Bức thư của nhà báo Nguyễn Thanh Liêm, được báo Dân trí đăng tải đã phần nào giúp sinh viên các trường dân lập lấy lại niềm tin, và cũng khẳng định rằng học dân lập không có nghĩa là không thể thành công.
Năm 1998, tôi bước vào giảng đường đại học dân lập với bao trăn trở. Gia đình nghèo khó, bố là thương binh 2/4, mẹ làm ruộng, ngày đầu nhận giấy báo trúng tuyển mà niềm vui chỉ thoáng qua vì đây đó không ít người dị nghị: “học dốt mới phải vào dân lập...”
Tôi đã mất nhiều đêm không ngủ. Cuối cùng, cha tôi - một thương binh luôn hết lòng vì việc học hành của con cái quyết định hi sinh phấn đấu để động viên tôi đến trường. Và hôm nay trường kỷ niệm 15 năm thành lập, cũng là ngày 13 năm trước, từ làng quê tôi ngơ ngác đến đây, nhìn từng ô cửa sổ của ngôi trường mới, rồi nhủ những ô cửa kia liệu có mở ra cho mình một tương lai tươi sáng?
Nhà nghèo, tôi đã phải vừa học, vừa làm thêm ngay tại ngôi trường này với mức thù lao 200.000 đồng/tháng. Trải qua nhiều cương vị, nhiều thăng trầm, nhiều doanh nghiệp, cơ quan khác nhau, tôi dần trưởng thành. Nhớ ngày đầu nhận mức lương 40.000.000 triệu đồng/tháng – một mức lương cũng chưa phải là quá cao so với những người thành đạt trong xã hội và tôi nói ra điều này không phải để khoe mẽ gì mà muốn nói lên một cảm xúc rất thực của mình, tôi đã rất xúc động vì tuy mình mới chỉ học qua một trường đại học dân lập nhưng sự cống hiến, nỗ lực, học hỏi của mình đã được ghi nhận như nhiều bạn bè, đồng nghiệp cùng cơ quan tốt nghiệp ở các trường đại học lớn khác.
Tôi rất xúc động vì từ chỗ còn tự ti, mặc cảm với tấm bằng dân lập, những kiến thức nhà trường trang bị cộng với sự vươn lên học hỏi không ngừng đã là hành trang quý giá giúp tôi vững bước, để khi gặp nhà tuyển dụng tôi tự hào được giới thiệu mình đã“Tốt nghiệp Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội, nay là Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội”.
Tôi còn nhớ ngày khai giảng năm 1998, Giáo sư Kinh tế Trần Phương, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, lúc đó là Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng Nhà trường đã căn dặn “các em hãy trở thành nhà kinh tế thực hành”. Lời căn dặn ấy theo suốt quá trình học tập và phấn đấu trong công việc của tôi đến ngày hôm nay, là kim chỉ nam cho con đường sự nghiệp của mình.
Tác giả bài viết chụp hình lưu niệm với GS Hiệu trưởng Trần Phương tại buổi giao lưu sinh viên thủ đô Hà Nội với doanh nhân. |
Ngay năm học đầu tiên, từ cậu sinh viên xuất thân vùng nông thôn, không có người thân, bạn bè ở thủ đô, ngoài thời gian lên lớp, tôi mạnh dạn chủ động tham gia các hoạt động ngoại khóa của lớp, trường và không bỏ qua bất cứ cơ hội nào mà nhà trường tạo ra cho các sinh viên. Thông qua các cuộc hội thảo “cơ hội việc làm, giao lưu sinh viên với Giám đốc doanh nghiệp, kinh nghiệm phỏng vấn xin việc…” tôi đã biết đến Phòng Việc làm Sinh viên (VLSV) của Trường. Qua những hoạt động này tôi đã hiểu biết được rất nhiều kinh nghiệm ứng dụng cho việc học tập của mình và hiểu biết rõ hơn về nhiệm vụ của Phòng VLSV. Chính vì vậy, dù mới chỉ là sinh viên năm thứ nhất, tôi đã biết đặt mục tiêu đầu tiên được đi làm ở Phòng Việc làm sinh viên ngoài thời gian học tập của mình.
