TP.HCM: Bóc mẽ chiêu trốn thuế của hàng ngàn doanh nghiệp "mất tích" bí ẩn

TP.HCM: Bóc mẽ chiêu trốn thuế của hàng ngàn doanh nghiệp "mất tích" bí ẩn

Dương Thanh Tùng

Dương Thanh Tùng

Thứ 5, 03/08/2017 19:00

Đầu năm 2017, theo thống kê, TP.HCM có đến 115.000 doanh nghiệp đang nằm trong cơ sở dữ liệu đăng ký kinh doanh nhưng cơ quan chức năng không hề "tìm thấy". Sự "mất tích" bí ẩn với số lượng lớn doanh nghiệp nói trên đang đặt ra nhiều nghi vấn về việc trốn thuế.

Hơn 1.600 DN “mất tích” bí ẩn

Theo thống kê của cục Thống kê TP.HCM, đến cuối năm 2016, trên địa bàn TP.HCM có gần 200.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, có hơn 1.600 doanh nghiệp “mất tích” một cách bí ẩn, cơ quan chức năng chưa tìm ra dấu vết. Bên cạnh đó, hơn 20.000 (chiếm hơn 10% số doanh nghiệp trong tổng số 200.000) đang tạm ngừng hoạt động, trên 14.000 (chiếm hơn 7% doanh nghiệp) chờ giải thể.

Thông tin về số doanh nghiệp "mất tích" bí ẩn, một cán bộ cục Thuế TP.HCM cho biết: “Qua rà soát, cả cục Thuế lẫn cục Thống kê không hề tìm thấy số doanh nghiệp nêu trên. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn nằm trong cơ sở dữ liệu đăng ký kinh doanh tại thời điểm đầu năm 2017”.

Xã hội - TP.HCM: Bóc mẽ chiêu trốn thuế của hàng ngàn doanh nghiệp 'mất tích' bí ẩn

Bên cạnh hàng loạt doanh nghiệp mới thành lập, TP.HCM đang ráo riết truy tìm hàng trăm ngàn doanh nghiệp "mất tích".

Cũng theo cán bộ này, các doanh nghiệp "mất tích" bí ẩn chủ yếu là những đơn vị nợ đọng thuế. Các đơn vị này hoạt động với đầy đủ ngành nghề. Tuy nhiên, nổi lên không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng. Nhiều chuyên gia nhận định, những đơn vị này làm ăn thua lỗ và đã rời khỏi địa chỉ kinh doanh. Tuy nhiên, các đơn vị không đóng mã số thuế, dẫn đến số thuế nợ đọng ngày càng lớn.

Điển hình, công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Khang Gia đang nợ số tiền thuế 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty đã không còn ở địa chỉ đăng ký kinh doanh. Theo văn bản do ông Phan Hồng Diệp, Phó Chi cục trưởng chi cục Thuế quận 10 ký, công ty Khang Gia không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan thuế.

Tìm hiểu thực tế, PV đã trực tiếp đến địa chỉ 103 đường Sư Vạn Hạnh (phường 12, quận 10, TP.HCM) là địa chỉ đăng ký kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, tại đây, PV nhận thấy hoàn toàn không có công ty Khang Gia.

Ngoài Khang Gia và những doanh nghiệp bất động sản đang "mất tích" bí ẩn, chưa biết còn những cái tên nào sẽ bỏ trốn tiếp theo. Bởi, theo thống kê của cục Thuế TP.HCM, trong top đầu với trên 200 đơn vị nợ thuế gần 2.000 tỷ đồng thì có không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Thậm chí, có doanh nghiệp nợ thuế cả trăm tỷ đồng.

Còn theo tìm hiểu của PV, rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng biến mất. Hiện, cơ quan chức năng đang phải vất vả truy tìm chủ các tổ chức này. Điển hình, công ty cổ phần Liên Á Châu có khoản nợ thuế gần 37 tỷ đồng, công ty TNHH MTV Long Sơn Nguyễn nợ trên 21 tỷ đồng, công ty TNHH Vũ Hồng Minh nợ trên 13,6 tỷ đồng.

Xã hội - TP.HCM: Bóc mẽ chiêu trốn thuế của hàng ngàn doanh nghiệp 'mất tích' bí ẩn (Hình 2).

Dù cơ sở dữ liệu đăng ký kinh doanh cho thấy doanh nghiệp vẫn đang hoạt động nhưng cơ quan thuế, thống kê, hải quan... tìm đỏ mắt vẫn không thấy.

Ngoài ra, một số cái tên cũng nợ thuế nhiều như: Công ty TNHH Văn Thịnh nợ trên 6,3 tỷ đồng, công ty TNHH Asia Join 4,5 tỷ đồng, công ty TNHH Gấu Đỏ gần 4,5 tỷ đồng, công ty TNHH Saga nợ trên 4,3 tỷ đồng, công ty TNHH Nguyễn Phụng nợ trên 3,7 tỷ đồng, công ty TNHH Điện tử Minh Minh Tâm nợ trên 3,7 tỷ đồng... Số doanh nghiệp này nợ thuế phát sinh từ năm 2016 đã ngừng hoạt động, bỏ khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Để tìm hiểu, PV tìm đến công ty TNHH MTV Long Sơn Nguyễn có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại tầng 19, khu A (số 4 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) nhưng không có vết tích nào để lại.

