Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - HoSE: TPB) vừa thông báo được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho góp vốn, mua cổ phần để mua lại CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC) với số tiền tối đa 125 tỷ đồng.
Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của TPBank đã thông qua chủ trương góp vốn, mua cổ phần để mua lại công ty con hoạt động trong lĩnh vực quản lý quỹ.
Theo TPBank, việc mua lại công ty quản lý quỹ nằm trong chiến lược phát triển của nhà băng giai đoạn 2023 – 2028 và tầm nhìn đến 2035, hướng tới mục tiêu trở thành tập đoàn tài chính hiện đại có độ bao phủ ở các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán;
Dịch vụ trung gian thanh toán, cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng trên nền tảng công nghệ hiện đại, tiên tiến, đem đến những lợi ích và trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
TPBank có trách nhiệm thực hiện các thủ tục góp vốn, mua cổ phần của VFC theo quy định pháp luật, trong đó, nhà băng cần đảm bảo tuân thủ quy định về tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động, giá trị thự của vốn điều lệ trước và tại thời điểm hoàn tất việc góp vốn mua cổ phần theo chấp thuận của NHNN.
Trong thời hạn 12 tháng kể từ khi được chấp thuận, TPBank phải hoàn tất việc góp vốn, mua cổ phần vào VFC.
CTCP Quản lý quỹ Việt Cát được thành lập từ năm 2008 với vốn điều lệ là 25 tỷ đồng. VFC cung cấp dịch vụ quản lý quỹ và dịch vụ danh mục đầu tư theo yêu cầu cụ thể cho các khách hàng có nhu cầu đầu tư riêng biệt.
Tổng Giám đốc của Quản lý quỹ Việt Cát hiện tại là bà Võ Anh Tú - cử nhân kinh tế của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thạc sỹ Khoa học về Kinh doanh Quốc tế của trường Đại học Maastricht (Hà Lan)
Với 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành Tài chính - Ngân hàng tại các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ lớn như Chứng khoán VNDirect, Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI, và đã nhiều năm đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán An Bình.
Bà còn là thành viên HĐQT của một số công ty trong các lĩnh vực điện tử, tin học, và xây dựng: CTCP Viettronics Đống Đa, CTCP Công trình Viettronics.
Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý III/2023, VFC ghi nhận doanh thu thuần đạt 184 triệu đồng, bay hơi 89% so với khoản doanh thu 1,7 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của VFC bật tăng từ 5 triệu đồng trong quý III/2022 lên gần 1,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng mạnh từ 61.200 đồng lên 602 triệu đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức cao khiến công ty báo lỗ sau thuế gần 756 triệu đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, VFC ghi nhận doanh thu thuần đạt 739 triệu đồng, giảm mạnh 88% so với mức doanh thu gần 6,2 tỷ đồng năm trước. Công ty lỗ ròng sau thuế gần 2,7 tỷ đồng, đi lùi so với mức lãi 766 triệu đồng trong năm 2022.
Tổng tài sản tại ngày 30/9/2023 của VFC đạt 24,8 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với hồi đầu năm. Tại ngày này, nợ phải trả của công ty là 553 triệu đồng, ghi nhận giảm so với đầu năm và VFC cũng không sử dụng nguồn vốn vay nào.
Thu Hương