Video: Nước thải xé tan bờ biển TP.Đà Nẵng.
Thời gian qua, TP.Đà Nẵng liên tiếp xuất hiện tình trạng nước thải tràn cống xả ra biển. Người dân lẫn du khách tỏ ra lo ngại về nguồn nước sạch trong trường hợp xuống biển tắm. Ngoài ra, cũng vì điều này, bờ biển bị sạt lở, chia cắt… Những tình trạng này đã được báo Người Đưa Tin phản ánh nhiều lần. Tuy nhiên, đến nay, chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm.
Ngoài ra, vào cuối 2018, cơn mưa lịch sử trong thời gian ngắn gây ngập khu vực nội thành thành phố. Sau đó, việc tái ngập lại xuất hiện. Ngay sau cơn mưa này, vấn đề đặt ra là hệ thống thoát nước ở TP.Đà Nẵng không đáp ứng kịp sự phát triển của TP. Do đó, việc nâng cấp, tìm phương án “đại phẫu” để thành phố không còn gặp tình trạng tương tự là điều cần thiết.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, các cơ quan chức năng cần tập trung nguồn lực để giải quyết việc ngập úng đô thị và các khu công nghiệp, cơ bản giải quyết vấn đề môi trường liên quan đến thoát nước khu vực ven sông, ven biển, khu vực phát triển du lịch. Để thực hiện điều này, ông đã ký ban hành kế hoạch xử lý thoát nước trên địa bàn thành phố với tổng kinh phí cho các công trình, dự án lên đến hơn 3.000 tỷ đồng.
Từ nguồn ngân sách và vay vốn, ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên và ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông được bố trí 2.450 tỷ đồng để chủ trì thực hiện các công trình xử lý thoát nước khu vực ven biển phía đông quận Ngũ Hành Sơn và quận Sơn Trà. Các ban quản lý dự án cũng được giao 480 tỷ đồng để phối hợp với các ban ngành hoàn thành các công trình thoát nước, xử lý điểm ngập úng trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, năm 2019, TP.Đà Nẵng cũng triển khai sửa chữa các tuyến cống liên phường bị hư hỏng, xuống cấp với tổng kinh phí 190 tỷ đồng. TP cũng chi 85 tỷ đồng cho các dịch vụ thoát nước đô thị cũng như lên kế hoạch quản lý, thanh tra việc quản lý hạ tầng thoát nước, rà soát phương án thoát nước tạm…
Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia nhận định, TP.Đà Nẵng bạo tay chi hơn 3.000 tỷ đồng để đầu tư xử lý hệ thống thoát nước tại thời điểm hiện tại là cần thiết. Bởi, trong quá trình đô thị hóa quá nhanh, hệ thống xử lý, thoát nước tại địa phương đã bộc lộ khá nhiều hạn chế. Trong thời gian tới, sự phát triển, đô thị hóa sẽ càng nhanh, nếu hệ thống thoát nước không được nâng cấp thì tình trạng ngập, nước thải tràn ra biển sẽ còn tái diễn và nặng nề hơn.
Trong khi đó, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường TP.Đà Nẵng cũng đồng quan điểm. Ông cho rằng, ngoài việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, không gian đô thị thì điều chỉnh và bổ sung nâng cấp hạ tầng, kỹ thuật là điều cần thiết. Thành phố phải có đầu tư tương xứng và tính toán trong những tình huống đột biến nhưng vì hạn chế nguồn lực nên cần có lộ trình đầu tư.
Theo ông Hùng, điều quan trọng trước mắt là nâng cấp toàn bộ hệ thống tiêu thoát, bổ sung trạm bơm chống ngập úng và đồng bộ hóa hệ thống. Ông hy vọng, với sự đầu tư, chiến lược như hiện nay và thay thế hệ thống đường ống, đồng bộ hóa xả thải thì sẽ tạo ra chuyển biến tích cực. Ông hy vọng, đến 2020, TP.Đà Nẵng sẽ khắc phục được tình trạng nước thải, rác tràn ra biển. Ngoài ra, TP.Đà Nẵng cũng cần có những quy chuẩn riêng trong quy hoạch đô thị về việc chống ngập úng…
Mới đây, ngày 4/3, báo Người Đưa Tin cũng đã phản ánh việc UBND TP.Đà Nẵng ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề tình hình thực thi pháp luật về đấu nối, thoát nước và xử lý nước thải của các cơ sở, hộ kinh doanh khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và hộ kinh doanh tại khu vực của các phường Mỹ An, Khuê Mỹ, Phước Mỹ, An Hải Đông, An Hải Bắc thuộc lưu vực thoát nước phía đông từ cửa xả Mỹ An đến cửa xả gần khách sạn Furama là các đối tượng sẽ được kiểm tra trong đợt này.
UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả công tác theo dõi tình hình thực thi pháp luật về tài nguyên nước, thoát nước và bảo vệ môi trường để đôn đốc, yêu cầu các cơ sở, hộ dân tổ chức thực hiện. Tăng cường phối hợp, nâng cao vai trò trách nhiệm, tính chủ động của các cơ quan quản lý chuyên ngành và của chính quyền địa phương.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng kịp thời phát hiện những vi phạm, tồn tại về đấu nối, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành chính. Đồng thời, trên cơ sở dữ liệu tổng hợp, các đơn vị đề xuất giải pháp cụ thể để chủ động kiểm soát các nguồn thải vào hệ thống thoát nước TP.Đà Nẵng.
UBND TP.Đà Nẵng giao các đơn vị gồm sở Xây dựng, sở TN&MT; UBND các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn; UBND các phường: Phước Mỹ, An Hải Đông, An Hải Bắc, Mỹ An, Khuê Mỹ chủ trì thành lập các đoàn kiểm tra do các đơn vị chủ trì. Các đơn vị cập nhật cơ sở dữ liệu trong đợt kiểm tra gửi về sở TN&MT tổng hợp, báo cáo UBND TP.Đà Nẵng.