Công ty TNHH Asia Join có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại số 475D đường Lê Trọng Tấn (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) hay công ty TNHH Đạt Thiên Phúc có địa chỉ tại 107/3/7 đường Ngô Chí Quốc (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức)... cũng trong tình trạng “mất tích” tương tự.

Huy động toàn TP truy tìm

Dù các cơ sở này cửa đóng then cài nhưng vẫn tồn tại trong cơ sở dữ liệu đăng ký kinh doanh. Thậm chí, nhiều trường hợp doanh nghiệp bỏ từ địa bàn này sang địa bàn khác đăng ký doanh nghiệp mới để hoạt động và trốn thuế. Đây là những doanh nghiệp có số nợ đọng thuế lớn.

Đại diện chi cục Thuế quận 1 cho hay: “Khi rà soát, hơn 3.100 doanh nghiệp đang hoạt động theo hồ sơ thuế nằm trên địa bàn. Nhưng khi kiểm tra thực tế, nhiều trong số đó văn phòng lại nằm ở quận, huyện khác. Thậm chí, có hơn 2.550 doanh nghiệp không biết hiện đang ở đâu”.

Theo tìm hiểu của PV, chiêu thức thường được các đối tượng này sử dụng để trốn thuế là khi thành lập sẽ thuê, mướn người khác đại diện pháp luật. Đây là chiêu thức “né” được các quy định của pháp luật đối với chủ doanh nghiệp, người đại diện pháp luật.

Cơ quan chức năng đã có nhiều ràng buộc đối với người đại diện pháp luật nếu nợ thuế theo kiểu chây ỳ, trốn thuế... Đối với các đơn vị dạng này, cơ quan chức năng sẽ áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế. Tuy nhiên, những biện pháp trên không đủ sức răn đe.

Xã hội - TP.HCM: Bóc mẽ chiêu trốn thuế của hàng ngàn doanh nghiệp 'mất tích' bí ẩn (Hình 3).

Doanh nghiệp "mất tích" chủ yếu do nợ đọng thuế.

Theo đó, ngành thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với chủ doanh nghiệp, người đại diện pháp luật nợ thuế như: Trích tiền từ các tổ chức tín dụng của chủ nợ thuế, yêu cầu phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên tài sản, thậm chí cấm xuất cảnh khỏi lãnh thổ Việt Nam...

Luật sư Nguyễn Thái Hùng, đoàn Luật sư TP.HCM phân tích: “Đây là những biện pháp mạnh nhưng chỉ có tác dụng với doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, uy tín. Đối với các doanh nghiệp sinh ra để buôn lậu, mua bán hóa đơn, trốn thuế... thì không phải giải pháp hữu hiệu”.

“Khi đó, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là những nạn nhân, phải chịu các hình thức cưỡng chế trên. Họ là xe ôm, người nội trợ hay chỉ là sinh viên được thuê, mướn với mức lương vài ba triệu đồng/tháng. Trong khi đó, ông chủ đích thực lại tiếp tục chiêu bài cũ thành lập doanh nghiệp mới để thực hiện hành vi phạm pháp”, luật sư Hùng chia sẻ.

Trước thực trạng trên, tại hội nghị sơ kết giai đoạn 1 Tổng điều tra kinh tế năm 2017, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM cho biết: “Thường trực UBND TP. chấp thuận cho cơ quan liên ngành gồm cục Thống kê chủ trì phối hợp với cục Thuế, sở Kế hoạch & Đầu tư, sở Công Thương, ban Quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất, ban Quản lý khu công nghệ cao, khu phần mềm Quang Trung và 24 quận, huyện lập kế hoạch xác minh, truy tìm con số 115.000 doanh nghiệp này”.

Cũng theo ông Liêm, cục Thống kê phải tiếp tục xử lý thông tin thu thập được từ dữ liệu để sớm có thông tin cho ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế năm 2017 TP.HCM và các sở ngành liên quan. Đồng thời, đơn vị này phải đôn đốc các quận, huyện báo tiến độ thực hiện và giải quyết khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thành công việc.

Tìm thấy cũng chỉ còn... cái xác

Một cán bộ cục Thuế TP.HCM cho hay: “Khi tìm thấy các doanh nghiệp này, để truy thu khoản thuế nợ đọng cũng hết sức nan giải. Theo đó, ngành thuế đã áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế nhưng không thu hồi được nợ do tài sản của doanh nghiệp đã bị cầm cố tại các tổ chức tín dụng hoặc bị tẩu tán. Khi tìm được doanh nghiệp, các đơn vị này chỉ còn lại cái "xác"”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.