Theo kết quả sau quá trình nghiên cứu, tính toán của tiến sĩ Bùi Việt Hưng (khoa môi trường Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) có thể khẳng định, việc san lấp mặt bằng khu vực đất ngập nước, vùng trũng ven sông Soài Rạp (thuộc tỉnh Long An) và sông Sài Gòn đã làm ảnh hưởng rất lớn tới diện tích ngập cũng như mực nước triều trên sông Sài Gòn. Khi diện tích san lấp tăng dần, mực nước triều cũng tăng lên 6-10cm.
Càng đô thị hóa vùng trũng ven sông, nội thành sẽ còn ngập nặng
Kết quả của tiến sĩ Hưng cũng cho thấy, cứ khoảng 1.000 ha đất ngập nước tự nhiên vùng cửa và ven sông Soài Rạp được giữ nguyên, thì có thể giảm được 1cm mực nước dâng trên sông Sài Gòn, sẽ góp phần hạn chế ngập do triều cường...
Đồng thời, việc san lấp mặt bằng khu vực ven sông Soài Rạp có tác động tới mực nước sông lớn hơn 1,6 lần so với việc san lấp mặt bằng khu vực ven sông Sài Gòn.
Nghiên cứu dựa trên lượng triều dâng và rút trong một ngày. Các nhà khoa học cũng tính toán được khoảng 84% của lượng nước khổng lồ được tích lại trong kênh rạch các vùng đất ngập nước của vịnh Gành Hào (khu vực tiếp giáp rừng ngập mặn Cần Giờ, TP.HCM và tỉnh Long An)...
Việc phát triển các khu đô thị mới, khu công nghiệp ven sông Soài Rạp đã làm giảm diện tích các vùng đất ngập nước, luồng nước được đẩy vào nội địa, làm gia tăng mực nước trên sông Sài Gòn, góp phần làm ngập lụt ở thành phố. Trước thực tế, các vùng đất ngập nước ven sông ngày một thu hẹp, vai trò trữ nước lúc triều dâng, mưa lớn... cũng vì thế ngày càng giảm đi.
Quan điểm của tiến sĩ Bùi Việt Hưng cũng chính là kiến nghị của nghiên cứu: Muốn góp phần làm giảm những tác động tiêu cực của ngập nước, nhất là do triều cường thì cần duy trì một diện tích vùng đất ngập nước ở khu vực vịnh Gành Hào trên 80.000 ha.
Hiện tại có khoảng 40.000ha diện tích đất ngập nước trong số này (chính là những cánh rừng ngập mặn), nên cần duy trì tối thiểu khoảng 40.000ha đất ngập nước nữa để góp phần đảm đương vai trò “nhốt” nước, không để nước chảy sâu vào thượng nguồn quá nhiều, làm gia tăng mức độ ngập.
Theo tiến sĩ Hưng, cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn để có thể tìm kiếm thêm lời giải hiệu quả, hài hòa cho bài toán ngập triền miên của thành phố. Nếu chỉ với việc xây dựng các công trình kiểm soát triều ở TP.HCM thì chưa thể giải quyết hết ngập úng…
TP.HCM tập trung nguồn mọi lực trong công tác chống ngập
Vừa qua, tại Hội nghị lần thứ 7 ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X diễn ra ngày 24-25/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đặc biệt quan tâm đến dự thảo Chương trình giảm và chống ngập nước của thành phố.
Ông Phong nhấn mạnh, thành phố đề ra mục tiêu giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm thành phố và một phần của 5 lưu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam, một phần Đông Bắc, Đông Nam) rộng 550 km² với khoảng 6,5 triệu dân đồng thời cải thiện môi trường nước, cải thiện đời sống dân sinh.
Về chỉ tiêu cụ thể, thành phố đặt ra giai đoạn 2016-2018 sẽ nâng cấp, xóa ngập 8/17 tuyến đường; nâng cấp hệ thống thoát nước, xóa ngập do mưa 60/179 tuyến hẻm.
Hoàn thành các hạng mục kiểm soát triều của Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM để phục vụ kiểm soát triều cho lưu vực 550 km² (xóa ngập do triều 9 tuyến đường, gồm 2 tuyến đường bị ngập nặng là đường Lương Định Của, Huỳnh Tấn Phát và 7 tuyến đường bị ngập nhẹ là Nguyễn Văn Hưởng, Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 50, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, Tỉnh lộ 10, đường 26).
