Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM, cho biết, mũi 3 vắc-xin ngừa Covid-19 bao gồm cả liều bổ sung và nhắc lại.
Liều bổ sung là liều vắc-xin tiếp theo được khuyến cáo cho những người bị suy giảm miễn dịch vừa hoặc nặng sau khi đã tiêm 2 liều cơ bản, khoảng cách ít nhất 28 ngày kể từ ngày tiêm mũi thứ 2.
Liều bổ sung sẽ tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, có tình trạng suy giảm miễn dịch (người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong 6 tháng...) đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Người từ 50 tuổi trở lên được ưu tiên tiêm trước.
Liều nhắc lại là liều vắc-xin tiếp theo được sử dụng để tăng cường hoặc khôi phục khả năng bảo vệ của 2 liều cơ bản mà có thể đã giảm dần theo thời gian, khoảng cách ít nhất 6 tháng kể từ ngày tiêm mũi thứ 2 hoặc mũi bổ sung.
Nhóm được ưu tiên là người bệnh nền, cần chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Lộ trình tiêm dự kiến chia thành 2 giai đoạn: Đợt một từ ngày 10/12 đến hết năm nay tập trung tiêm cho người suy giảm miễn dịch đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày và người tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng. Đợt hai suốt năm 2022, thành phố tổ chức tiêm cho các nhóm ưu tiên và toàn bộ người trên 18 tuổi.
Loại vắc-xin để tiêm được thực hiện theo nguyên tắc: Nếu các mũi tiêm trước đó cùng loại vắc-xin thì mũi bổ sung, mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc-xin mRNA (như Moderna, Pfizer...); nếu các mũi tiêm trước đó dùng các loại vắc-xin khác nhau, mũi bổ sung hay nhắc bằng vắc-xin mRNA; nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc-xin Vero Cell thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc-xin mRNA, hoặc vắc-xin vectơ virus (vắc-xin Astrazeneca).
Ở đợt một này, quận Gò Vấp dự kiến khoảng 110.000 người thuộc nhóm ưu tiên tiêm vắc-xin mũi 3. Căn cứ thông tin lưu trữ số lượng người đã tiêm mũi 1, mũi 2 các đợt trước, quận chia sẻ dữ liệu về các phường lập danh sách nhóm ưu tiên. Riêng nhóm suy giảm chức năng miễn dịch do Trung tâm y tế phụ trách rà soát, lập danh sách.
Về tổ chức tiêm, các phường chủ động bố trí cơ sở vật chất, nhân lực thực hiện. Để việc tiêm đạt hiệu quả cao, quận Gò Vấp khuyến khích các phường phối hợp y tế tư nhân đóng trên địa bàn. Phía quận phụ trách điều phối cấp phát vắc-xin, kinh phí phục vụ công tác tiêm chủng ở các phường. Với những phường không đủ điều kiện, quận sẽ tổ chức tiêm tập trung tại 2 địa điểm Đại học Công nghiệp Tp.HCM và Trường tiểu học An Hội.
Theo ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, với nhóm người bị suy giảm miễn dịch và lực lượng tuyến đầu dự kiến hoàn thành tiêm mũi 3 trong 2 ngày cho mỗi nhóm. Riêng nhóm từ 50 tuổi trở lên, quận sẽ tổ chức tiêm vào năm sau do nhóm này bắt đầu tiêm mũi 2 từ tháng 7/2021.
Huyện Củ Chi cũng hoàn thành kế hoạch tổ chức tiêm vắc-xin mũi 3 cho người nguy cơ cao và các nhóm ưu tiên. Trong ngày đầu tiên, huyện dự kiến tiêm một điểm ở Trường tiểu học thị trấn Củ Chi, sau đó tổ chức theo 3 cụm: Trung tâm Văn hóa xã Tân Thông Hội, Nhà văn hóa An Nhơn Tây và Nhà văn hóa lao động huyện. Nhóm người suy giảm khả năng miễn dịch, người từ 50 tuổi trở lên tiêm ở các cụm tiêm của huyện. Với nhóm lực lượng tuyến đầu chống dịch sẽ tiêm theo 21 điểm tiêm ở xã.
Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Thị Hằng cho biết, mỗi điểm dự kiến 8-10 đội tiêm, mỗi đội 3 người gồm phụ trách tiêm, khám sàng lọc và theo dõi sau tiêm. Tại các điểm tiêm được bố trí xe cấp cứu và bác sĩ để xử lý các trường hợp phản ứng sau tiêm.
Đến ngày 9/12, thông tin từ Sở Y tế cho biết, các mẫu bệnh phẩm được giải mã trình tự gien đã thực hiện chưa ghi nhận sự xuất hiện của Omicron ở Tp.HCM. Tuy nhiên, thành phố là cửa ngõ giao thương với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới nên nguy cơ xâm nhập của biến chủng mới luôn ở mức cao.
Minh Hoa (t/h theo VnExpress, Tiền Phong)