Tập đoàn Toshiba (Nhật Bản) cho biết, ít nhất phải đến cuối năm 2022 họ mới có thể đáp ứng nhu cầu về chip điều chỉnh năng lượng. Đây là cảnh báo mới nhất của Toshiba dành cho các nhà sản xuất ô tô, hàng điện tử tiêu dùng và máy công nghiệp. Tất cả đều đang vận lộn với tình trạng thiếu hụt linh kiện.
“Nguồn cung chip sẽ vẫn rất khan hiếm cho đến ít nhất là tháng Chín năm sau”, Takeshi Kamebuchi, Giám đốc phụ trách mảng bán dẫn tại một số đơn vị của Toshiba, cho biết.
“Trong một số trường hợp, phải đến tận năm 2023 chúng tôi mới có thể phục vụ đầy đủ cho khách hàng”.
Tình trạng thiếu nguyên liệu và nhu cầu vượt quá công suất đầu ra là nguyên nhân khiến Toshiba không thể đáp ứng các đơn đặt hàng về loại linh kiện phổ thông (không yêu cầu công nghệ sản xuất tiên tiến và thường được coi là hàng hóa), theo Kamebuchi.
Chip điều chỉnh năng lượng của Toshiba có giá thành thấp hơn so với các sản phẩm như bộ nhớ và cảm biến được sản xuất với tiến bộ công nghệ mới nhất. Tuy nhiên, loại chip này lại không kém phần quan trọng đối với bất kỳ thiết bị điện tử nào.
Nếu bộ xử lý là "bộ não" của thiết bị, thì chip silicon điều chỉnh năng lượng và mạch điện đóng vai trò như là "quả tim" và hệ thống mạch máu, giúp truyền tải điện một cách trơn tru.
Toshiba có kế hoạch đầu tư 60 tỷ yên (545 triệu USD) trong ba năm, từ nay đến tháng 3/2024 để tăng sản lượng thiết bị bán dẫn điều chỉnh năng lượng, Kamebuchi cho biết. Bên cạnh đó, Toshiba cũng có thể sẽ đầu tư xây dựng một nhà máy khác.
Mặc dù một số nhà đầu tư lo ngại rằng nhu cầu chip sẽ biến mất do tác động của đại dịch lên ngành công nghiệp điện tử, nhưng Kamebuchi cho biết, Toshiba tự tin rằng các đơn đặt hàng sẽ tiếp tục tăng nhanh, đủ để tập đoàn này thanh lý toàn bộ dây chuyền sản xuất của mình trong những năm tới.
Các nhà sản xuất ô tô như Toyota (Nhật Bản) và Volkswagen (Đức) đã phải tạm dừng sản xuất hoặc giảm sản lượng do tình trạng thiếu chip trên diện rộng.
Kamebuchi cho biết, một số nhà sản xuất chip đang ưu tiên các hãng sản xuất ô tô, và Toshiba cũng đang nỗ lực để giảm thiểu tác động lên dây chuyền lắp ráp ô tô.
“Chúng tôi thường nhận được đơn đặt hàng trước hàng tuần và hàng tháng. Nhưng giờ chúng tôi đang phải xử lý các đơn hàng đã đặt trước cả nửa năm trời hoặc lâu hơn”, Kamebuchi nói. “Những hợp đồng dài hạn chồng chất như thế này là điều mới mẻ đối với chúng tôi”.
Kamebuchi cho biết Toshiba phải tổ chức họp hàng ngày để thảo luận về cách tốt nhất để phân bổ sản lượng hạn chế của công ty. Toshiba cũng thừa nhận họ sẽ phải xin lỗi một số khách hàng vì không thể giao hàng đúng hạn.
“Chúng tôi xem xét khách hàng nào phải đối mặt với tình huống nghiêm trọng nhất, chẳng hạn như rủi ro toàn bộ dây chuyền sản xuất ngừng hoạt động hoặc doanh nghiệp bị xóa sổ nếu không có chip”, ông nói.
Minh Đức (Theo Bloomberg)