xe tải đâm vào dòng người đang xem pháo hoa nhân ở thành phố Nice xinh đẹp. Tên này được cho vừa lái xe vừa xả súng vào đám đông khiến 86 người chết trước khi bị cảnh sát bắn gục.
Vụ khủng bố tiếp tục đặt ra dấu hỏi về công tác an ninh của Pháp đã không được cải thiện trong hơn một năm qua, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiểm họa khủng bố đang đe dọa người dân châu Âu.
7. Những chính khách nổi bật qua đời
Hôm 25/11, Đài truyền hình Quốc gia Cuba đưa tin Lãnh tụ cách mạnh Cuba Fidel Castro đã qua đời tại Havana sau nhiều năm chống chọi với tình trạng sức khỏe suy yếu.
Lãnh tụ Fidel Castro là người được nhân dân Việt Nam và nhiều nước trên thế giới kính trọng. Ông đã lèo lái đất nước qua nhiều thập kỉ với tinh thần tự do và tư tưởng độc lập dân tộc trước sự cấm vận gắt gao của Mỹ. Nói về sự ra đi của lãnh tụ Fidel Castro, tờ New York Times của Mỹ đã viết rằng: “Nhà cách mạng Cuba từng đánh bại Mỹ đã qua đời”.
Sự nghiệp của lãnh tụ Fidel Castro là tấm gương sáng chói trong lịch sử. Sự ra đi của nhà lãnh đạo Cuba là một mất mát lớn đối với phong trào dân tộc và phong trào cách mạng trên thế giới.
Còn với người dân Thái Lan, sự ra đi của Quốc vương Bhumibol Adulyadej vào ngày 13/10 cũng để lại những niềm tiếc thương vô hạn.
Hưởng thọ 88 tuổi, Quốc vương Bhumibol Adulyadej là người đã trị vì gần 70 năm ở đất nước Đông Nam Á. Ông là rường cột cho sự ổn định và là biểu tượng tinh thần của Thái Lan trong suốt nhiều thập kỷ biến động.
8. Bê bối chính trị rúng động Hàn Quốc
Hôm 25/10, Tổng thống Park Geun Hye đã phải đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội của người dân Hàn Quốc sau khi thừa nhận dung túng bạn thân là Choi Soon Sil can thiệp vào nhiều công việc của chính phủ. Đặc biệt hơn, người bạn này của bà là một nghi phạm tham nhũng.
Hàng chục nghìn người Hàn Quốc đã đổ ra trên khắp các thành phố lớn biểu tình và gây áp lực dữ dội lên nữ chính khách và đảng cầm quyền hiện tại.
Văn phòng Công tố Tối cao Hàn Quốc đã bắt đầu tiến hành điều tra, dường như chắc chắn bà Park sẽ phải kết thúc nhiệm kỳ tổng thống sớm của mình và đối mặt với nhiều tội danh. Một cuộc bầu cử mới sẽ được diễn ra trong năm 2017 và những đảng phái dân túy đang sẵn sàng để lên lãnh đạo quốc gia này.
Tờ Washington Post đã gọi đây là "cuộc khủng hoảng lớn nhất" kể từ khi Hàn Quốc được thành lập cách đây 70 năm.
9. Aleppo được giải phóng
Cuộc nội chiến ở Syria đã kéo dài trong bế tắc suốt 5 năm qua. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc đã có 312.000 người bỏ mạng tại nơi đây, kéo theo đó là làn sóng tị nạn với số lượng lên tới hàng triệu người.
Những tia hy vọng về hòa bình ở Syria chỉ bắt đầu được khai thông sau khi Nga bắt đầu triển khai lực lượng của mình tại đây vào cuối năm 2015.
Sau hơn một năm dưới sự ủng hộ về vật lực và tinh thần của Nga, bạo lực ở Syria đã giảm đáng kể, phần lớn lãnh thổ bị IS chiếm đóng đã được quân chính phủ giải phóng. Trong khi lực lượng đối lập do Mỹ hậu thuẫn ngày một suy yếu.
Chiến thắng ở Aleppo hôm 12/12 là một trong những thành công lớn nhất của Tổng thống Assad khi đây là trung tâm kinh tế quan trọng nhất của Syria.
Với chiến thắng này, Nga và chính phủ Tổng thống Assad sẽ có được lợi thế rất lớn trên bàn đàm phán hòa bình trong tương lai.
10. Tranh cãi về Tổng thống Philippines Duterte
Nhậm chức vào ngày 30/6, Tổng thống Rodrigo Duterte mang đến một cơn gió lạ cho chính trường Philippines cũng như trở thành cơn ác mộng dành cho tội phạm ở quốc gia này.
Chiến dịch thanh trừng đẫm máu tội phạm ma túy của ông có thể bị nhiều quốc gia phương Tây chỉ trích về nhân quyền, nhưng với những người dân Philippines, sự cứng rắn của ông chính là biện pháp tốt nhất để giải quyết những bất ổn xã hội mà họ đang phải gánh chịu.
Trên lĩnh vực đối ngoại, Tổng thống Duterte khiến cả hai cường quốc lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc phải đau đầu trước những chiêu bài ngoại giao khó lường mà vị chính khách này đặt ra. Chưa bao giờ một lãnh đạo từ một đất nước nhỏ bé ở Đông Nam Á lại khiến báo chí phương Tây tốn nhiều giấy mực đến như vậy.
Nổi bật với những phát ngôn thẳng thắn, ông Duterte đang cho thấy những thành công bước đầu khi giải tỏa được những căng thẳng Biển Đông với Trung Quốc, đồng thời mang về những gói tài trợ tỷ đô để vực dậy nền kinh tế trong nước.
Quốc Vinh