Tối 19/7, TP.HCM tổ chức họp báo thường ngày về tình hình phòng chống dịch Covid-19. Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, từ 6h ngày 18/7 đến 6h ngày 19/7, TP.HCM ghi nhận 3.139 ca mắc mới.
Trong đó, 90% trong khu cách ly, phong tỏa, đa số phát hiện sau ngày thứ nhất cách ly tập trung. Vì thế, ông Tâm khẳng định “đây là diễn tiến tự nhiên của bệnh từ F1 thành F0, không có cơ sở để nói là lây nhiễm trong khu cách ly”.
TP.HCM có 32 ổ dịch đang diễn tiến, 45 ổ dịch đã ổn định. Đến nay, có 2.140 trường hợp F1 cách ly tại nhà tại 8 quận, huyện và 7 địa bàn khác đã triển khai nhưng chưa có số liệu báo cáo cụ thể. Như vậy là còn 7 quận, huyện chưa triển khai công tác này.
Về tình hình dịch bệnh tại các KCX-KCN, ngành y tế ghi nhận 6 ca dương tính mới trong khu chế xuất, khu công nghiệp gồm Linh Trung 1, Tân Bình, Vĩnh Lộc, và Lê Minh Xuân. Đây là dấu hiệu đáng mừng so với những ngày trước đây.
Bởi, do tính chất đặc thù của khu công nghiệp nên khi có ca nhiễm thường lây lan rất nhanh, từ 1 ca có thể phát hiện cả trăm ca sau đó. Nhưng trong 24 giờ qua chỉ có 6 ca nhiễm mới.
Thực hiện mục tiêu kép, đảm bảo nhân lực theo phương án 3 tại chỗ (ăn uống tại chỗ, sinh hoạt tại chỗ và sản xuất tại chỗ) hoặc "1 cung đường 2 điểm đến", TP.HCM hiện có 277 doanh nghiệp đang thực hiện tự cách ly, tự sản xuất.
Trong 2.100 doanh nghiệp tại thành phố này, hiện ghi nhận 173 công ty có ca dương tính với SARS-CoV-2.
Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, địa phương sẽ tiến hành tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người trên 65 tuổi, người nghèo, người mắc bệnh mãn tính và một số đối tượng khác trong thời gian sớm nhất, sau khi được UBND TP.HCM phê duyệt kế hoạch vừa trình lên.
Về tình trạng số ca F0, F1 tăng nhanh trong thời gian qua, TP.HCM đang tính triển khai các khu điều trị với số giường tăng lên từng ngày. Đây là kết quả của sự chuẩn bị khẩn trương từ ngành y tế, ngành xây dựng và các quận, huyện, TP.Thủ Đức.
Theo đó, TP.HCM đang có khoảng 30.000 giường điều trị Covid-19 và đang chuẩn bị dự trù đến mục tiêu 60.000 giường với kế hoạch lập thêm bệnh viện dã chiến mới tại huyện Bình Chánh.
“Tại các khu tái định cư, chúng ta còn diện tích rất rộng. Năng lực chuẩn bị là dư với khả năng của thành phố nhưng cũng không thể chủ quan vì khó có thể lường trước về diễn biến phức tạp của dịch bệnh”, ông Nam nói.
Đối với nhu cầu sử dụng máy thở cho bệnh nhân nặng, lãnh đạo sở Y tế TP.HCM khẳng định số lượng máy thở tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố là đầy đủ cho việc điều trị.
Qua thực tế tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy, khi dịch bệnh bùng phát thì nhu cầu sử dụng máy thở cho bệnh nhân nặng cũng tăng lên. Hiện nay, số lượng máy thở của ngành y tế thành phố này cơ bản đáp ứng cho tình hình điều trị F0 nặng.
Một số đơn vị như bệnh viện Nhi đồng TP.HCM hay bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 được trang bị thiết bị đầy đủ. Bên cạnh công tác mua mới, nhiều doanh nghiệp đã và đang đồng hành, tài trợ máy thở cho ngành y tế TP.HCM.
“Máy thở sẽ tập trung ở bệnh viện tuyến cuối chứ bệnh viện dã chiến là chưa cần thiết. Quan trọng ở các bệnh viện dã chiến là hệ thống bình oxi với 14 bình, mỗi bình 12 tấn. Còn có 180 bình oxi dùng chung cho các quận, huyện”, ông Nam nhấn mạnh.
Khi bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến chuyển nặng, có nhiều triệu chứng thì sẽ được chuyển lên các bệnh viện tuyến trên như bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bệnh viên Đa khoa khu vực Thủ Đức.
Mới đây, sở Y tế TP.HCM cũng được Thường trực UBND TP.HCM cho phép tổ chức mua sắm theo quy trình chỉ định thầu rút gọn.
Ông Nam nhận định rằng “luật cho phép áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp khẩn cấp”. Bởi lẽ, chỉ định cũng là một hình thức đấu thầu. Mục đích của việc này là phục vụ điều trị.
Tuy nhiên, công tác mua sắm trang thiết bị cần đúng quy định, xác định giá cả theo thông tin chính thống của bộ Y tế.
Về hiện tượng các tổ chức, cá nhân thông qua mạng xã hội kêu gọi tài trợ trang thiết bị chống dịch, đại diện sở Y tế TP.HCM bày tỏ “hoan nghênh” nhưng cho rằng việc tài trợ nên thông qua UB MTTQVN TP.HCM để chính thống phân bổ cho các đơn vị.
Công dân Hàn Quốc tử vong tại TP.HCM do dịch Covid-19
Cũng trong họp báo, Quyền Giám đốc sở Ngoại vụ TP.HCM Trần Phước Anh thông tin về 1 trường hợp công dân Hàn Quốc tử vong do dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.
Hiện tại, sở Y tế TP.HCM và bệnh viện Chợ Rẫy đang tìm hiểu chi tiết về chuyên môn. Còn về công tác đối ngoại, sở Ngoại vụ TP.HCM đã tiến hành liên hệ với cơ quan có liên quan là bệnh viện và Công an TP.HCM
“Sáng nay (19/7), chúng tôi đã có công hàm thông báo cho lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM về việc này. Đồng thời là gửi thư chia buồn với gia đình bệnh nhân và thực hiện các biện pháp xử lý cần thiết”, ông Phước Anh cho hay.