Top 5 tàu ngầm hạt nhân tiên tiến nhất thế giới, Mỹ góp 2 chiếc

Top 5 tàu ngầm hạt nhân tiên tiến nhất thế giới, Mỹ góp 2 chiếc

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 2, 29/04/2024 06:00

Hiện chỉ có 6 quốc gia sở hữu tàu ngầm hạt nhân là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh và Ấn Độ.

Tàu ngầm hạt nhân (nuclear submarine) là loại công nghệ tiên tiến vượt trội mới nhất mang tới sức mạnh cho các lực lượng quân sự toàn cầu. Trên thế giới, chỉ có 9 quốc gia phát triển vũ khí hạt nhân. Trong số này, tính đến năm 2023, chỉ có 6 quốc gia sử dụng công nghệ hạt nhân cho tàu ngầm – Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh và Ấn Độ.

Tàu ngầm hạt nhân vượt trội về mặt công nghệ so với các tàu chạy bằng năng lượng truyền thống về nhiều mặt. Một tàu ngầm hạt nhân có thể ở dưới nước trong nhiều tháng, cho phép thực hiện các nhiệm vụ trinh sát hoặc lập kế hoạch trước khi tấn công kéo dài mà các tàu lặn khác không thể thực hiện được.

Các ước tính cho thấy rằng tàu ngầm hạt nhân có thể ở dưới nước trong 20 năm nếu không phải cung cấp nhu yếu phẩm cho thủy thủ đoàn. Điều này khiến chúng trở thành một công cụ vô giá trong các chiến dịch biển toàn cầu.

Những tàu này có thể đạt tốc độ cao hơn các tàu ngầm truyền thống, góp phần tăng thêm tiện ích của chúng trong bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào. Tuy nhiên, tàu ngầm hạt nhân thường ồn ào hơn các tàu lặn khác do lò phản ứng của tàu hoạt động liên tục.

Chúng cũng lớn hơn và kém linh hoạt hơn so với các tàu truyền thống. Do đó, hải quân sử dụng tàu ngầm hạt nhân cũng vần tiếp tục triển khai các giải pháp thay thế phi hạt nhân để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu trong nhiều trường hợp đặc biệt.

Tàu ngầm hạt nhân thực sự là một tuyệt tác kỹ thuật, nhưng luôn có một số chiếc vượt trội hơn hẳn so với những chiếc còn lại. Đây là những tàu ngầm hạt nhân ấn tượng và tiên tiến nhất được sử dụng hiện nay.

Tàu ngầm lớp Borei-A của Nga

Vào năm 2022, Hải quân Nga đã đưa một tàu ngầm lớp Borei-A mới tới Biển Trắng để bắt đầu chạy thử tại nhà máy. “Generalissimus Suvorov” là tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thế hệ thứ 4 và được đưa vào phục vụ trong Hạm đội Thái Bình Dương của Nga vào cuối năm 2022. Đây là tàu ngầm lớp Borei-A thứ 3 được giao cho Hải quân Nga, sau “Knyaz Vladimir” vào năm 2020 và “Knyaz Oleg” vào năm 2021.

Theo thông tin cập nhật từ Naval News, hồi đầu năm nay, Nga đã hạ thủy tàu ngầm tên lửa đạn đạo chiến lược “Knyaz Pozharskiy”, là chiếc thứ 5 thuộc lớp Borei-A được đóng cho Hải quân của “xứ sở Bạch dương”.

Thế giới - Top 5 tàu ngầm hạt nhân tiên tiến nhất thế giới, Mỹ góp 2 chiếc

Tàu ngầm hạt nhân lớp Borei-A Generalissimus Suvorov của Nga. Ảnh: TASS/USNI News

Lớp Borei-A là một mẫu cải tiến so với thiết kế của lớp Borei trước đó, bao gồm khả năng tàng hình nâng cao (thông qua hoạt động yên tĩnh hơn) và khả năng cơ động dưới biển sâu. Là một phần trong bộ ba hạt nhân của Nga, những tàu này thường được trang bị 16 tên lửa đạn đạo liên lục địa (SLBM) và ngư lôi 553 mm, đồng thời mang theo tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân thay vì đạn nổ truyền thống.

