Tuy nhiên, bác sĩ chỉ ra cách theo dõi chăm sóc cho trẻ để gia đình cùng trẻ bình tĩnh vượt qua một cách tốt nhất.
Nhập viện cấp cứu vì hội chứng hậu Covid-19
Thời gian gần đây, số ca mắc covid-19 ở trẻ tăng nhanh. Đáng nói, tại Tp.HCM và các tỉnh lân cận, số trẻ em mắc tăng nhanh hơn, nhiều lớp học đã phải chuyển sang học online. Phụ huynh lo lắng khi con trẻ bị mắc Covid-19 sẽ để lại nhiều hội chứng bệnh khác.
Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2, Tp.HCM cho biết, trường hợp bệnh nhi Nguyễn Trọng N., 12 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng sốt cao không giảm. Qua thăm khám, các bác sĩ cho biết N. mắc hội chứng viêm đa hệ thống (viết tắt là MIS-C), bệnh cảnh hậu Covid-19.
Sau một thời gian nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, hiện em N. đã ổn định, xuất viện về nhà.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, một số trẻ sau khi nhiễm Covid-19 thì mắc Hội chứng viêm đa hệ thống liên quan đến Covid-19 (MIS-C). Đến nay, Khoa Tim mạch đã tiếp nhận điều trị nội trú khoảng 20 bệnh nhi liên quan đến MIS-C sau nhiễm Covid-19.
“Đa số các bé nhập viện có thể với triệu chứng ở đường tiêu hóa là hay gặp nhất. Ngoài ra, một số ít các bé có biểu hiện triệu chứng ở đường hô hấp hay tim mạch… Đặc biệt có bé biểu hiện bệnh nặng hơn với hạ huyết áp, sốc, rối loạn nhịp do tổn thương cơ tim và hệ mạch vành nuôi tim'', bác sĩ Phượng thông tin.
Cũng theo bác sĩ Phượng, những trẻ trong khoảng từ 2-6 tuần sau khi nhiễm Covid-19 hoặc sống cùng nhà với các thành viên trong gia đình đã từng nhiễm Covid-19, mà có những triệu chứng như sốt kéo dài, phát ban ngoài da, triệu chứng đường tiêu hóa, đường hô hấp thì nên đưa bé tới cơ sở y tế để các y bác sĩ kiểm tra để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.
ThS.BS Lê Phan Kim Thoa – nguyên Phó Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh bệnh viện Nhi đồng 1, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Tp.HCM) chia sẻ: “Virus gây bệnh Covid-19 xâm nhập vào hô hấp nên đối với trẻ mắc Covid-19, biểu hiện qua đường hô hấp là rõ ràng nhất, trẻ sẽ có biểu hiện sốt kèm ho, nghẹt mũi, chảy mũi".
Theo bác sĩ Kim Thoa, triệu chứng hậu Covid-19 ở trẻ đa phần đều liên quan đến đường hô hấp như ho nhiều, ho kéo dài, cảm giác nặng ngực, hụt hơi, khó thở. Một số trẻ bị đau ngực, nhịp tim không đều, cảm giác mệt khi gắng sức do các bệnh lý liên quan đến tim mạch, thường gặp là viêm cơ tim.
Ngoài ra, trẻ cũng bị giảm sức chịu đựng về thể chất như dễ mệt hơn bình thường ngay cả khi không có bệnh lý ở tim và hô hấp và giảm sự tập trung, trẻ dễ quên hơn bình thường, đau đầu và viết chữ xấu hơn.
Một số bé lớn có thể bị mất khứu giác, vị giác, ăn không ngon miệng kéo dài. Đặc biệt ở trẻ em, có thể mắc hội chứng viêm đa hệ thống sau khi nhiễm Covid-19. Đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng rất nặng, ảnh hưởng rất nhiều cơ quan trong cơ thể và có thể gây tử vong, trẻ cần phải được nhập viện sớm để điều trị.
