Tp.Cần Thơ tiên phong triển khai Đề án thu hút luật gia, luật sư tham gia hòa giải ở cơ sở

Thứ 5, 03/04/2025 16:33

Sở Tư pháp Cần Thơ tham mưu UBND Tp,Cần Thơ triển khai Đề án thí điểm thu hút luật gia, luật sư tham gia hòa giải cơ sở và phổ biến pháp luật, khẳng định vai trò tiên phong trong nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hỗ trợ cộng đồng.

Sáng 3/4, tại Tp.Cần Thơ, Hội nghị triển khai Đề án Thí điểm khuyến khích, thu hút thành viên Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tham gia hòa giải cơ sở và phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giai đoạn 2025 - 2030 đã diễn ra thành công.

Hội nghị do ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND Tp,Cần Thơ, Chủ tịch Hội đồng PBGDPL Thành phố chủ trì, với sự tham dự của hơn 400 đại biểu đại diện các cơ quan, ban, ngành, tổ chức cùng đông đảo luật gia, luật sư và hòa giải viên.

Đây là Đề án tiên phong trên cả nước, thể hiện sự chủ động và quyết tâm của Tp.Cần Thơ trong việc nâng cao hiệu quả công tác hòa giải và tuyên truyền pháp luật đến người dân.

Tp.Cần Thơ tiên phong triển khai Đề án thu hút luật gia, luật sư tham gia hòa giải ở cơ sở- Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị.

Thấm nhuần các Chỉ thị và Kết luận của Trung ương, đặc biệt Chỉ thị số 14-CT/TW (01/7/2022) của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam; Chỉ thị số 33-CT/TW (30/3/2009) của Ban Bí thư về tổ chức và hoạt động của luật sư; cùng Kết luận số 84-KL/TW (29/7/2020) về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp, Sở Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Hội Luật gia, Đoàn Luật sư xây dựng Đề án với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Tp.Cần Thơ tiên phong triển khai Đề án thu hút luật gia, luật sư tham gia hòa giải ở cơ sở- Ảnh 2.

Ông Lê Việt Sĩ, Giám đốc Sở Tư pháp Tp.Cần Thơ phát biểu khai mạc.

Hiện nay, Tp.Cần Thơ có 604 tổ hòa giải cơ sở với 3.977 hòa giải viên. Sau 10 năm triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác này đã đạt được những kết quả quan trọng, với tỷ lệ hòa giải thành công luôn duy trì trên 80%.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là sự chênh lệch về trình độ, kinh nghiệm và kỹ năng của hòa giải viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Việc kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải chưa được thực hiện thường xuyên.

Phần lớn hòa giải viên chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sống và uy tín trong cộng đồng, nhưng lại thiếu kiến thức pháp luật và kỹ năng chuyên môn để thực hiện hòa giải một cách bài bản. Trong quá trình hòa giải, họ thường tập trung vào việc khuyên giải, thuyết phục trên cơ sở đạo đức và truyền thống, thay vì cung cấp hướng dẫn cụ thể về các thủ tục pháp lý.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Việt Sĩ, Giám đốc Sở Tư pháp Tp.Cần Thơ, nhấn mạnh: "Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở không chỉ góp phần giảm thiểu tranh chấp trong cộng đồng mà còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và quản lý xã hội.

Vì vậy, bên cạnh lực lượng hòa giải viên cơ hữu, thực tiễn cho thấy rất cần một đội ngũ am hiểu sâu về pháp luật, có uy tín và kinh nghiệm trong công tác pháp lý, công tác hòa giải để tham gia trực tiếp hoặc tư vấn cho các hòa giải viên tại cơ sở trước, trong và sau mỗi phiên hòa giải.

Bên cạnh đó, với trình độ dân trí ngày càng cao, nhu cầu tiếp cận pháp luật của tổ chức, cá nhân để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cũng ngày càng lớn.

Do đó, việc triển khai Đề án thí điểm khuyến khích, thu hút thành viên Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tham gia công tác hòa giải ở cơ sở và phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn Thành phố, lấy đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát viên đã nghỉ hưu, hòa giải viên tại tòa án làm nòng cốt, là một bước đi cần thiết và có ý nghĩa lâu dài trong giai đoạn hiện nay".

Tp.Cần Thơ tiên phong triển khai Đề án thu hút luật gia, luật sư tham gia hòa giải ở cơ sở- Ảnh 3.

