Sáng 30/7, tức ngày cách ly xã hội thứ 3 trên toàn TP.Đà Nẵng. Theo ghi nhận của PV, các cơ sở kinh doanh, buôn bán đóng cửa, các tuyến phố lớn rất ít người qua lại. Tuy nhiên, khác với 2 ngày trước, hàng trăm, hàng ngàn người đổ xô đến các cơ sở bán lương thực, thực phẩm, các siêu thị... để tích trữ lương thực, thực phẩm.
Ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp Luật tại điểm bán gạo đầu đường Tôn Đản, quận Cẩm Lệ có hàng chục người đang mua hàng. Tại đường Lê Độ, các tạp hóa luôn trong tình trạng quá tải.
Các siêu thị như Coopmart, Metro... có đến hàng ngàn người mua sắm. Các mặt hàng như rau củ quả, gạo, muối, giấy vệ sinh,... được người dân mua rất nhiều.
Tại các chợ thuộc quận Thanh Khê, mặt hàng như thịt lợn, thịt gà, thịt bò có rất đông khách mua.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, trú quận Hải Châu cho biết, khi đi mua sắm ở siêu thị Metro cảnh người mua hàng rất đông. Các quầy tính tiền đều quá tải, nhiều người phải đi tìm ghế ngồi trong lúc đợi tính tiền.
Theo tìm hiểu của PV, việc người dân TP.Đà Nẵng đổ đi mua các mặt hàng lương thực, thực phẩm,... bắt nguồn từ việc UBND TP.Đà Nẵng ban hành Công văn số 4896/UBND-KTTC ngày 29/7/2020 và Công văn số 4897/UBND-VHXH ngày 29/7/2020 về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đó, nội dung đáng chú ý là dừng việc kinh doanh hàng ăn uống, kể cả ăn uống mang về. Tuy nhiên, nhiều người dân đã hiểu chưa rõ nội dung chỉ đạo này của UBND TP.Đà Nẵng.
Trao đổi với PV, nhiều người mua hàng đều cho rằng, từ 13h ngày 30/7 các cửa hàng, chợ, siêu thị... sẽ đóng cửa hết. Do lo lắng nên họ đi mua để trích trữ hàng hóa.
Trả lời PV về vấn đề này, lãnh đạo sở Công thương TP.Đà Nẵng cho biết, UBND TP.Đà Nẵng chỉ dừng việc kinh doanh tại các cửa hàng ăn uống, giải khát kể cả bán hàng qua mạng, bán hàng mang về; thời gian thực hiện bắt đầu từ 13h ngày 30/7.
Trước việc người dân đổ xô đi trích trữ hàng hóa gây ra hiện tượng khan hiếm hàng cục bộ ở một số siêu thị, chợ, sở Công thương TP.Đà Nẵng đã có chỉ đạo, tuyên truyền.
Đơn vị này khẳng định, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hoá, các đơn vị cung cấp suất ăn, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm vẫn hoạt động bình thường.
Cùng với đó, các đơn vị này đã có kế hoạch chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hoá thiết yếu để phục vụ nhu cầu người dân chủ động, thường xuyên, liên tục với nguồn dự trữ dồi dào, phong phú, được quản lý theo chuỗi cung ứng trên toàn quốc với các tổng kho ở khu vực miền Trung, miền Bắc và miền Nam.
"Chúng tôi đề nghị công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, các Ban quản lý chợ quận, huyện có phương án sắp xếp, bố trí trong việc giao nhận, mua bán hàng hoá hợp lý, không tập trung đông người; đề nghị các tiểu thương và người dân tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.
Đặc biệt đối với chợ Đầu mối Hoà Cường, giao trách nhiệm cho Giám đốc công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với lực lượng công an, y tế và chính quyền địa phương thành lập chốt kiểm soát, tập trung kiểm tra bắt đầu thời điểm từ 2h sáng trở đi; thực hiện các biện pháp phân bổ hàng hoá, sang xe ngay khu vực bên ngoài chợ, không tập trung đông người và đề nghị tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.