Thế rồi mục tiêu đó được trở thành hiện thực khi tôi đến gặp bác Trưởng phòng VLSV và được nhận vào làm việc với mức phụ cấp 200.000 đồng/ tháng do chính nhà trường trả cho tôi ngay từ năm học đầu tiên. Tại đây, tôi được làm nhân viên văn phòng, ngoài việc được dạy dỗ làm công tác hành chính văn phòng, tôi được cơ hội tiếp cận trực tiếp với những nhà tuyển dụng, biết họ có nhu cầu gì, kinh nghiệm tuyển dụng vào công ty họ như thế nào, tự bản thân tôi chủ động tham mưu đề xuất xây dựng chương trình, tổ chức các sự kiện giao lưu tư vấn việc làm…
Những cơ hội này đã giúp tôi bước đầu trở thành “một sinh viên kinh tế có kinh nghiệm thực hành”, học được kinh nghiệm là một nhân viên văn phòng cần phải làm những công việc gì? Các bước tiếp cận, giao tiếp với những đối tác như thế nào? Làm thế nào có được một hợp đồng thành công với đối tác? Kinh nghiệm tổ chức một sự kiện quy mô lớn? Ứng dụng tin học, sử dụng Internet vào công việc hiệu quả…
Tôi có một kinh nghiệm xuyên suốt quá trình tự lập của tôi đến ngày hôm nay: “Hãy chủ động xây dựng kế hoạch công việc, tương lai của mình, không chờ đợi lãnh đạo phân việc hoặc ban phát cơ hội cho mình mà hãy chủ động nắm lấy bất cứ cơ hội nào đến với mình, luôn giữ vững lập trường là phải phấn đấu trở thành người đứng đầu ở bất cứ công việc nào”
Ngay sau khi tốt nghiệp ra trường năm 2002 với tấm bằng Cử nhân Tin học, tôi lựa chọn cho mình công việc quản lý phần mềm quản lý nhân sự - Phòng Nhân sự và Đào tạo Công ty Công nghệ Việt Mỹ với 1000 nhân viên (khi đó). Sau 15 ngày làm việc, ngài Giám đốc Nhân sự triệu tập tôi và đưa ra câu hỏi bất ngờ “cháu có muốn trở thành lãnh đạo không?”.
Với kim chỉ nam đã đặt ra và lời căn dặn của Giáo sư Hiệu trưởng “các em hãy trở thành nhà kinh tế thực hành” tôi đã không khó khăn để trả lời được câu hỏi đó. Tôi đã nhận lời làm Phụ trách Phòng Nhân sự và Đào tạo, sau 6 tháng được bổ nhiệm chức vụ Trưởng Phòng Nhân sự và Đào tạo, trực tiếp quản lý, chỉ đạo 20 nhân viên dưới quyền làm công tác nhân sự và đào tạo trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đồng thời quản lý, phát triển công tác nhân sự và đào tạo cho công ty gần 4000 nhân viên.
Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho tôi từ khi ra trường cho đến ngày hôm nay “Tại sao tốt nghiệp cử nhân tin học lại làm Trưởng phòng Nhân sự và Đào tạo? Tại sao lại được đảm nhiệm vị trí Trợ lý cho Chủ tịch Tập đoàn có tiếng trên thị trường chứng khoán Việt Nam? Tại sao không học báo chí mà lại làm “nhà báo”, giám đốc Kênh truyền hình VTC5 của Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC? Tại sao lại được là thành viên đoàn tùy tùng tháp tùng Thủ tướng và Chủ tịch Nước đi thăm các nước? Phải chăng không phải đi lên bằng năng lực bản thân mà có người đỡ đầu?...”