Luật gia Lê Quốc Trung, Chủ tịch Hội Luật gia Tp.Cần Thơ.

Luật gia Lê Quốc Trung, Chủ tịch Hội Luật gia Tp.Cần Thơ, đề nghị các hội viên Hội Luật gia với vai trò là thành viên tại các tổ hòa giải cần phát huy tối đa tâm huyết, kinh nghiệm và bản lĩnh nghiệp vụ của mình. Đồng thời, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Việc tham gia tích cực của đội ngũ luật gia không chỉ giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu được thông tin và tiếp cận dịch vụ pháp lý của Nhân dân, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.

Theo nội dung Đề án 09, luật gia và luật sư sẽ không chỉ tham gia hòa giải các tranh chấp liên quan đến dân sự, hôn nhân - gia đình, đất đai, mà còn trực tiếp triển khai các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật đến từng hộ dân và doanh nghiệp. Đây được xem là một giải pháp thiết thực giúp đưa pháp luật đến gần hơn với đời sống thường ngày của người dân.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND Tp.Cần Thơ, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL thành phố, nhấn mạnh: "Hội Luật gia và Đoàn Luật sư cần phát huy vai trò nòng cốt trong công tác hòa giải và quản lý hệ thống pháp luật tại cơ sở. Đây là lực lượng quan trọng, cần được huy động tối đa để nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp và phổ biến pháp luật trong cộng đồng.

Việc triển khai Đề án cần đảm bảo tính đồng thuận, thống nhất, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực. Đồng thời, phải tăng cường sự phối hợp giữa các hội, tổ chức trong công tác pháp luật, qua đó nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, hướng tới xây dựng một cộng đồng thượng tôn pháp luật".

Tp.Cần Thơ tiên phong triển khai Đề án thu hút luật gia, luật sư tham gia hòa giải ở cơ sở- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND Tp.Cần Thơ, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL.

"Đề án này là một trong những đề án đầu tiên của cả nước, vì vậy chúng ta cần tập trung thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo hiệu quả thiết thực và mang tính điển hình để nhân rộng. Trong thời gian qua, nhiều luật gia, luật sư đã tham gia tích cực vào công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết nhiều vụ việc, được nhân dân đánh giá cao.

Tôi tin rằng, với sự quyết tâm và nguồn lực hiện có hơn 30 thành viên là luật gia, luật sư giàu kinh nghiệm, tâm huyết, Đề án sẽ mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác hòa giải và phổ biến pháp luật ở cơ sở sẽ góp phần giúp người dân sống và làm việc theo pháp luật, xây dựng Tp.Cần Thơ phát triển bền vững, văn minh", Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Hè cho biết.

Tp.Cần Thơ tiên phong triển khai Đề án thu hút luật gia, luật sư tham gia hòa giải ở cơ sở- Ảnh 5.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hè đã trao hoa chúc mừng Luật gia Lê Quốc Trung, Chủ tịch Hội Luật gia Tp.Cần Thơ nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Luật gia Việt Nam (4/4/1955 – 4/4/2025).

Với quyết tâm của chính quyền Tp.Cần Thơ, sự đồng lòng của các tổ chức, cá nhân và sự tham gia tích cực của đội ngũ chuyên gia pháp luật, Đề án 09 hứa hẹn sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, PBGDPL một cách sâu rộng và hiệu quả hơn trong giai đoạn 2025 - 2030.

Hội nghị hôm nay không chỉ đánh dấu bước khởi đầu quan trọng mà còn mở ra một hướng đi mới, góp phần xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, gắn kết cộng đồng và phát triển bền vững tại Tp.Cần Thơ.

Tp.Cần Thơ tiên phong triển khai Đề án thu hút luật gia, luật sư tham gia hòa giải ở cơ sở- Ảnh 6.

Ông Lê Việt Sĩ, Giám đốc Sở Tư pháp Tp.Cần Thơ tặng cờ Lưu niệm các thành viên tham gia Đề án.

Tp.Cần Thơ tiên phong triển khai Đề án thu hút luật gia, luật sư tham gia hòa giải ở cơ sở- Ảnh 7.

Lãnh đạo Tp.Cần Thơ chụp ảnh lưu niệm cùng luật gia, luật sư tham gia Đề án.

Trần Tuấn - Mỹ Hậu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.