SLBM của tàu ngầm lớp Borei-A có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 6.200 dặm (gần 10.000 km), và các tàu cũng được trang bị khoảng 8 đầu đạn hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRV), có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc phóng nhiều đầu đạn cùng một lúc – với mỗi đầu đạn tập trung vào các mục tiêu độc lập.

Tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ

Tàu ngầm tấn công nhanh lớp Virginia là một trong số những tàu mới nhất trong kho vũ khí của Hải quân Mỹ. Hiện có 21 tàu lớp Virginia đang hoạt động. Các tàu ngầm tấn công này chạy bằng năng lượng hạt nhân và chiếc đầu tiên trong loạt tàu này tên là “Virginia” được đưa vào hoạt động năm 2004.

Những chiếc tàu ngầm này dự kiến sẽ thay thế các tàu ngầm lớp Los Angeles hiện tại đã nghỉ hưu và hoạt động mới theo kế hoạch trong những năm tới. Lợi thế khác biệt của các tàu lớp Virginia được thể hiện khi chúng thực hiện các hoạt động ngăn chặn và giám sát được tiến hành trên các tuyến hàng hải nhiều nguy cơ.

Thế giới - Top 5 tàu ngầm hạt nhân tiên tiến nhất thế giới, Mỹ góp 2 chiếc (Hình 2).

Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia của Mỹ. Ảnh: Military.com

Các tàu ngầm lớp Virginia được trang bị tên lửa Tomahawk và ngư lôi MK48 ADCAP. Các tàu này có thể đạt tốc độ trên 25 hải lý/giờ (46,3 km/h) và đặc biệt thành thạo trong việc thực hiện các hoạt động ở vùng nước nông.

Một tính năng độc đáo của những chiếc tàu ngầm này là phòng chứa ngư lôi có thể được cấu hình lại. Không gian này có thể hoạt động như một khu vực dàn quân và triển khai cho các đội hoạt động đặc biệt trong các đợt triển khai dài ngày vói khu vực đặc biệt cho phép thợ lặn ra vào tàu mà tàu không cần phải nổi lên.

Tàu ngầm lớp Vanguard của Anh

Vương quốc Anh đã hạ thủy tàu HMS Vanguard vào năm 1993, và trong những năm kể từ đó, 4 tàu ngầm lớp Vanguard đã đóng vai trò là tàu tuần tra dưới biển chính của Hải quân Hoàng gia. Tàu ngầm lớp Vanguard được cung cấp năng lượng từ lò phản ứng hạt nhân và cung cấp các phương án tấn công bằng tên lửa đạn đạo. Những tàu này là một trong những lực lượng răn đe hạt nhân chính của Vương quốc Anh và do đó được trang bị đầu đạn hạt nhân.

Thế giới - Top 5 tàu ngầm hạt nhân tiên tiến nhất thế giới, Mỹ góp 2 chiếc (Hình 3).

Tàu ngầm hạt nhân lớp Vanguard của Hải quân Hoàng gia Anh. Ảnh: Seaforces

Các tàu ngầm lớp Vanguard mang theo 16 tên lửa Trident II D5 với tối đa 12 đầu đạn MIRV (kết quả là có tới 192 quả đạn hạt nhân riêng lẻ). Các tàu vận hành 4 ống phóng ngư lôi và mang theo ngư lôi Spearfish cho các yêu cầu chiến đấu dưới nước hoặc trên mặt nước. Các tàu ngầm này có thể đạt tốc độ khoảng 25 hải lý/giờ (46,3 km/h), nằm trong tiêu chuẩn cạnh tranh với các tàu ngầm hạt nhân khác đi qua độ sâu của đại dương trên Trái đất.

