Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, Tp.HCM hiện đang có khoảng hơn 60 nghìn công trình nhà ở ( gọi tắt là nhà trọ) chia làm 2 nhóm:
Nhóm thứ nhất là cho thuê độc lập, tập trung chủ yếu trên địa bàn quận 7, 12, Gò vấp, Bình Tân, Tp.Thủ Đức, các huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, với 34.800 công trình. Nhóm thứ hai là nhà ở riêng lẻ ngăn chia từng phòng để cho thuê, tập trung chủ yếu trên địa bàn quận 7, 10, Gò vấp, Bình Tân, Tân Bình, Bình Thạnh, Tp.Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, với 25.670 công trình.
“Cò làm giá” ở mọi nơi
Hiện nay, khi nhiều tân sinh viên chuẩn bị nhập học đại học tại Tp.HCM, các sinh viên nghỉ hè về quê trở lại Thành phố này bắt đầu năm học mới, vấn đề nhà trọ lại trở nên nóng sốt.
Khắp các trang mạng xã hội rao tin cho thuê phòng, nhà trọ. Khắp các trụ điện, bức tường treo tờ rơi, quảng cáo. Tuy nhiên, thực tế các nhà trọ này khác xa với quảng cáo vì nhiều mánh khóe của các cò mồi, đối tượng lừa đảo.
Theo phản ánh, nhiều bạn sinh viên, người lao động đã gặp phải tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” vì tin theo quảng cáo từ các thông tin quảng cáo của “cò” nhà trọ. Giá một nơi, nhưng đến nơi thì một nẻo. Thậm chí, nhiều người đã mất tiền oan vì tin tưởng cọc tiền trước.
Là sinh viên năm nhất, đặt những bước chân đầu tiên lên Tp.HCM để học đại học, bạn Lý Ngọc Huy đã nhiều lần may mắn thoát khỏi những cái bẫy của “cò” đặt ra vì tin vào những lời quảng cáo có cánh trên mạng xã hội.
Bạn Huy kể: “Vào đến Tp.HCM, điều đầu tiên mình làm là tìm phòng trọ. Thấy trên mạng rao tin cho thuê phòng với giá tốt, mình đã liên hệ cho người quảng cáo thì người này gọi cho chủ trọ để trao đổi và hẹn mình đến địa chỉ phòng.
Đến nơi, một thanh niên đã dẫn đi xem các phòng ở đây nhưng phòng và nội thất không hề giống so với trên hình và giá cả cũng không đúng như hứa hẹn trước đó”.
Không riêng giá ảo, vấn đề mất cọc hoặc bị lừa cọc cũng khiến nhiều bạn khổ sở với điều này. Khảo sát của PV, đa số các nhà trọ đều thu tiền cọc trước từ 1 - 3 tháng, điều này cũng gây ra nhiều lo ngại cho các bạn sinh viên, người dân lao động đi thuê nhà.
Từng là nạn nhân bị lừa đảo tiền cọc, bạn Nguyễn Ngọc Ngân chia sẻ: “Vì còn nhiều bỡ ngỡ, chân ướt chân ráo lên Tp.HCM học, thấy các tờ rơi được treo ở trên cột điện nên đã liên hệ với mong muốn tìm được nơi ở ưng ý.
Lúc gọi thì người ở bên kia nói rằng hiện chưa thể dẫn đi xem phòng được vì đang bận đi công tác, phải đợi đến 2-3 hôm mới có thể về để dẫn mình đi. Sau khi 2 bên trao đổi xong thì bắt mình chuyển tiền cọc trước để giữ phòng nếu không người khác sẽ thuê mất.
Vì nhẹ dạ cả tin, mình đã chuyển tiền cho người kia là 2 triệu đồng, và họ hứa hẹn sẽ dẫn đi xem phòng sau 2 -3 ngày. Vừa chuyển tiền xong, mình đã bị chặn, cắt đứt mọi liên lạc và không hề biết mình đã chuyển tiền cho ai, rơi vào cảnh tiền mất nơi ở thì không biết ở đâu”.
Tìm phòng trọ như thế nào để an toàn?
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Trung - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH HT Legal VN, khi thuê nhà trọ, cần phải gặp chính chủ trọ hoặc người có ủy quyền hợp pháp để thỏa thuận các vấn đề liên quan đến việc thuê trọ trước khi quyết định việc thuê.
Không đưa tiền, cọc tiền cho những đối tượng không thể xác định danh tính và nếu đưa tiền cho bất kỳ ai thì nên chuyển khoản Ngân hàng và/hoặc phải có biên nhận tiền và chụp lại thông tin cá nhân như: căn cước công dân, sổ hộ khẩu để lưu chứng từ.
Bên cạnh đó cần tìm hiểu kỹ càng về nơi thuê trọ, khu vực tính thuê trọ và các thông tin về trật tự, an ninh thông qua người dân sinh sống trên địa bàn.
Luật sư cũng chia sẻ kinh nghiệm nhỏ khi giao dịch với các đối tượng không rõ lai lịch là phải tìm hiểu thật kỹ thông tin về tên, số điện thoại, email, … trên internet (google) để biết cơ bản về đối tượng này, suy xét, chắc lọc thông tin và độ tin cậy trước khi liên hệ. Tìm đến những cá nhân và công ty có thông tin rõ ràng và uy tín cao để giao dịch.
Ngoài ra, cũng có thể đến cơ quan công an xã, phường quản lý địa bàn hoặc các chốt Dân phòng để hỏi thăm về tình trạng pháp lý, an ninh trật tự của khu nhà trọ mà mình quan tâm nhằm đảm bảo trong thời gian thuê được ổn định, tránh trường hợp đang ở mà bị buộc rời khỏi trọ để thực hiện quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền do việc khu trọ xây dựng trái phép.
Sau đó, là xem xét kỹ các điều khoản trong Hợp đồng thuê, đặt biệt các điều khoản về số tiền thuê, thời hạn thuê, đặt cọc (mất cọc, hoàn cọc), vi phạm cơ bản và những điều khoản nào bất lợi thì nên thỏa thuận lại cho rõ ràng.
Đối với việc quảng cáo nhà trọ cho thuê một giá nhưng thực tế một giá là hành vi quảng cáo mang tính chất gian dối, không đúng sự thật.
Căn cứ khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2016 (sửa đổi bổ sung năm 2018) thì đây là hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo, cụ thể là: Hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng cung cấp dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ.
Cá nhân, tổ chức quảng cáo trái pháp luật thì tùy tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Hồ Duy