Nhiều tiêu cực, hạn chế
Ngày 18/12, nói về việc thời gian qua trên địa bàn TP Đà Nẵng xuất hiện loại hình tour du lịch "0 đồng" nhưng cơ quan chức năng chưa quản lý hữu hiệu, từ đó, gây ra nhiều hệ lụy như hoạt động lữ hành trái phép, hướng dẫn viên du lịch chui, thất thu thuế..., ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, tour giá rẻ đã khá phổ biến trên thế giới, là một thực tế, tồn tại của cơ chế thị trường.
Theo vị này, loại hình tour này có tích cực là tăng lượng khách đến cho thành phố, góp phần giải quyết thêm việc làm, giải quyết dịch vụ. Tuy nhiên, mặt tiêu cực là tour phụ thuộc nhiều vào việc phải đưa khách đến các trung tâm mua sắm, các dịch vụ để bù lại. Từ đó, xuất hiện tình trạng bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, kém chất lượng... Nếu không làm tốt thì sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của điểm đến.
Vị Giám đốc sở Du lịch cũng thông tin, thời gian qua, liên ngành địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt, đặc biệt là giám sát kiểm tra hoạt động trái pháp luật của người nước ngoài lưu trú, tạm trú trên địa bàn. Thanh tra bộ TT,VH-DL đã thanh tra 31 đơn vị lữ hành, trong số này, đã tước giấy phép 2 đơn vị, phạt 10 đơn vị. Liên ngành TP Đà Nẵng đã xử phạt 38 người nước ngoài hướng dẫn du lịch trái phép với số tiền 687 triệu đồng; phạt 43 trường hợp là người Việt Nam vi phạm hướng dẫn du lịch; kiểm tra 18 cơ sở, phạt 2 cơ sở 472 triệu đồng vì không chấp hành quản lý ngoại hối; giám sát đưa và kê khai thuế 44 doanh nghiệp...
"Thậm chí, thời gian gần đây còn phát sinh tình trạng bằng cấp giả trong hồ sơ xin cấp thẻ hướng dẫn viên. Chúng tôi đã xử phạt 17 trường hợp, chuyển công an khởi tố 2 trường hợp", ông Vinh nói.
Ngoài theo dõi, xử phạt, theo vị Giám đốc sở Du lịch TP Đà Nẵng, cơ quan chức năng cũng đã vận động các xe vận chuyển lắp đặt camera trên xe; xây dựng bài thuyết minh chuẩn dịch sang 2 thứ tiếng Trung Quốc và Hàn Quốc để tránh việc thuyết minh sai về lịch sử, văn hóa; đề nghị các đơn vị lữ hành, các đối tượng nước ngoài hoạt động đúng pháp luật Việt Nam như khuyến cáo không được thanh toán, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài.
"Sắp tới chúng tôi sẽ khảo sát điều tra các hướng dẫn lữ hành, hướng dẫn viên để đưa vào kê khai giá dịch vụ lữ hành, tăng cường kiểm soát việc lên doanh thu, nộp thuế của các đơn vị cung cấp dịch vụ, điểm mua sắm, đơn vị lữ hành. Quan trọng là chống thất thu thuế, kiểm soát hoạt động thanh toán giao dịch", vị này nói thêm.
"Khó" về pháp lý?
Nói về những băn khoăn trong pháp lý để giải quyết những hệ lụy mà tour "0 đồng" gây ra, ông Vinh cho rằng, luật Du lịch đã ban hành đầu năm 2018, nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định để thay đổi Nghị định 158 xử phạt các hành vi này. Đây là một cái khó khăn, tuy nhiên, sở Du lịch TP Đà Nẵng sẽ vẫn ứng dụng Nghị định 159 cũ và kết hợp với liên ngành để xử lý.
"Nghị định cũ xử phạt lữ hành chỉ tước giấy phép, không phạt tiền là không ăn thua. Mà thủ tục cấp phép rất dễ, họ lập một lúc 3-4 công ty, mình xử lý công ty này thì họ sang công ty khác. Chúng tôi đang kiến nghị, tới đây Chính phủ sẽ ban hành là không chỉ tước giấy phép mà sẽ phạt tiền rất lớn, từ 80 - 100 triệu đồng. Như vậy mới đủ sức răn đe", ông Vinh nói,
Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Do đó, cần có những giải pháp đột phá, tận dụng lợi thế núi, sông, biển, đồng bằng, huy động các nguồn lực phát triển.
"Chúng ta phải thấy những cái bất cập để sửa chữa... Thanh tra, kiểm tra xử phạt nghiêm. Cần phải phạt sao cho họ sợ, phạt như ở Singapore ấy, ăn cây kẹo cao su cũng sợ, khạc nhổ tí cũng sợ... Phải làm sao cho mất ông "0 đồng" họ sợ, chứ họ chưa sợ. Phạt làm sao cho tới mức thấy TP Đà Nẵng là không có tour "0 đồng", không dám luồn lách. Chúng ta mạnh dạn làm cái này đi. Ta có công an, ngành thuế, công thương... phối hợp chặt chẽ với nhau làm. Tôi cho làm cái này là sẽ ổn thôi", ông Trung nhấn mạnh.