Ông Tư bán hoa cúc ở đường Nguyễn Hữu Thọ (Q7) than trời: “Tôi mang từ Bến Tre lên 200 chậu cúc, bán từ 23 tết đến hôm nay mà chỉ được khoảng 50 chậu. Ngày hôm qua, tôi không bán được chậu nào, hy vọng hôm nay bán được nhưng vẫn ế lắm. Hiện tại, giá nào tôi cũng bán, quyết để khách đi vào là phải mua, cho mau hết để về quê đón tết”. Ông Tư đại hạ giá chỉ 100 ngàn đồng/chậu cúc. Trong khi những ngày trước giá vẫn còn 300 ngàn/chậu.
Tại công viên 23/9 (quận 1), tuy Ban quản lý công viên thu hồi mặt bằng lúc 12 giờ trưa, dọn dẹp công viên sạch sẽ để chuẩn bị đón giao thừa, nhưng vẫn còn nhiều người bán dời hoa ra vỉa hè đường Lê Lai, cố bán nhiều chậu kiểng còn tồn. Giá các loại hoa kiểng được hạ xuống giá thấp nhất, lỗ cả vốn: Mồng gà, vạn thọ còn 50 ngàn/chậu; đào 300 ngàn/gốc nhỏ, lớn hơn một chút giá 800 ngàn/gốc; tắc một cặp giá khoảng 600 ngàn đồng.
Ngồi trước những chậu mai cổ thụ có giá thấp nhất 25 triệu đồng, đang bày bán ở vỉa hè đường Thành Thái (quận 10) chị Hương rầu rỉ: “Chưa có năm nào mà buôn bán ế như năm nay. Từ 23 tết đến nay, tôi không bán được gốc mai nào cả. Bí bách quá chuyển qua cho thuê mai để gỡ gạc mà cũng không ai thuê”. Chỉ tay về phía đám đông người đang xem mai, người phụ nữ gốc Long An này thở dài: “Anh nhìn người bu đông như vậy, họ chỉ xem cho vui thôi chứ không có mua đâu”.
Cửa hàng hoa lan nhiều chủng loại gần đó cũng chung cảnh chợ chiều thưa vắng. Một chậu lan tím 10 cành, chỉ có giá 2 triệu đồng, nhưng người mua vẫn còn chê đắt. Một nhân viên cho biết: “Năm nay bán chậm lắm, không tăng giá được. Mỗi nhành lan lấy tại gốc, vốn đã là 160 ngàn. Vô chậu, trang trí, bán 200 ngàn thôi. Lời chút đỉnh mà vẫn còn không có người mua".
Một số hình ảnh chúng tôi ghi nhận lúc chiều tối nay tại TP.HCM:
.
Lê Ngọc Dương Cầm