Tôi tự hào chia sẻ với mọi người rằng được đảm nhiệm vị trí Trưởng Phòng Nhân sự và Đào tạo là vì may mắn cơ hội đến và tôi nắm bắt ngay cơ hội, tự tin khẳng định khả năng của mình đảm nhiệm vị trí công việc. Được đảm nhiệm vị trí Trợ lý Chủ tịch Tập đoàn và giờ đây làm Giám đốc Kênh truyền hình là vì tôi đã được trải nghiệm công việc quản lý, tôi biết ứng dụng học một nghề làm nhiều nghề, biết tự tạo lên cơ hội cho mình và chủ động sáng tạo, học hỏi kinh nghiệm, không dấu dốt khi mình không được học chuyên môn để chúng ta đạt được thành công trong công việc mình không được học “chăm tìm hiểu, chăm học hỏi, miệt mài làm việc, tự khẳng định năng lực bản thân”.
Người đứng đầu tập đoàn kinh tế lớn này từng học đại học rất giỏi, tốt nghiệp một trường đại học lớn nhưng chị luôn biết dùng người, biết đánh giá đúng năng lực của cấp dưới thông qua thực tiễn sinh động chứ không phải chỉ dựa vào bằng cấp. Thành công của tôi ngoài sự nỗ lực cá nhân còn có phần quan trọng chính nhờ sự nhìn nhận của người đứng đầu.
Còn việc trở thành nhà báo thì có lẽ chính từ tư duy luôn gắn bó với thực tiễn sôi động, với thực hành, thực tế mà tôi học từ nhà trường nghành Cử nhân Tin học với đề án Xây dựng Website Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội đã giúp tôi tiếp cận, đam mê truyền thông và học hỏi kinh nghiệm từ các nhà báo đàn anh. Hóa ra trong nghề báo, có rất nhiều những người học đại học kinh tế và đó là hành trang quan trọng để họ thành công. Tôi thực sự biết ơn các thầy cô yêu kính của tôi, mái trường còn non trẻ này đã thực sự là con tàu vững chãi để chúng tôi ra đại dương, đương đầu với những thử thách.
Giờ đây, để trả lời câu hỏi đó, tôi xin phép được chia sẻ với các bạn sinh viên đang theo học, sắp tốt nghiệp Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thân yêu rằng: “Sứ mệnh của trường chúng ta là đào tạo để trở thành nhà kinh tế thực hành, học một nghề biết nhiều nghề, phải biết ứng dụng linh hoạt kiến thức học tập vào thực tiễn công việc, trở thành những lãnh đạo chủ chốt của các doanh nghiệp, chủ động tìm các cơ hội học tập cho mình để bổ trợ kiến thức chuyên môn cho công việc mình đang làm để đạt hiệu quả cao nhất cho tổ chức”.
Tôi cũng từng bất ngờ và ngạc nhiên khi có những tờ báo viết câu chuyện về mình: Chàng trai "xin một trăm, tặng tiền… tỷ" đăng trên Báo Quân đội Nhân dân hay Khát vọng làm từ thiện đăng trên Báo An ninh Thủ đô. Đọc lại các bài viết đó, chính tôi cũng tự đặt câu hỏi vì lý do gì một sinh viên “dân lập” nghèo như tôi cũng có thể làm được từ thiện và các hoạt động xã hội nhiều ý nghĩa cho cộng đồng.
Có lẽ tôi là trong những cựu sinh viên hiếm hoi có cơ hội trong 4 năm học tập tại trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội được nhận học bổng sinh viên con thương bình nghèo vượt khó học giỏi do Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam trao duy nhất cho Trường ta là sinh viên đại học, còn đối tượng chủ yếu của quỹ là trẻ em.
