TP. HCM bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng: "Chưa chắc đã thu hút được nhân tài"?

TP. HCM bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng: "Chưa chắc đã thu hút được nhân tài"?

Nguyễn Thành Huế

Nguyễn Thành Huế

Thứ 4, 01/11/2017 17:25

Phó Giám đốc Thường trực sở Nội vụ TP.HCM cho hay: “Nói khi TP.HCM bỏ yếu tố hộ khẩu sẽ thu hút nhân tài thì chưa thể khẳng định được. Vì một trong những năng lực của người công chức là phải am hiểu địa phương nơi mình làm việc, am hiểu từ lịch sử, con người, văn hóa…”.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Huỳnh Cách Mạng vừa ký quyết định về việc bãi bỏ văn bản liên quan đến hộ khẩu thường trú trong tuyển dụng. Theo đó, TP.HCM sẽ bãi bỏ nội dung về điều kiện tuyển dụng “có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM” tại điểm a, khoản 1, điều 5 của quy định về tuyển dụng công chức và xếp lương khi bổ nhiệm ngạch. Với quyết định này, kể từ ngày 1/11, TP.HCM sẽ bỏ yêu cầu “bản sao hộ khẩu thường trú tại TP.HCM” trong hồ sơ tuyển dụng, chuyển công tác viên chức và xếp lương khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp.

Xã hội - TP. HCM bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng: 'Chưa chắc đã thu hút được nhân tài'?

Thi tuyển công chức (ảnh minh họa)

Theo tin trên tờ Một thế giới, quyết định vừa ký cũng bãi bỏ một số quy định các văn bản trước đó từ ngày 1/11.

Cụ thể, trường hợp thí sinh đăng ký dự tuyển công chức vào những vị trí thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, nếu không có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM thì phải đáp ứng một trong những tiêu chuẩn như tốt nghiệp thủ khoa tại cơ sở đào tạo đại học trong nước; tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài hoặc có bằng tiến sĩ, tuổi đời dưới 35; có bằng thạc sĩ hoặc bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi, tuổi đời dưới 30.

Ngoài ra, TP.HCM cũng bãi bỏ quy định yêu cầu tốt nghiệp đại học với công chức phường, thị trấn, quy định ưu tiên tốt nghiệp đại học đối với công chức xã.

Trao đổi về vấn đề này trên tờ Pháp luật TP.HCM, ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Thường trực sở Nội vụ TP.HCM cho hay: “Căn cứ luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Nghị định 24, Nghị định 29 của Chính phủ về thi tuyển công chức, xét tuyển viên chức thì không có yếu tố hộ khẩu nên TP chấp hành theo quy định. Đó là chuyện bình thường”.

Ông Trung cũng cho rằng, việc bỏ hộ khẩu dự báo sẽ có những bất lợi: “Thứ nhất, sắp tới tỷ lệ chọi sẽ rất cao, vừa rồi có vị trí đến 10 người, bây giờ sẽ tăng lên nữa. Công tác tổ chức thi tuyển sẽ mất nhiều thời gian, phức tạp hơn; quy mô tổ chức kỳ thi sẽ khác, chấm thi cũng dài hơn.

Thứ hai, khi trúng tuyển vào, ứng viên đó phải qua một năm tập sự. Ứng viên từ môi trường khác đến đây làm việc phải có thời gian am hiểu thực tiễn TP.HCM, đơn vị tuyển dụng trên các lĩnh vực. Đó là khâu khó, khó cho ứng viên và khó cho cả đơn vị tuyển dụng. Một năm sau thử việc, nếu không đạt sẽ chấm dứt lao động, như vậy tốn bao nhiêu công sức thi tuyển, đào tạo. Thậm chí người này vào làm không được cũng tự nghỉ. Sau đó lặp lại một vòng thi tuyển mới, vào rồi lại nghỉ…

Còn nói khi TP.HCM bỏ yếu tố hộ khẩu sẽ thu hút nhân tài thì chưa thể khẳng định được. Vì một trong những năng lực của người công chức là phải am hiểu địa phương nơi mình làm việc, am hiểu từ lịch sử, con người, văn hóa (giao thông, ứng xử) đến am hiểu cả kinh tế-xã hội của TP.

Trước đây, khi đặt ra yêu cầu về hộ khẩu, TP.HCM ít nhiều có thể quản lý được, bây giờ thì không rõ lai lịch thì khó quản lý nổi các đối tượng ứng viên”.

Ông Trung còn cho hay: “Nhiều nơi thực tế không đặt ra yêu cầu hộ khẩu nhưng chưa thấy tuyển dụng người ở tỉnh khác”.

Thành Huế (Tổng hợp) 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.