Chăm sóc trẻ hậu covid-19 tốt nhất
Đối với những trẻ đã mắc Covid-19, phụ huynh cần theo dõi sát các biểu hiện bất thường nơi trẻ để có thể đưa trẻ đưa trẻ đi khám ngay khi cần thiết. Trẻ sau khi mắc Covid-19 có thể có tình trạng “não sương mù” làm trẻ suy nghĩ chậm, giảm trí nhớ và thiếu tập trung.
Trẻ cần thời gian nhiều hơn để học và nhớ bài. Do đó, trẻ cần hỗ trợ về mặt tâm lý từ phụ huynh và thầy cô để giúp trẻ vượt qua được khó khăn trong học tập, tránh tâm trạng lo lắng bi quan có thể làm xấu hơn tình trạng của trẻ.
Tiếp đó là hỗ trợ về thể chất, phụ huynh nên khuyên trẻ tập thể dục nhẹ nhàng, tăng lên dần dần chứ không quá sức khiến trẻ dễ mệt và sẽ từ chối hoạt động. Từ đó, các sự hỗ trợ về tinh thần và thể chất, dần dần trẻ sẽ quay trở về nhịp sống bình thường.
Nhiều phụ huynh cũng lo ngại về Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C). Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em thường xảy ra ở trẻ 6 – 15 tuổi, vào khoảng 2 đến 6 tuần sau khi mắc Covid-19, do rối loạn đáp ứng miễn dịch.
Nhiều cơ quan trong cơ thể bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt, các cơ quan tiêu hóa… có thể bị tổn thương.
Trẻ bị thường bị sốt rất cao liên tục kèm theo biểu hiện tổn thương niêm mạc mạc (nổi ban, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ như quả dâu tây, phù nề bàn tay, bàn chân); rối loạn tiêu hóa (đau bụng, tiêu chảy, nôn) hoặc biểu hiện tổn thương các cơ quan khác (tim, thận, thần kinh…)
“Tuy nhiên để chẩn đoán hội chứng viêm đa hệ thống hậu Covid-19, hoặc một trong số các biểu hiện trên có phải hậu Covid-19 hay không cần có sự thăm khám rất kỹ của bác sĩ. Đôi khi cần làm thêm một số xét nghiệm khác, loại trừ tất cả các nguyên nhân khác có thể gây triệu chứng tương tự nhằm chẩn đoán đúng bệnh và có những phương pháp điều trị phù hợp”, bác sĩ Kim Thoa chia sẻ.
ThS.BS Lê Phan Kim Thoa khuyến cáo, nếu trong gia đình có trẻ mắc Covid-19 thì tuyệt đối không được chủ quan ngay cả khi chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuyệt đối không cho trẻ sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ.
Thuốc kháng đông, kháng viêm chỉ được chỉ định sử dụng khi trẻ nhập viện, và thuốc kháng đông dành cho trẻ là dạng sử dụng đường chích không phải là thuốc uống của người lớn. Nếu cho trẻ sử dụng thuốc kháng đông dạng uống của người lớn thì “lợi bất cập hại”.
Sau khi trẻ khỏi bệnh ít nhất 2-3 tuần, người nhà cần theo dõi sát, đi khám khi có các biểu hiện bất thường về thể chất hay tinh thần và thậm chí là tiếp tục theo dõi đến tận 2-3 tháng sau đó.
Trong khi đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ, trước diễn tiến số ca nhiễm covid-19 ở trẻ tăng nhanh, phụ huynh cần bình tĩnh chăm sóc trẻ, không nên hoảng loạn gây tổn thất tinh thần và tiền bạc.
Đặc biệt, với sự xuất hiện của chủng mới Omicron, trẻ càng không còn thấy hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C ở trẻ con. Do đó, điều quan trọng nhất là phụ huynh thật bình tĩnh và sáng suốt để đồng hành cùng con.
Nguyễn Lành