Mỗi năm nhận học bổng của Quỹ chứng kiến những cảnh đời bất hạnh, những em nhỏ mồ côi cha, mẹ, những trẻ em khuyết tật, tật nguyền nhiễm chất độc màu da cam vượt lên số phận, tôi thấy mình may mắn hơn các em gấp ngàn lần vì được là sinh viên đại học, lành lặn hơn các em, dù gia đình nghèo những vẫn còn sung sướng hơn các em. Điều này đã thôi thúc tôi phải học tập tốt hơn nữa, ra trường có công việc thì hãy nghĩ cho mình cái tâm sáng, phải có đạo lý uống nước nhớ nguồn, trong làm việc cũng vậy, hãy nghĩ việc lớn hơn không vì quyền lợi trước mắt.
Trên cương vị là một cựu sinh viên của trường, tôi đã và đang đảm nhiệm các cương vị công tác quản lý. Tôi xin được chia sẻ với các bạn sinh viên của mình như sau:
- Đối với các bạn đang ngồi trên ghế nhà trường học tập thì hãy chủ động không nên học thụ động, chủ động phản biện với thầy cô giáo, chủ động tham gia các hoạt động ngoại khóa của lớp, của trường, chủ động tìm cơ hội công việc nào đó để giúp cho việc học tập ứng dụng với thực hành của mình. Không từ bỏ cơ hội nào nếu cơ hội đó cho mình được trải nghiệm, dấn thân thấm đẫm thực tiễn.
- Đối với các bạn sinh viên sắp tốt nghiệp ra trường các bạn hãy chủ động định hình cho công việc của mình sắp tới 1 năm (kinh nghiệm của tôi là không nên tham lam nghĩ quá xa 5 năm, dễ làm cho mình bị loãng thông tin khi chúng ta mới vừa tốt nghiệp), mơ ước trở thành người lãnh đạo lĩnh vực nào? Mình thích công việc nào nhất? Kiến thức chuyên môn của mình hiện nay đang ở vị trí nào? Từ định hình này chúng ta đi tìm kiếm cơ hội cho mình qua các kênh thông tin: ở trường, qua thầy cô giáo, qua bạn bè, qua người thân, qua báo chí, qua mạng Internet và điều đặc biệt hãy vào các trang Website của các công ty, doanh nghiệp mình đang muốn làm, chủ động gọi điện thoại, gửi email với các phòng tuyển dụng nhân sự. Tôi khuyên các bạn hãy chủ động, không nên chờ đợi nhà tuyển dụng tìm đến. Điều đáng lưu ý “Hãy làm công việc nào mình yêu thích nhất”.
- Khi đã làm việc thì đặt mục tiêu phấn đấu cho mình là làm việc với cái tâm của mình, yêu thích, say mê công việc, không từ chối bất cứ cơ hội công việc nào, hãy sáng tạo, tự tạo ra cơ hội cho mình và hãy nghĩ với tư duy lớn, làm công việc lớn, tạo ra của cải, giúp được cho nhiều người, cho cộng đồng và xã hội.
Nhưng…Tuổi trẻ còn phải chơi chứ? Phải giao lưu chứ? Phải…biết nhiều thứ chứ? Câu trả lời của tôi là:
- Hãy dấn thân vào việc trải nghiệm nghề nghiệp, ở đó cũng có nhiều điều hứng thú, ta chơi trí tuệ hơn, ta giao lưu lịch thiệp hơn và biết nhiều thứ trong dấn thân trải nghiệm.Thực tiễn luôn là tiêu chuẩn, là thước đo chân lý nhưng thực tiễn chỉ có thể là hành trang quý giá của mỗi người khi bạn dám nhảy vào thực tiễn, dám đương đầu với thử thách như Bác Hồ từng căn dặn: Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công!
Xin cám ơn các thầy cô, cám ơn các bạn đã lắng nghe những tâm sự có phần “dông dài” này của tôi!
Nghiên cứu sinh, Nhà báo Nguyễn Thanh Liêm
(Giám đốc Kênh truyền hình VTC5 Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC)
Bảo Bình