Hơn 2.600 tỷ đồng cho gần 1,5km đường
Mới đây, đại diện sở GTVT TP.HCM dự kiến đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng để thực hiện hai dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, Trường Chinh và Âu Cơ nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn hai quận Tân Phú, Tân Bình. Trong đó, vốn xây dựng là 374 tỷ đồng, vốn đền bù giải tỏa là 2.232 tỷ đồng do Khu quản lý giao thông đô thị số 1 thuộc sở GTVT TP.HCM làm chủ đầu tư.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Vĩnh Ninh – Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (sở GTVT TP.HCM) cho biết: “Dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý và đường Trường Chinh đã được Khu quản lý giao thông đô thị số 1 trình sở GTVT TP.HCM với tổng số vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng nhưng UBND TP.HCM chưa bố trí vốn nên dự án trì hoãn đến thời điểm này và chưa triển khai thực hiện”.
Cũng theo ông Ninh, dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý có lý trình từ đường Cộng Hòa đến đường Lê Trọng Tấn, chiều dài 645m, nâng chiều rộng từ 8m lên 30m, 6 làn xe, và dự án mở rộng đường Trường Chinh - Âu Cơ có lý trình từ ngã ba đường Cộng Hòa Trường Chinh - Âu Cơ, dài 745m, nâng chiều rộng từ 10m lên 30m với 6 làn xe.
Dự kiến năm 2017, các quận Tân Phú, Tân Bình thực hiện đền bù giải tỏa xong mặt bằng. Việc thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, đền bù tại hai quận sẽ được tách thành hai dự án riêng do từng địa phương thực hiện. “Hiện, chúng tôi đang lập dự án để hoàn thiện hồ sơ trình sở GTVT ký phê duyệt. Chúng tôi cũng đã bàn giao ranh giới của hai dự án trên cho UBND quận Tân Bình và quận Tân Phú làm thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng”, ông Ninh nói.
Trước thông tin thành phố chi hàng ngàn tỷ để giải quyết ùn tắc, một số người dân băn khoăn tính hiệu quả của dự án. Chị Tô Thanh Mỹ, nhà ở quận Bình Tân cho biết, cả chục năm nay, chị đi làm đều phải chen chúc, hít khí thải xe máy mỗi lần lưu thông qua đoạn Tân Kỳ Tân Quý, “nút thắt cổ chai” này. Hàng ngày phải mất hàng giờ đồng hồ để lưu thông đoạn đường ngắn, nhiều hôm thức dậy từ 5h sáng để đến cơ quan. Chị cũng lo lắng, tình trạng kẹt xe trải dài trên cả con đường, nếu chỉ thực hiện dự án một đoạn ngắn như thế, liệu có giúp người dân thoát khỏi kẹt xe hay không, hay là giải tỏa được khúc này nhưng đến đoạn khác lại kẹt tiếp. Nếu như thế thì rất lãng phí và mất thời gian.
Tốn tiền chưa chắc hết kẹt xe?
Liên quan vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch hội Tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý TP.HCM cho biết: “Với việc mở rộng hai tuyến đường Trường Chinh - Âu Cơ - Tân Kỳ Tân Quý chỉ dài khoảng 1,5km mà lại đầu tư kinh phí lên đến 2.606 tỷ đồng, tôi thấy không cần thiết. Bởi, việc này, nó không đảm bảo sẽ giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông. Vì thế, để có một giải pháp giảm ùn tắc giao thông đúng đắn, khi đưa ra dự án, chúng ta cần phải tính toán đến các vấn đề như mức độ ảnh hưởng của giải pháp; tính toán đánh giá ưu khuyết điểm của giải pháp và cuối cùng tính hiệu quả của dự án”.
Chuyên gia hành chính công Bùi Thị Thu Hà (trường ĐH GTVT TP.HCM) nhấn mạnh: “Để thực hiện được dự án trên cũng vậy, chúng ta phải trả lời được câu hỏi nguồn vốn ở đâu ra? Trước đây, chúng ta đưa ra rất nhiều dự án với kinh phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng mà không hề tính toán xem vốn đấy lấy ở đâu ra, có ai đầu tư không, trong khi ngân sách lại hạn hẹp. Vì thế, đa phần các dự án này phải hoãn, chờ hoặc không làm được. Cho nên, khi đưa ra một dự án nào, tôi nghĩ các sở, ban, ngành nên tính toán cho thật cụ thể...”.
“Chính vì thế, theo tôi, để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ở giao lộ Trường Chinh - Âu Cơ - Tân Kỳ Tân Quý không cần thiết phải di dời dân, giải tỏa mặt bằng làm gì cho tốn kém. Mà, chúng ta hãy đầu tư xây dựng thêm một cầu vượt nối dài từ đường Tân Kỳ Tân Qúy ra đường Cộng Hòa là được. Việc xây cầu vượt khu vực này, kinh phí đầu tư sẽ dễ dàng xoay chuyển hơn,...”, bà Hà cho biết.
Khi hỏi đến giải pháp để giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM, thạc sỹ Lê Hải Thanh (chuyên gia giao thông trường ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: “Tôi nghĩ cần đầu tư xây dựng hệ thống xe buýt phủ khắp thành phố. Giảm tải người đi xe máy hạn chế nạn kẹt xe nhức nhối tại thành phố”.
Trao đổi với PV, một đại diện UBND quận Tân Phú cho biết: "Hiện UBND quận chưa nhận được thông tin đền bù giải phóng mặt bằng tại hai dự án này từ cấp trên. Nếu dự án được phê duyệt chúng tôi sẽ tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng và bồi thường cho người dân theo chỉ đạo". |
Lành Hạnh