Tiếp đó, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành 3 nhà máy xử lý nước thải: Tham Lương-Bến Cát công suất 131.000 m³/ngày, Nhiêu Lộc-Thị Nghè 480.000m³/ngày. Bình Hưng (giai đoạn 2) nâng công suất nhà máy từ 141.000 m³/ngày lên 469.000 m³/ngày…
Thời gian qua, UBND TP.HCM đã phê duyệt triển khai xây dựng dự án Cống kiểm soát triều Bến Nghé trên địa bàn quận 1 và 4, với kinh phí khoảng 230 tỷ đồng nhằm giảm ngập cho khu trung tâm thành phố. Theo đề cương thi tuyển thiết kế kiến trúc, cống này nằm trên rạch cùng tên, đoạn bắt đầu từ ngã ba sông Sài Gòn đến ngã ba Rạch Đôi dài khoảng 3,1 km.
Nguyên tắc vận hành của cống ngăn triều Bến Nghé là trong mùa mưa khi mực nước ngoài sông dâng đến + 0,6 m thì đóng cửa van cống để tạo dung tích trữ đón mưa; còn khi mực nước ngoài sông rút xuống thấp hơn mực nước trong cống thì mở cửa van để tiêu nước, đảm bảo giao thông thủy qua lại bình thường.
Theo kế hoạch, TP.HCM cần khoảng 12 cống ngăn triều lớn để chống ngập nhưng hiện mới có cống ngăn triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè được vận hành.
Trước đó, ngày 26/6, tại cảng Lotus (quận 7, TP.HCM), Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM ( NN-PTNT ) tổ chức khởi công dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)”.
Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết, dự án có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, theo hình thức BT với tiến độ dự kiến 36 tháng (2016 - 2018). Mục tiêu là kiểm soát ngập do triều và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km² với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố, chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước của các dự án thoát nước đô thị và hỗ trợ trữ nước mưa khi triều cường xuống thấp, kết hợp chống sạt lở bờ sông và góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường.
Theo kế hoạch, dự án triển khai trong 36 tháng, tuy nhiên nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công trong 24 tháng, thời gian còn lại dành cho việc dự phòng, công tác hồ sơ và vận hành thử.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ giải quyết triệt để việc ngập úng do triều có xét đến biến đổi khí hậu tại khu vực dự án, nhưng việc còn ngập trong đô thị hay không thì cần có sự đồng bộ của QH 752, tức là hệ thống thoát nước đô thị phải truyền tải nước thoát về kênh rạch, để các hệ thống bơm chuyển nước từ các kênh rạch ra ngoài sông lớn.
Triển khai đồng bộ mới có hiệu quả
Theo TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (ĐHQG TP HCM) cho biết, dự án mà Trung Nam Group đang triển khai là dự án do Bộ NN-PTNT phối hợp với các chuyên gia Hà Lan nghiên cứu phối hợp.
Nhận xét về kỳ vọng kiểm soát ngập do triều cho một vùng diện tích 570 km2 mà dự án đưa ra, TS Phi cho rằng về quy mô thì đúng theo hướng kiểm soát triều. Tuy nhiên, chống ngập ở thành phố phải xét đến 2 yếu tố là mưa và triều (triều chỉ gây ngập 1-2 tháng/năm) nên dự án do Trung Nam thực hiện chỉ mang tính chất hỗ trợ.
Ngoài ra, hiện nay hệ thống đê bao bán kiên cố của TP cũng đã hoàn chỉnh khoảng 2/3 dọc các con sông, kênh nên đã ngăn triều được một phần. Khi đã kiểm soát được triều bên ngoài thì thành phố cần phải đầu tư cống thoát nước bên trong để nâng cao năng lực tiêu thoát nước khi mưa.
Tuy nhiên, số tiền đầu tư để xây dựng hệ thống cống thoát nước rất tốn kém, khoảng 2 tỉ đồng/ha. “Do đó, để giảm ngập đến mức tối đa cho TP.HCM thì các dự án cần phải được triển khai đồng bộ. Làm cái này, không làm cái kia thì cái đã làm dù có tốt đến mấy cũng khó phát huy hiệu quả” - ông Phi nhìn nhận.
Do đó, theo ông Phi, sau khi hoàn thành hệ thống đê bao và các cống ngăn triều trên thì bên trong nội đô thành phố phải tiếp tục xây dựng và cải tạo hệ thống cống thoát nước, nạo vét kênh rạch, nâng cao đường trũng cục bộ, xây dựng hồ điều tiết mới, hy vọng giải quyết hết 31 điểm ngập nặng hiện nay.
Một lãnh đạo trung tâm chống ngập cũng thừa nhận: Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) phải kết hợp với 4 dự án thuộc quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020, mới có thể giải quyết được ngập cho một khu vực rộng 570 km2 và 6,5 triệu dân.
Đặc biệt, đối với khu trung tâm thành phố, ngoài xây 6 cống kiểm soát triều, để xóa triệt để 31 điểm ngập hiện nay, trong năm 2016, trung tâm này sẽ tiếp tục xây 2 cống ngăn triều lớn còn lại là Vàm Thuật và Rạch Nước Lên.
Đức Mỹ