Cán bộ sở Giao thông vận tải TP.HCM chia sẻ về công tác trợ giá xe buýt.
Nợ nần vì đợi tiền trợ giá
Đại diện trung tâm Quản lý giao thông công cộng (TT QLGTCC) TP.HCM cho biết từ tháng 7 đến tháng 9/2018 đã có 4 tuyến xe buýt phải tạm ngừng hoạt động, gồm các tuyến buýt số 40, 149, 37, 60 và tuyến 11 phải cắt bớt lộ trình.
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc TT QLGTCC TP.HCM nói: “Việc tạm ngừng các tuyến xe buýt nói trên sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của hành khách. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy lượt khách đi lại trên các tuyến này ít, không đủ chi phí hoạt động, không mang lại hiệu quả cho hoạt động khai thác tuyến nên phải tạm ngừng”.
Qua tìm hiểu, cả 5 tuyến xe buýt dừng hoạt động và cắt giảm lộ trình trên đều là các tuyến có trợ giá, nghĩa là thành phố dùng tiền ngân sách để hạ giá vé nhằm khuyến khích người dân sử dụng.
Trước đó, sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM tăng thêm hơn 330 tỷ đồng tiền trợ giá xe buýt. Vì thế, các chuyên gia cho rằng công tác trợ giá xe buýt hiện nay ở TP.HCM không có hiệu quả như mong đợi của người dân.
Bên cạnh đó, như báo Người Đưa Tin đã thông tin, hợp tác xã (HTX) Vận tải số 28 vừa bị công ty Cổ phần kinh doanh Khí miền Nam, chi nhánh Đồng Nai đã gửi thông báo để đòi nợ (gần 700 triệu đồng) và doạ cắt nguồn nhiên liệu (khí CNG).
Vừa qua, trong văn bản kiến nghị khẩn cấp gửi đến HĐND, UBND TP.HCM và các sở ban ngành, các HTX xe buýt mong rằng trong thời gian chưa ký hợp đồng đặt hàng được tăng mức tạm ứng tiền trợ giá lên 80% để các đơn vị có thêm chi phí hoạt động.
Trong trường hợp các xã viên không đủ tài chính để tiếp tục duy trì hoạt động, buộc phải ngừng, nghỉ, đề nghị sở GTVT không xử phạt. Nếu các kiến nghị không được giải quyết sớm, các HTX không đảm bảo hoạt động ổn định kể từ sau ngày 15/10 vì nợ nần quá nhiều.
Phải nhanh chóng sửa quy định
Liên quan đến vấn đề trên, chiều 12/10, PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, sở GTVT TP.HCM.
Ông Hải cho biết, ngay khi nắm được thông tin vụ việc, sở GTVT đã tổ chức cuộc họp với sở Tài chính, liên minh hợp tác xã thành phố và các cơ quan có liên quan để làm việc với 13 đơn vị vận tải để nắm bắt thực tế.
“Cuộc họp vào sáng 10/10 vừa qua rất căng thẳng. Chủ trương của sở là phải đảm bảo ổn định hoạt động xe buýt, tránh tình trạng bỏ chuyến, ngưng hoạt động ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân thành phố”, ông Hải chia sẻ.
Đại diện sở GTVT TP.HCM cũng cho biết, trong năm 2018, tình hình giao thông ùn tắc và các phương tiện cá nhân tăng cao nên chất lượng phục vụ của xe buýt chưa đảm bảo về thời gian, lộ trình,…Từ đó, hành khách đã lựa chọn phương tiện khác, khiến số lượng người đi xe buýt giảm.
Trình bày cụ thể hơn về công tác chi trả tiền trợ giá, ông Hải nói: “Hiện nay đã có 5/13 đơn vị vận tải chính thức ký hợp đồng nên được TT QLGTCC thanh toán kinh phí trợ giá. Còn 8/13 đơn vị chưa thống nhất với mức trợ giá nên không ký hợp đồng, đề nghị bổ sung kinh phí. Do đó, TT QLGTCC đã tạm ứng 50% kinh phí trợ giá hàng tháng để đảm bảo hoạt động”.
Đối với các đơn vị vận tải đề nghị tăng tỉ lệ tạm ứng lên mức 80%, cán bộ sở GTVT TP.HCM cho rằng không phù hợp quy định hiện hành.
Ông Đỗ Ngọc Hải cho biết: “Nguyên nhân của việc chậm giải ngân tiền trợ giá là do TT QLGTCC và các HTX chưa ký được hợp đồng. Các đơn vị cho rằng mức trợ giá thấp, lạc hậu nên không đồng ý ký. Chúng tôi cũng hiểu rằng các HTX đã trang bị xe mới, giá xăng dầu tăng, chi phí thực tế thay đổi,…nên họ gặp nhiều khó khăn. Nhưng quy định vẫn chưa được cập nhật nên chưa có giải pháp toàn diện”.
Được biết, công tác chi trả kinh phí trợ giá đã được UBND TP.HCM chấp thuận theo công văn số 3405/UBND-ĐT ngày 27/7/2018. Trong đó, các đơn vị quản lý đang áp dụng bộ định mức kinh tế - kỹ thuật theo Quyết định số 79/2009-QĐ-UBND.
Qua nhiều thay đổi từ thực tế, sở GTVT đang chỉ đạo TT QLGTCC khẩn trương trình sở GTVT, để trình UBND TP.HCM ban hành bộ định mức mới, lập bộ đơn giá chi phí cho xe buýt trong tháng 11/2018.
Còn với tình hình trước mắt, sở GTVT TP.HCM đã căn cứ ý kiến sở Tài chính, tiếp thu ý kiến các đơn vị vận tải để hoàn chỉnh đề xuất bổ sung chi ngân sách trợ giá xe buýt.
Đề xuất này dựa trên các yếu tố như: Đầu tư thay thế xe buýt mới, giá nhiên liệu thay đổi, biến động doanh thu vé và cập nhật chi phí theo thực tế và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2018.
Đảm bảo trợ giá đúng quy định
Việc trợ giá xe buýt thực hiện theo hình thức đặt hàng giữa đơn vị quản lý (TT QLGTCC) với các doanh nghiệp vận tải theo quy chế đấu thầu, đặt hàng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích lĩnh vực giao thông vận tải, ban hành kèm theo Quyết định số 53/2017/QĐ-UBND ngày 5/10/2017 của UBND TP.HCM.
Theo số liệu từ sở GTVT TP.HCM cung cấp, kinh phí trợ giá trong những năm gần đây đều ở mức độ hợp lý và có kiểm soát, đảm bảo sử dụng ngân sách theo quy định. Cụ thể, tổng trợ giá năm 2015 là 820,13 tỷ đồng (34%), năm 2016 là 859,72 tỷ đồng (39%), năm 2017 là 957,37 tỷ đồng (40%).