Nghiên cứu sản phẩm du lịch mới
Đầu tháng 6/2023, Sở Du lịch Tp.HCM tiếp tục nghiên cứu đề xuất phương án tổ chức chương trình tham quan trụ sở UBND Tp.HCM sau dịp lễ 30/4 – 1/5.
Phương án 1, Tp.HCM sẽ mở thêm 3 đợt tham quan trụ sở UBND Tp.HCM từ nay đến cuối năm vào các ngày lễ trọng đại, chào mừng năm mới. Mỗi đợt tham quan sẽ được tổ chức vào 2 ngày cuối tuần, bắt đầu từ 8h đến 14h và mỗi đoàn tham quan sẽ cách nhau 15 phút.
Đợt tham quan đầu tiên là dịp kỷ niệm địa phương chính thức mang tên Tp.Hồ Chí Minh (ngày 2/7), tổ chức vào ngày thứ Bảy (1/7) và Chủ Nhật (2/7). Đợt tham quan tiếp theo vào dịp lễ Quốc khánh (2/9), tổ chức vào ngày thứ Bảy (2/9) và Chủ Nhật (3/9). Đợt tham quan thứ 3 được tổ chức vào dịp chào mừng năm mới 2024, được tổ chức vào ngày thứ Bảy (30/12) và Chủ Nhật (31/12).
Theo phương án 1, Tp.HCM dự kiến đón 168 đoàn khách với khoảng 5.040 khách từ nay đến cuối năm. Sở Du lịch cho rằng phương án này giúp tăng ý nghĩa của việc tham quan trụ sở UBND thành phố khi gắn với các ngày lễ trọng đại và thuận lợi trong việc điều phối lực lượng an ninh.
Tuy nhiên, hạn chế của nó là số ngày tham quan ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách, hiệu ứng kích cầu du lịch không cao.
Phương án 2, Tp.HCM sẽ mở thêm 9 đợt tham quan từ nay đến cuối năm vào các ngày kỷ niệm, ngày lễ và năm mới dương lịch. Mỗi đợt tham quan được tổ chức vào 2 ngày cuối tuần, sáng từ 8h và chiều từ 14h.
Theo đó, từ nay đến cuối năm, Tp.HCM sẽ tổ chức tham quan trụ sở UBND Tp.HCM vào các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật liền kề với các dịp kỷ niệm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6); kỷ niệm ngày thành phố chính thức mang tên Tp.HCM (2/7); kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8); kỷ niệm ngày Quốc khánh (2/9); kỷ niệm ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23/11); tuần lễ du lịch Tp.HCM (2/12); chào mừng năm mới 2024.
Đối với phương án này, trụ sở UBND Tp.HCM sẽ đón 504 đoàn với 15.120 khách tham quan. Ưu điểm của phương án này cũng là tăng thêm ý nghĩa của hoạt động tham quan gắn với các ngày lễ, hỗ trợ kích cầu du lịch.
Tuy nhiên, nó cũng có hạn chế bởi tần suất tổ chức tham quan sẽ không đều khi tháng 9, tháng 12 sẽ tổ chức 2 lần/tháng, trong khi tháng 10 không tổ chức.
Còn phương án 3, địa phương sẽ tổ chức 8 đợt tham quan định kỳ vào thứ Bảy, Chủ Nhật cuối cùng hàng tháng. Việc tham quan sẽ bắt đầu từ tháng 5 với khung giờ giống với các phương án trên. Phương án này Tp.HCM sẽ đón khoảng 13.440 du khách thuộc 448 đoàn tham quan.
Hình ảnh chính quyền thân thiện với người dân
Trao đổi với Người Đưa Tin, các doanh nghiệp lữ hành cho rằng, nếu chương trình tham quan địa điểm trụ sở UBND Tp.HCM không giới hạn số lượng thì lượng khách có thể lớn hơn thống kê lượng khách dịp 30/4 – 1/5 vừa qua. Hiện vẫn có nhiều khách đặt lịch, giữ chỗ cho tour này và đang đợi kế hoạch cho các đoàn vào tham quan từ Sở Du lịch Tp.HCM.
