Năm 2022 là một năm của những biến động khó lường. Cuộc xung đột Nga - Ukraine, các biện pháp hạn chế Covid ở Trung Quốc và các quy tắc kiểm soát xuất khẩu của Mỹ ngày 7/10 khiến chuỗi cung ứng liên tục bị gián đoạn.
Chỉ riêng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến kinh tế thế giới thiệt hại ước tính 2,8 nghìn tỷ USD sản lượng tính đến cuối năm 2023, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Nửa cuối năm 2022, ngành bán dẫn toàn cầu lại đối mặt với tình trạng dư cung do bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nhu cầu thấp đối với hàng điện tử tiêu dùng, lạm phát cao và lãi suất tăng. So với mức tăng trưởng 26,3% vào năm 2021, công ty nghiên cứu thị trường Gartner đã dự đoán ngành công nghiệp bán dẫn sẽ tăng trưởng ở mức 7,4% vào năm 2022 và giảm 2,5% vào năm 2023.
Chất bán dẫn được ứng dụng trong hầu hết mọi lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), AR/VR, Internet vạn vật (IoT), xe tự lái, xe điện, điện toán hiệu năng cao (HPC), hàng không vũ trụ, truyền thông vệ tinh, 5G/6G, thành phố thông minh, công nghệ y tế, v.v.
Những tiến bộ trong công nghệ bán dẫn là yếu tố quyết định sự đổi mới trong các lĩnh vực này. Dưới đây là 3 xu hướng định hình sự phát triển của chuỗi cung ứng bán dẫn vào năm 2023 và những năm tiếp theo.
- Nhu cầu điện tử tiêu dùng thấp
Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, thị trường điện tử tăng trưởng rất mạnh mẽ. Do nhiều người phải làm việc từ xa, nhu cầu sử dụng máy tính cá nhân (PC) của họ tăng cao. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, quỹ đạo đó đã chậm lại do nhu cầu PC suy giảm, khiến các nhà sản xuất bộ xử lý và bộ nhớ bị ảnh hưởng nặng nề.
Bên cạnh đó, nhu cầu èo uột đối với thiết bị điện tử tiêu dùng đã gây ra sự suy thoái trong ngành công nghiệp bán dẫn năm 2022, và dự kiến tình hình này vẫn sẽ tiếp tục vào năm 2023.
Theo Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC), lượng điện thoại thông minh bán ra toàn cầu vào năm 2022 ước tính đạt 1,27 tỷ chiếc, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đối với thiết bị máy tính cá nhân, IDC cũng chỉ ra rằng các lô hàng PC và máy tính bảng toàn cầu sẽ giảm 12,8% và 6,8% xuống lần lượt là 305,3 triệu và 156,8 triệu chiếc.
Theo quan điểm của IDC, vào năm 2023, thị trường PC và máy tính bảng vẫn sẽ suy thoái và tỷ lệ suy giảm được ước tính là 2,6%. May mắn là thị trường smartphone dù cách xa mức tăng trưởng 24,5% năm 2021 nhưng được dự báo vẫn khả quan ở mức 5,2% năm 2023.
Sự sụt giảm này tạo ra một viễn cảnh bi quan về lĩnh vực bán dẫn, vì điện thoại thông minh, máy tính xách tay và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác vẫn là nguồn doanh thu lớn nhất của phần lớn các công ty hoạt động trong lĩnh vực này.
- Chip ô tô – động lực thúc đẩy tăng trưởng
Ngược lại, nhu cầu ngày càng tăng đối với các mạch tích hợp từ ngành công nghiệp ô tô đang thúc đẩy thị trường toàn cầu, do việc sản xuất xe điện và xe tự hành đang được đẩy mạnh.
Theo công ty tư vấn quản trị McKinsey, thị trường này sẽ tăng trưởng từ 42 tỷ USD vào năm 2021 lên 125 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CARG) 13%.
Bên cạnh đó, nhu cầu về chip ô tô với các quy trình tiên tiến đang tăng với tốc độ CAGR là 24% trong 10 năm tới vì chúng cực kỳ cần thiết cho các chức năng nâng cao như tự lái, hệ thống hỗ trợ lái xe (ADAS) và giám sát thời gian thực. Hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) sâu rộng cũng đang ảnh hưởng đến thị trường bán dẫn toàn cầu.
Trong tương lai, các nhà sản xuất thiết bị gốc ô tô có thể hợp tác trực tiếp với các xưởng đúc. Việc họ tham gia vào chuỗi cung ứng đang trở thành xu hướng.
Chẳng hạn, Volkswagen đã bắt đầu tương tác với nhà thiết kế chip Qualcomm và các xưởng đúc như TSMC và Global Foundries. Ngoài ra, các nhà sản xuất ô tô cũng đang đầu tư vào chip tự thiết kế để kiểm soát nhiều hơn các thiết bị bán dẫn.
- Căng thẳng Mỹ - Trung chưa kết thúc
Cuộc chiến công nghệ bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gay gắt vào năm 2023. Đầu tháng 8, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã công bố Đạo luật Khoa học và CHIPS để bảo vệ sự phát triển công nghệ ở Mỹ.
Luật này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng quản lý chuỗi cung ứng và sản xuất trong nước của Mỹ thay vì phụ thuộc vào các quốc gia khác. Theo đó, Mỹ cung cấp khoảng 52 tỷ USD cho các công ty đầu tư vào sản xuất chất bán dẫn của Mỹ, bao gồm Nvidia, Intel, TSMC, Samsung và các công ty khác.
Những công ty nhận tiền sẽ không được phát triển các công nghệ mới nhất hoặc mở rộng công suất chip tiên tiến ở Trung Quốc trong vòng 10 năm.
Trên thực tế, Trung Quốc sở hữu một thị trường nội địa khá lớn mà hầu hết các công ty công nghệ không thể tồn tại nếu thiếu nó. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng đã và đang nỗ lực rất nhiều để giảm bớt sự phụ thuộc vào các nước phương Tây.
Là những gã khổng lồ công nghệ nổi bật nhất trong ngành công nghiệp bán dẫn, Mỹ và Trung Quốc không chịu nhường bước cho nhau, buộc các công ty buộc phải chọn bên nào để hợp tác. Cuộc chiến này sẽ tiếp diễn vào năm 2023 và tất cả những người tham gia trong ngành này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nguyễn Tuyết (Theo Digital Journal, Tech Design, Tech Wire Asia)