Chiều 19/10, UBND Tp.Hồ Chí Minh tổ chức họp tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Tp.HCM cho biết, địa phương đã giải ngân gần 8.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân cũng ủng hộ gần 8.000 tỷ đồng.
Ở đợt bùng phát dịch lần thứ tư, Tp.HCM đã và đang triển khai 3 gói hỗ trợ người dân. Cụ thể, gói hỗ trợ đợt 1 khoảng 886 tỷ đồng được triển khai từ đầu tháng 7, ưu tiên hỗ trợ lao động tự do. Có khoảng 370.000 lao động tự do đã được hỗ trợ, mỗi người nhận 1,5 triệu đồng.
Đến đầu tháng 8, Tp.HCM tiếp tục có gói hỗ trợ đợt 2 hơn 900 tỷ đồng và sau đó bổ sung thêm 2.577 tỷ đồng hỗ trợ hơn 1,2 triệu hộ nghèo, hộ lao động khó khăn và hơn 1 triệu lao động tự do.
Gói hỗ trợ đợt 3 được Tp.HCM triển khai từ cuối tháng 9 với kinh phí khoảng 7.300 tỷ đồng. Gói này không tính theo hộ mà theo nhân khẩu. Mỗi người nhận 1 triệu đồng không phân biệt thường trú, tạm trú hay lưu trú.
Theo ông Lê Minh Tấn, đến giờ này, gói hỗ trợ đợt 3 đã hỗ trợ cho hơn 5,1 triệu người trên tổng số 6,5 triệu người cần hỗ trợ. Trong đó, có 11 quận, huyện đạt trên 90%; 6 quận, huyện đạt trên 80% và 5 quận huyện đạt từ 60% – 70%.
“Tp.HCM quyết tâm đến ngày 22/10 sẽ giải ngân xong gói hỗ trợ này, không để kéo dài thêm. Tổng mức hỗ trợ đợt 1, 2 và 3 là trên 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do số người cần được hỗ trợ quá lớn nên có sự thiếu sót. Nếu còn sót Thành phố sẽ rà soát, bổ sung”, ông Tấn nói.
Cũng tại cuộc họp, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết, sau 18 ngày thực hiện Chỉ thị số 18 về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch Covid-19, số ca mắc mới giảm 5 lần so với đỉnh dịch, số ca tử vong còn 2 con số. Các chốt chặn nội thành cũng được dỡ bỏ.
"Công an Tp.HCM đang xem xét để không còn chốt chặt (hiện có 51 chốt) ở địa bàn giáp ranh với các địa phương, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa và chuỗi cung ứng lao động", ông Bình cho biết.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế của Tp.HCM được cải thiện, số doanh nghiệp mở cửa có xu hướng tăng nhanh. Ngành du lịch cũng xây dựng kế hoạch phục hồi.
Thành phố này đang đẩy nhanh tiến độ chi trả cho các nhóm hỗ trợ, vận động quỹ phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ túi an sinh cho người dân.
Sau hơn 5 tháng chịu tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, Tp.HCM đã nới lỏng các biện pháp giãn cách để dần chuyển sang trạng thái "bình thường mới".
Bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính Tp.HCM trình bày, trong thời gian tới, Thành phố này sẽ tăng thu ngân sách. Sở Tài chính tính toán, trong năm 2021, Tp.HCM có thể thu hơn 21.000 tỷ đồng từ đất nếu thực hiện đúng các quy định về bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Về quỹ nhà công, đất công mà các cơ quan, đơn vị đang quản lý, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, hiện còn hơn 400 địa chỉ nhà, đất ở các đơn vị đã đề xuất phương án bán.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, UBND Tp.HCM đã rà soát và phát hiện còn 70 địa chỉ nhà đất đã phê duyệt phương án bán đấu giá quyền sử dụng đất còn hiệu lực thi hành ở các quận, huyện, Tp.Thủ Đức.
Sắp tới, các địa phương rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trong trường hợp thay đổi phương án xử lý, sắp xếp, địa phương cần sớm báo cáo về Sở Tài chính.
Về quản lý chi, Tp.HCM tiếp tục tiết kiệm tuyệt đối chi thường xuyên. Thời gian qua, các địa phương đã tiết kiệm gần 1.400 tỷ chi thường xuyên. Bà Hà đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, cắt giảm các khoản chi.
Tình hình thu ngân sách đạt gần 75% số thu ngân sách trên địa bàn. Số thu của tháng 8, 9 bị tác động mạnh mẽ, giảm sâu so với cùng kỳ.