Bà Trần Thị Bảo Thu - Giám đốc truyền thông Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour cho hay, đoàn khách Philippines rất hào hứng khi được tham quan trụ sở HĐND - UBND Tp.HCM. Nhiều vị khách rất mê lối kiến trúc hoành tráng và độc đáo của tòa nhà này.
Còn bà Phan Yến Ly, chuyên gia thiết kế sản phẩm du lịch cho biết, trên thế giới, nhiều nước đã đưa trụ sở làm việc, cơ quan Nhà nước vào khai thác du lịch. Từ năm 2015, Chính phủ Singapore dành một phần không gian tòa thị chính City Hall để làm bảo tàng, trưng bày hiện vật, tư liệu lịch sử và các sự kiện lớn của đất nước cho khách tham quan. Hiện tại, City Hall vẫn đón tiếp lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Úc mở cửa tòa nhà Quốc hội cho khách du lịch.
Ở Việt Nam, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng cho phép người dân đến trụ sở UBND tỉnh chụp ảnh, tham gia buổi giao lưu cùng lãnh đạo UBND tỉnh trong không gian “cà phê doanh nhân”. Những địa điểm như thế này có sức hấp dẫn riêng với du khách.
Bên cạnh trụ sở HĐND - UBND Tp.HCM, địa phương còn nhiều tòa nhà có kiến trúc độc đáo có thể làm điểm tham quan. Chẳng hạn, tòa nhà hỏa xa trên đường Hàm Nghi, quận 1 hơn 100 năm tuổi với lối kiến trúc Pháp độc đáo hiện đang là trụ sở làm việc của Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn, biệt thự cổ ở số 60 Võ Văn Tần, quận 3 hay trụ sở UBND quận Bình Thạnh,...
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc truyền thông Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ du lịch TST (TST tourist), để khai thác du lịch hiệu quả các địa điểm đến này, cần lồng ghép thêm các hoạt động khác hoặc thêm các điểm đến khác vào chương trình tour.
Đại diện Phòng Văn hóa và thông tin, UBND quận 1 nhận xét, nếu du lịch Tp.HCM tạo thêm điểm nhấn với “du lịch chính quyền” như phát huy sự thành công của lần đầu mở cửa tham quan trụ sở HĐND và UBND Tp.HCM sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc của thành phố.
Không những du khách được khám phá kiến trúc của di tích kiến trúc nghệ thuật với phong cách châu Âu độc đáo như bố cục kiểu Phục Hưng, trang trí kiểu Baroque và Rococo, cửa sắt kiểu Art Nouveau… mà còn có dịp hiểu rõ hơn về chính quyền thành phố cởi mở, thân thiện, gắn kết với nhân dân.
Các điều kiện về an ninh, phòng chống dịch bệnh, giữ gìn cảnh quan và tôn trọng nơi làm việc phải được đặt ra nghiêm ngặt, theo đó, du khách sẵn sàng tuân thủ để có trải nghiệm, khám phá.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM cho biết, hiện nay, các tour tham quan công trình kiến trúc cổ của thành phố không thiếu nhưng doanh nghiệp du lịch chỉ đang khai thác đi bộ, tham quan công trình kiến trúc dọc trên các tuyến đường, ngắm nhìn bên ngoài nhưng chưa được vào bên trong công trình.
“Tham quan Trụ sở HĐND và UBND Tp.HCM là tour đầu tiên cho phép du khách vào trụ sở chính quyền đang hoạt động. Sau khi tổ chức, phía Sở Du lịch đang họp đánh giá lại toàn bộ tour. Qua đó, chúng tôi xem xét, đề xuất tiếp tục mở tour theo hình thức khác nhau để du khách được tham quan”, ông Hòa nói.
Tương lai, ngành du lịch Tp.HCM cùng các Sở, ngành liên quan, tính toán tổ chức tour, giới thiệu thêm các công trình tại địa phương. Điều quan trọng là có bộ thuyết minh diễn giải cho du khách trong quá trình tham quan.