Phát triển, ra mắt nhiều ứng dụng công nghệ thông tin để giúp F0 kết nối với đội ngũ y tế
Ngày 27/8, Tp. Hồ Chí Minh ra mắt ứng dụng “Y tế TP.HCM” nhằm thuận tiện cho việc quản lý, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người mắc Covid-19 (F0) đang cách ly tại nhà.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND Tp. Hồ Chí Minh về việc quản lý, hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà, sở Y tế, sở Thông tin và truyền thông phối hợp với Tập đoàn VNPT, Công ty cổ phần FPT, mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” triển khai ứng dụng “Y Tế TP.HCM” để kết nối với người dân là F0 cách ly tại nhà.
Các F0 hoặc người nhà F0 có thể tải và cài đặt ứng dụng này về điện thoại thông minh thông từ App Store hoặc Google Play để có thể cập nhật tình trạng sức khỏe hằng ngày và khi cần có thể liên hệ với đội ngũ y tế, đội phản ứng nhanh địa phương để được hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
Để cài đặt, người dùng mở ứng dụng “Y Tế TP.HCM” (sau khi đã tải về điện thoại thông minh), chọn chức năng “Đăng ký” (với người sử dụng lần 1), hoặc “Khai báo” tại phần “Đăng ký thông tin và nhận hỗ trợ gói chăm sóc y tế dành cho F0 cách ly tại nhà”. Tiếp theo, người dùng chọn “Theo dõi sức khỏe tại nhà” và thực hiện các bước tiếp theo theo hướng dẫn.
Khi khai báo, người dùng cần cung cấp chính xác địa chỉ nơi ở, số điện thoại để khi cần thiết, lực lượng y tế, hoặc đội phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn có thể tiếp cận F0 một cách nhanh nhất.
Trên ứng dụng “Y Tế TP.HCM” cũng có mục “Tổ phản ứng nhanh”. Người dùng khi cần có thể bấm vào mục này để tra cứu số điện thoại của tổ phản ứng nhanh nơi mình sống và bấm điện thoại gọi trực tiếp cho tổ này khi gặp trường hợp cấp thiết.
Ngoài ra, người dân có thể gọi trực tiếp đến tổng đài 1022, bấm nhánh số 3 để được tư vấn sức khỏe của Hội Y học Tp. Hồ Chí Minh và nhánh số 4 để được tư vấn sức khỏe của “mạng lưới bác sĩ đồng hành”.
Trong trường hợp F0 cách ly tại nhà không sử dụng hoặc không thể sử dụng điện thoại thông minh, người chăm sóc F0 có thể thực hiện khai báo hộ trên ứng dụng “Y Tế TP.HCM”, gọi điện tới cán bộ trạm y tế để được hỗ trợ.
Trước đó, Tp. Hồ Chí Minh cũng đã ra mắt ứng dụng “Oxy 247”, nhằm cung cấp thông tin các bệnh viện còn giường oxy và máy thở phục vụ các tình huống khẩn cấp.
Người dùng có thể vào địa chỉ https://oxy.tphcm.gov.vn để tài ứng dụng và hướng dẫn cài đặt ứng dụng “Oxy 247”. Thông qua app này, cơ quan y tế tìm nhanh chóng bệnh viện còn giường oxy và máy thở để kịp thời liên hệ, phục vụ các tình huống khẩn cấp cần cấp cứu bệnh nhân.
Đồng thời, app “Oxy 247” còn hỗ trợ thông tin giúp các cơ quan phòng chống dịch điều phối các nguồn oxy hiệu quả.
Không được tuồn thuốc kháng virus Molnupiravir bán ra thị trường
Trưa 27/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp. Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, hiện các bệnh viện đang điều trị 37.993 bệnh nhân, trong đó có 2.321 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.697 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Số ca F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 62.904 người, trong đó có 39.245 ca F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 23.659 ca F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số ca F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 15.854 người.
Để giảm tải cho các cơ sở điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, các F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ được cách ly, chăm sóc y tế tại nhà.
Bên cạnh áp dụng điều trị, chăm sóc cho các F0 được sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh hướng dẫn tại gói thuốc A (những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng) và gói thuốc B (những thuốc sử dụng hạn chế trong một số tình huống đặc biệt bao gồm thuốc kháng viêm và thuốc kháng đông), sở Y tế Thành phố còn ban hành hướng dẫn điều trị F0 tại gói thuốc C, là thuốc kháng virus Molnupiravir.
Theo đó, bắt đầu từ hôm nay (27/8), 16.000 liều thuốc kháng virus Molnupiravir đã được sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh thông qua nhiều hình thức đã chuyển xuống các quận huyện điều trị F0 vừa và nhẹ đang cách ly tại nhà.
Thuốc kháng virus Molnupiravir chỉ định dùng cho các trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ (không sử dụng cho người không triệu chứng) và được kiểm soát đặc biệt, được bộ Y tế cung cấp trong chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát.
Theo hướng dẫn của sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh, mỗi ngày F0 sẽ uống 2 lần thuốc Molnupiravir (thuốc dạng viên, có hàm lượng 200mg/viên hoặc 400mg/viên) và kéo dài trong 5 ngày liên tục.
Thuốc kháng virus Molnupiravir không dùng đồng thời với thuốc thuốc kháng viêm hoặc kháng đông, nghĩa là nếu F0 cách ly tại nhà phải dùng thuốc kháng viêm hoặc kháng đông thì ngưng dùng thuốc Molnupiravir.
Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh đề nghị các trung tâm y tế quận, huyện và Tp. Thủ Đức sau khi tiếp nhận thuốc kháng virus Molnupiravir phải cấp phát đến các F0 cách ly tại nhà, đảm bảo đúng đối tượng. Đặc biệt nghiêm cấm việc tuồn thuốc ra thị trường buôn bán bất hợp pháp, vì đây là thuốc nằm trong diện kiểm soát đặc biệt của bộ Y tế.
Theo HDCD, về công tác tiêm vắc-xin, tính đến hết ngày 26/8, tổng số liều vắc-xin đã tiêm tại Tp. Hồ Chí Minh là 5.627.728, trong đó tổng số mũi 1 là 5.390.903, mũi 2 là 236.825. Về công tác xét nghiệm, Tp. Hồ Chí Minh đang tiến hành xét nghiệm cho khoảng 2 triệu người tại vùng có nguy cơ cao và vùng nguy cơ rất cao về dịch bệnh Covid-19,
Với việc tăng cường xét nghiệm để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, Tp. Hồ Chí Minh dự báo số F0 sẽ tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, người dân cần hết sức bình tĩnh vì điều này nằm trong kịch bản ứng phó của ngành y tế. Tp. Hồ Chí Minh kêu gọi người dân thực hiện triệt để khuyến cáo 5K của bộ Y tế, tuân thủ các quy định tại Chỉ thị 11 của UBND Tp. Hồ Chí Minh và Chỉ thị 16 của Chính phủ, đồng hành cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh.