Tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, khó lường
Chiều 23/7, ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của TP.HCM tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 15 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố này theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại đầu cầu UBND TP.HCM có sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và các đồng chí ban thường vụ Thành ủy, thường trực UBND TP.HCM, lãnh đạo một số sở, ngành.
Trong khi đó, đầu cầu thành ủy TP.HCM có sự tham dự của Bí thư Nguyễn Văn Nên và Phó Bí thư thường trực Phan Văn Mãi.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, trước khi chính thức triển khai thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố, UBND TP.HCM đã xây dựng phương án và kế hoạch đối với từng ngành cụ thể với mục tiêu tận dụng hiệu quả nhất “thời gian vàng” để kiểm soát tình hình dịch bệnh, truy vết và tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Trước đó, ngày 15/7, UBND TP.HCM tổ chức sơ kết 7 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố. Qua đó thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, triển khai những biện pháp quyết liệt, phù hợp, linh hoạt hơn để đáp ứng với tình hình diễn biến của dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM.
Về tình hình dịch bệnh Covid-19, báo cáo sơ kết 15 ngày chỉ ra, tình hình dịch bệnh tại thành phố này vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Số ca nhiễm cộng đồng của TP.HCM từ ngày 27/4 đến nay là 46.178 trường hợp.
Trong đó, từ ngày 9/7 đến 6h ngày 23/7 có 40.255 ca nhiễm phát hiện qua ghi nhận của trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC).
Như vậy, từ ngày 9/7 đến nay, trung bình mỗi ngày thành phố phát hiện 2.780 ca bệnh. Các ca dương tính hiện hay được ghi nhận phần lớn tại khu cách ly, khu phong tỏa.
Trong khi, số ca tầm soát cộng đồng, mở rộng khu vực xét nghiệm, sàng lọc tại bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh vẫn ở mức thấp.
TP.HCM đang điều trị 36.569 trường hợp dương tính mới (bao gồm PCR và test nhanh dương). Cụ thể, có 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 10 bệnh nhân can thiệp ECMO. Có 441 trường hợp tử vong (cộng dồn từ ngày 1/1/2021) và trong ngày 22/7 có 2.046 bệnh nhân xuất viện.
Thành phố cũng đã thành lập sở chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 đặt tại trụ sở UBND TP.HCM để theo dõi, xử lý nhanh chóng tình hình dịch bệnh.
Trung tâm Điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 có nhiệm vụ điều hành toàn bộ công tác lấy mẫu, nhập liệu, xét nghiệm và trả kết quả. Tổng số nhân sự lấy mẫu là 4.456 người, tương ứng 2.228 đội.
Thành phố đã thay đổi phương thức lấy mẫu tại nhà nên năng lực lấy mẫu hiện nay vào khoảng: 150-200 mẫu/đội/ngày. Do đó, tổng công suất lấy mẫu tối đa mỗi ngày có thể đạt 334.000 - 445.000 mẫu/ngày.
Số ca bệnh mới chủ yếu trong khu cách ly, phong tỏa
Về công tác cách ly, điều trị và tiêm vaccine, trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16, số ca bệnh trong khu cách ly, khu phong tỏa tại TP.HCM vẫn còn chiếm tỷ lệ cao.
Do đó thành phố đã tập trung thực hiện các biện pháp siết chặt quản lý, đảm bảo thực hiện giãn cách như: lắp đặt hệ thống camera giám sát; phát huy tổ giám sát và tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, yêu cầu người dân phải ở nhà, hộ gia đình cách ly với hộ gia đình;…
Tổng số khách sạn trên địa bàn đang thực hiện công tác cách ly là 72 khách sạn, tương ứng 5.249 buồng/phòng. Các quận, huyện, TP.Thủ Đức đã vận động được 460 khách sạn đạt tiêu chuẩn cơ bản đồng thuận thực hiện chủ trương cách ly F1 tại khách sạn, với sức chứa khoảng 17.373 phòng.
Địa phương đang có 12 khu cách ly tập trung với sức chứa 8.680 người, hiện đang cách ly 4.121 trường hợp, năng lực còn lại là 4.559 chỗ.
Tổng số khu cách ly của quận, huyện, TP.Thủ Đức chuẩn bị mở rộng khi số F1 tăng lên là 345 khu với sức chứa dự kiến 45.094 người (hiện đang cách ly 8.259 người).
Có 212 trường học sử dụng làm khu cách ly tập trung, khả năng có thể mở rộng thêm nhiều nếu cần thiết (tổng số trường học công lập từ trường mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố này là hơn 1.400 trường).
Để giảm áp lực tại các khu cách ly tập trung, TP.HCM đã triển khai hướng dẫn cách ly y tế tại nhà cho các trường hợp F1 đủ điều kiện và theo dõi bằng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà nhằm giúp giảm tải và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo nếu có tại các khu cách ly tập trung, đồng thời tạo được tâm lý thoải mái cho người được cách ly.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện điều trị, UBND TP.HCM đã hướng dẫn phối hợp tổ chức cơ sở cách ly tập trung cho đối tượng F0 trên địa bàn TP.Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn.
Theo đó, UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức thành lập cơ sở cách ly tập trung cho đối tượng F0 không triệu chứng, không kèm bệnh lý nền hoặc đã được điều trị ổn định và không béo phì thuộc địa bàn quản lý.
Có thể sử dụng các cơ sở hạ tầng có sẵn như khu ký túc xá của trường học, khu chung cư mới chưa đưa vào sử dụng, khách sạn, nhà nghỉ, trường học để thành lập khu cách ly tập trung.
Cần đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cơ bản cho người được cách ly và bố trí 2 khu vực cách ly riêng biệt cho 2 nhóm đối tượng là người chỉ mới có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính và người đã có kết quả RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2.
Mỗi cơ sở cách ly tập trung phải bố trí phòng sơ cấp cứu, có ít nhất 5-10 bình oxy để điều trị các trường hợp nhẹ và kịp thời chuyển lên tuyến trên đối với các trường hợp chuyển bệnh nặng.
Tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 với biện pháp mạnh hơn
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, phương hướng thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1/8 với các biện pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.
Chỉ thị 16 được áp dụng toàn TP.HCM lần thứ nhất trong đợt dịch này kể từ 0h ngày 9/7. Thời gian này, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm ngưng.