Ngày 4/6, đại diện Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM vừa yêu cầu UBND các quận, huyện thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn. Lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh, yêu cầu tổ chức kiểm tra, xử lý dứt điểm và không để tái diễn tình trạng giết mổ gia súc trái phép trên địa bàn.
Đặc biệt, văn bản chỉ đạo của UBND TP.HCM còn cho phép cơ quan quản lý có thể ban hành quyết định khám xét nhà đối với các trường hợp tồn trữ, giết mổ gia súc trái phép. Đồng thời, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm có hành vi khiêu khích, chống đối người thi hành công vụ.
Từ đó, UBND TP.HCM yêu cầu tinh thần trách nhiệm cao nhất với tình trạng giết mổ gia súc trái phép, khiến tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi. “Chủ tịch UBND các phường/xã/thị trấn cũng sẽ bị kiểm điểm nếu lơ là, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi, nhất là đối với các địa phương còn để tồn tại các điểm giết mổ gia súc trái phép trên địa bàn”, văn bản nêu.
Liên quan đến việc phòng dịch tả heo châu Phi và kiểm soát dịch bệnh động vật, TP.HCM đã thành lập thêm 2 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời tại cầu Kỳ Hà 1 (quận 2) và chốt Phước Thạnh (xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi). Hai chốt kiểm dịch này có nhiệm vụ tạm dừng phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật để kiểm tra hồ sơ, tình trạng vệ sinh thú y và khử trùng tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua.
Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng chi cục Chăn nuôi & Thú y TP.HCM cho biết, đến cuối tháng 5/2019, dịch tả heo châu Phi đã lan ra 48 địa phương trên cả nước, khiến hơn 2 triệu con lợn (6,5% tổng đàn lợn toàn quốc) bị tiêu hủy. Ông Phát cho hay: "Ở phía Nam, tỉnh Đồng Tháp đang bị dịch nặng nề nhất nên phải công bố dịch trên quy mô toàn tỉnh. Các tỉnh giáp ranh TP.HCM gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước cũng đã có dịch, diễn biến ngày càng phức tạp".
“Đáng lưu ý, tại các tỉnh phía Bắc, dịch xảy ra ở các hộ nhỏ lẻ nhưng khi vào phía Nam (Bình Dương, Đồng Nai, Hậu Giang) lại xuất hiện ở các trại nuôi lớn, quy mô hơn 1.000 con. Với quy mô này, nhiều tỉnh đã bị vỡ mọi phương án ứng phó", ông Phát thông tin thêm.
Như tại Hậu Giang, để xử lý ổ dịch 1.300 con heo, cơ quan chức năng phải mất 4 ngày, huy động cả lực lượng công an mới hoàn thành việc tiêu hủy. Do đó, tại TP.HCM, các quận, huyện phải chuẩn bị kế hoạch về nhân lực, vật lực đối phó với tình huống dịch xảy ra ở trại quy mô lớn để không bị động”, ông Huỳnh Tấn Phát nói.
Theo ông Hoàng Cảnh Dương, Phó Chi cục trưởng chi cục Bảo vệ môi trường (sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), UBND TP.HCM đã thống nhất với các đơn vị liên quan về việc xử lý tiêu hủy tại chỗ đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ, tránh lây lan dịch bệnh do vận chuyển.
“Trong trường hợp dịch xảy ra ồ ạt với các trang trại lớn (quy mô 1.000 con), chúng ta sẽ xử lý chôn tập trung tại bãi rác dự phòng trong khu Liên hợp Xử lý chất thải Phước Hiệp (huyện Củ Chi). Công ty Môi trường đô thị đã chuẩn bị sẵn vôi bột, hóa chất để sử dụng khi cần, tránh bị động”, ông Hoàng Cảnh Dương cho hay.