Trong khi các tàu ngầm lớp Vanguard là một phần quan trọng trong xương sống phòng thủ của Vương quốc Anh, thì chiếc mới nhất trong số 4 chiếc tàu này được đưa vào hoạt động vào năm 1999, tức cách đây 25 năm. Chính phủ Anh đang theo đuổi việc phát triển công nghệ tàu ngầm mới và có ý định thay thế 4 tàu lớp Vanguard này bằng lớp Dreadnought mới vào những năm 2030.

Tàu ngầm lớp Barracuda của Pháp

Tàu ngầm tấn công lớp Barracuda của Hải quân Pháp lần đầu ra mắt vào năm 2022. Tàu có tên gọi “Suffren” là chiếc đầu tiên trong số 6 chiếc được đưa vào sử dụng trong những năm tới,  và có thể lặn ở độ sâu dưới 350 m trong các nhiệm vụ kéo dài 70 ngày. Con tàu này nhỏ so với những chiếc khác cùng loại (dài 99 m) và được trang bị đầy đủ công nghệ giúp thủy thủ đoàn giữ im lặng dưới nước và tấn công khi cần thiết.

Thế giới - Top 5 tàu ngầm hạt nhân tiên tiến nhất thế giới, Mỹ góp 2 chiếc (Hình 4).

Tàu ngầm hạt nhân lớp Barracuda của Pháp. Ảnh: Seaforces

Con tàu được trang bị tên lửa hành trình có thể được phóng qua ống phóng ngư lôi, ngư lôi dẫn đường bằng dây, đạn chống hạm và mìn. Con tàu cũng được trang bị khả năng hỗ trợ các nhóm hoạt động đặc biệt, với hầm trú ẩn trên boong khô tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai người bơi chiến đấu và phương tiện lặn.

Đội tàu ngầm lớp Barracuda sẽ thay thế các tàu lớp Le Triomphant của Pháp. Nhiều hệ thống vũ khí tương tự như thế hệ trước. Với phạm vi hoạt động lớn hơn, thời hạn thực hiện nhiệm vụ là 60 ngày và hạm đội chỉ có 4 tàu, lớp Barracuda là một tài sản được cải tiến nhiều trong các hoạt động thu thập thông tin tình báo của Pháp, khả năng răn đe và tấn công phía trước.

Tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ

Tàu ngầm lớp Ohio là một lớp tàu ngầm năng lượng hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Hải quân Mỹ, bao gồm 14 tàu trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa và 4 tàu mang tên lửa hành trình. Có lượng choán nước 18.750 tấn khi chìm, tàu ngầm lớp Ohio là tàu ngầm lớn nhất từng được chế tạo cho Hải quân của “xứ cờ hoa”.

Thế giới - Top 5 tàu ngầm hạt nhân tiên tiến nhất thế giới, Mỹ góp 2 chiếc (Hình 5).

Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo liên lục địa lớp Ohio của Mỹ. Ảnh: Military.com

Là một phần trong bộ ba hạt nhân của Mỹ, các tàu ngầm lớp Ohio được thiết kế cực kỳ yên tĩnh, trang bị vũ khí hạt nhân và tồn tại để thực hiện sứ mệnh của mình bằng mọi giá. Chúng thường tuần tra trong các đợt triển khai kéo dài 70 ngày, nhưng có thể ở dưới nước bao lâu cũng được.

Những tàu này có thể đạt tốc độ trên 30 hải lý/giờ (55,6 km/h) và mang theo tới 154 tên lửa Tomahawk, cũng như vũ khí hạt nhân Trident II D-5 có tầm bắn ước tính khoảng 6.500 hải lý (12.038 km) và có tới 12 đầu đạn cho mỗi tên lửa. Các tàu ngầm này cũng có khả năng hoạt động dưới nước mạnh mẽ với ngư lôi Mk48 và 4 ống phóng ngư lôi để tấn công tàu nổi và các tàu chìm khác. 

Điều này khiến Popular Mechanics gọi tàu ngầm lớp Ohio là “loại vũ khí có sức tàn phá mạnh nhất hành tinh”.

Minh Đức (Theo SlashGear, Popular Mechanics, Naval News)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.